Hàng trăm ha lúa mùa ở huyện miền núi Nghệ An nguy cơ mất trắng do nhiễm rầy nâu

Có tới 350 ha lúa mùa của huyện miền núi Quế Phong bị nhiễm rầy nâu; trong đó, hàng trăm ha nhiễm nặng, nguy cơ mất trắng, nhiều gia đình sẽ không có lúa để thu hoạch sắp tới.

Clip: XH - QA.

Cánh đồng lúa mùa của khối Cỏ Noong, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) những ngày này xuất hiện hàng loạt đám ruộng chuyển sang khô cháy, khó có thể trổ bông được. Tìm hiểu được biết, những ruộng lúa khô cháy là do nhiễm rầy nâu nặng.

Bà Vi Thị Lan ở khối Cỏ Noong, thị trấn Kim Sơn cho biết, toàn bộ 13a lúa mùa của gia đình bị nhiễm rầy nâu nặng, có khả năng mất trắng. Ảnh: Quang An

Bà Vi Thị Lan, nông dân của khối Cỏ Noong, thị trấn Kim Sơn buồn rầu nói, vụ mùa này, gia đình gieo cấy 13a lúa (tương đương hơn 2 sào), với giống lúa thuần Bắc Thịnh. Khi cây lúa đến giai đoạn làm đòng thì xuất hiện dày đặc. Mặc dù gia đình đã bỏ ra 300 nghìn đồng mua thuốc trừ sâu để phun 3 lần nhưng không cứu được lúa. Giờ lúa càng ngày càng bị khô cháy nặng hơn, nên gia đình không phun thuốc nữa.

"Toàn bộ ruộng của gia đình bị khô cháy, nguy cơ không trổ được bông, nên mùa này xem như không có lúa để thu hoạch, đối diện với tình trạng không đủ lương thực trong thời điểm giáp hạt tới đây", bà Vi Thị Lan chia sẻ.

Những khóm lúa bị rầy nâu đốt khô cháy. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND cho biết: Địa phương có 200 ha lúa mùa, thì có 47 ha bị nhiễm rầy nặng, ngoài ra, còn một số diện tích bị nhiễm rầy nhẹ. Những diện tích bị nhiễm rầy nặng đã bị khô cháy lá, không thể trổ bông được.

"Hiện nay, UBND thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân tổ chức phun thuốc trừ sâu nhằm cứu những diện tích bị nhiễm rầy nhẹ. Để công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa hiệu quả, thị trấn thường xuyên hướng dẫn bà con mua đúng thuốc, phun đúng cách, đúng thời điểm...", ông Hoàng Trung Cường cho hay.

Rầy nâu dày đặc dưới gốc lúa. Ảnh: Quang An

Tương tự, xã Châu Kim cũng là địa phương có khá nhiều diện tích lúa mùa bị nhiễm rầy nâu. Ông Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim cho biết, toàn xã đã có 100 ha lúa mùa bị nhiễm, trong đó, có hơn 30 ha nhiễm nặng, nguy cơ không thể trổ bông được.

"Hiện nay, địa phương tiếp tục tuyên truyền bà con nông dân phun thuốc trên những diện tích nhiễm rầy nhẹ, còn những diện tích nhiễm nặng, khô cháy lá thì không phun nữa, vì nếu phun cũng không thể cứu được. Đặc biệt, có thể nhận thấy những nơi nào bà con gieo cấy giống lúa Cày Nọi (giống lúa địa phương) thì ít bị nhiễm rầy, hoặc nhiễm không nặng; còn những diện tích gieo cấy giống lúa thuần là đa số bị nhiễm rầy và nhiễm nặng", ông Hà Minh Tuấn cho hay.

Nhiều cánh đồng lúa mùa trên địa bàn huyện Quế Phong bị khô cháy do nhiễm rầy nâu. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ mùa này, toàn huyện gieo cấy hơn 2.000 ha lúa. Tuy nhiên, năm nay rầy nâu xuất hiện trên nhiều diện tích, nên công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, qua số liệu của các địa phương cho thấy, toàn huyện có 350 ha bị nhiễm rầy nâu; trong đó, diện tích nhiễm nặng, bị khô cháy lên đến hàng trăm ha (hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục thống kê diện tích bị nhiễm nặng tại các địa phương). Những diện tích lúa mùa bị nhiễm rầy nâu chủ yếu ở các xã vùng ngoài: Châu Kim, Mường Nọc, thị trấn Kim Sơn và Tiền Phong.

Nguyên nhân lúa mùa của huyện Quế Phong bị nhiễm rầy nâu nặng, theo ông Phan Trọng Dũng, là do bà con nông dân phun thuốc không đúng cách; hơn nữa, thời tiết năm nay khác mọi năm, sáng nắng, chiều mưa và việc phun thuốc không đồng loạt, nên sau khi phun thuốc không có hiệu lực; ngoài ra, một số hộ do không có nhân lực nên không phun thuốc, dẫn đến rầy lây lan ra vùng khác.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, hiện nay, lúa mùa ở các huyện miền núi nói chung đang phát triển ổn định, chỉ riêng huyện Quế Phong có nhiều diện tích bị nhiễm rầy nâu nặng. "Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn làm đòng, gần đến thời kỳ trổ bông, do vậy, địa phương cần tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân tổ chức phun thuốc phòng trừ rầy nâu trên những diện tích bị nhiễm nhẹ, nhằm hạn chế rầy lây lan ra rộng hơn. Đối với những diện tích bị nhiễm nặng, khô cháy hết bộ lá thì nguy cơ cao sẽ không trổ được bông", ông Nguyễn Tiến Đức chia sẻ.

Lúa mùa ở huyện Quế Phong trổ bông từ giữa cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay hàng trăm ha lúa có nguy cơ không trổ được bông, do nhiễm rầy nặng, nên nhiều gia đình sẽ không có lúa để thu hoạch.

Xuân Hoàng - Quang An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hang-tram-ha-lua-mua-o-huyen-mien-nui-nghe-an-nguy-co-mat-trang-do-nhiem-ray-nau-post276034.html