Hàng trăm người giúp việc Philippines mắc kẹt tại sân bay vì corona

Những người Philippines bị tắc lại ở sân bay vì chính phủ nước này ban hành lệnh cấm di chuyển trên diện rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm do virus có tên corona trên toàn thế giới, chính phủ Philippines đã ban hành lệnh cấm di chuyển tạm thời với các công dân nước này và người ngoại quốc. Điều này có nghĩa là du khách đến từ Trung Quốc, bao gồm Hong Kong và Macao, sẽ không được nhập cảnh vào Philippines.

Ngược lại, người dân nước này cũng bị cấm di chuyển đến “đất nước tỷ dân”. Ngoài ra, công dân Philippines quay trở lại quê hương cũng sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi.

 Nỗi lo sợ lan rộng tại Philippines sau khi nước này công bố trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona. Ảnh: AFP.

Nỗi lo sợ lan rộng tại Philippines sau khi nước này công bố trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona. Ảnh: AFP.

Ngay khi sắc lệnh này có hiệu lực, bà Betty Yung Ma Shan-yee - Chủ tịch Hiệp hội những người giúp việc nước ngoài tại Hong Kong đã nhận được nhiều cuộc gọi tìm kiếm trợ giúp.

Bà Yung trả lời: “Đã có khoảng 200-300 người giúp việc bị kẹt lại ở sân bay bởi nhiều chuyến bay đến Hong Kong đã bị hủy. Một chủ nhà đã nói với tôi rằng người giúp việc của cô ấy đã về Philippines trong kỳ nghỉ lễ, song không thể quay lại do chuyến bay bị hủy. Cô ấy tưởng đó là do các hãng hàng không nhưng thực chất lại là vì lệnh cấm”.

Theo bà Yung, người chủ nhà đang cố gắng tìm cách để người giúp việc của cô ấy có thể quay lại bằng cách quá cảnh thông qua một đất nước thứ ba, song không chắc liệu việc đó có khả thi hay không.

“Chúng tôi lo rằng Indonesia có thể là quốc gia tiếp theo ban hành một lệnh cấm tương tự”.

Cherilyn Reyes, một người giúp việc 38 tuổi người Philippines đã dự định trở về Hong Kong. Cô cùng nhiều hành khách khác đã ngồi chờ 5 tiếng đồng hồ trên máy bay tại thủ đô Manila. Đến lúc đó, họ mới nhận được tin rằng những chuyến bay đến Hong Kong sẽ bị hủy vì lệnh cấm.

Reyes bộc lộ rõ sự lo lắng: “Chủ nhà đã hỏi liệu tôi có ổn không và tôi đang ở đâu. Họ đã trông đợi tôi quay về vào đêm hôm đó. Tôi đang rất lo lắng”.

Đây không chỉ là nỗi lo của riêng Cherilyn Reyes. Mimi Ysulat - một phụ nữ 40 tuổi người Philippines đã giúp việc cho một gia đình ở Hong Kong từ năm 2011. Đáng lẽ cô phải quay lại vào giữa tháng 2 nhưng người chủ nhà đã khuyên cô ở lại Philippines trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

“Tôi cần phải làm việc để sống. Tôi không bị nhiễm virus. Tại sao chúng tôi lại bị trừng phạt bởi điều đó?”, Ysulat tự hỏi.

Teresa Liu Tsui-lan, Giám đốc điều hành trung tâm nhân sự Technic Employment Service Center, nói rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến việc xuất nhập cảnh. Ban đầu, công ty của cô dự định sẽ có khoảng 100 lao động mới xuất cảnh tháng này. Nhưng vì lệnh cấm, Liu chỉ có thể thông báo trì hoãn với các chủ nhà.

Đại dịch corona gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động giúp việc của Philippines. Ảnh: AFP.

Hely Shu, một trong những chủ nhà bị ảnh hưởng tỏ ra vô cùng quan ngại trước tình hình này.

“Vợ chồng tôi đều đi làm nên đã thuê người giúp việc để trông em bé 2 tháng tuổi nhà mình. Cô ấy đáng lẽ phải trở về vào thứ Tư nhưng đột nhiên tất cả kế hoạch của tôi bị đảo lộn”.

Shu cũng bất an nếu người làm của mình tới Hong Kong: “Vì đã có vài trường hợp nhiễm virus corona ở Philippines, tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của cô ấy. Có thể tình huống sẽ không tệ đến thế nhưng cho đến giờ, mọi thứ đều không chắc chắn".

Các nhân công người Philippines ở Hong Kong cảm thấy lo lắng. “Nhiều nhân công người Philippines e ngại rằng hợp đồng của họ có thể bị hủy bởi không thể quay lại làm việc theo đúng thời hạn”, một người giấu tên nói.

Lệnh cấm di chuyển tạm thời được Philippines đưa ra ít lâu sau khi nước này công bố trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona. Đó là một người đàn ông 44 tuổi đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) quá cảnh tại Philippines trong chuyến du lịch đến Hong Kong ngày 21/1 vừa qua.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hang-tram-nguoi-giup-viec-phillipines-mac-ket-tai-san-bay-vi-corona-post1043104.html