Hàng trăm tài tử nô nức về tham dự cuộc thi “Hội ngộ tài tử phương Nam”

(VOH) - Nhằm phát huy và giữ gìn vốn quý của âm nhạc truyền thống, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Phương Nam - Đờn ca tài tử, Đài Tiếng Nói Nhân Dân TPHCM tổ chức cuộc thi “Hội ngộ tài tử phương Nam”, sân chơi dành cho tất cả tài tử sinh hoạt tại các lò đào tạo đờn ca tài tử - cải lương, các đội nhóm, câu lạc bộ, trường học và các đơn vị văn hóa nghệ thuật tại thành phố, các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Vương Quyền - Phó giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi tại buổi họp báo giới thiệu chương trình. Ảnh: Khiêm Huân

Cuộc thi sẽ khai mạc vào ngày 12/10 tại Đài TNND TP và bế mạc vào ngày 7/1/2015 tại Nhà hát TP. Ông Vương Quyền - Phó giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi trả lời phỏng vấn của VOH về công tác chuẩn bị cuộc thi.

* Thưa ông, ý nghĩa của cuộc thi “Hội ngộ tài tử phương Nam” do Đài TNND TPHCM lần đầu tiên tổ chức ?

- Ông Vương Quyền: “Hội ngộ Tài tử phương Nam” sẽ là một sân chơi để các tài tử gặp nhau trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Cuộc thi sẽ quảng bá, vun đắp và nuôi dưỡng loại hình đờn ca tài tử - cải lương phát triển mạnh mẽ trong nhân dân thông qua làn sóng phát thanh và truyền hình; chúng tôi hy vọng ghi nhận các tài năng, biểu dương và tôn vinh các nghệ nhân đờn ca tài tử - cải lương tại các lò đào tạo; đồng thời đánh dấu 1 năm tổ chức UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (05/12/2013 – 05/12/2014).

* “Hội ngộ tài tử phương Nam” có sự tham gia của nhiều “lò dạy tài tử”, một yếu tố nhiều cuộc thi liên hoan khác chưa có, ông chia sẻ thêm về điểm mới này?

- Ông Vương Quyền: Sau khi đờn ca tài tử được tổ chức UNESCO vinh danh thì phong trào đờn ca tài tử càng nở rộ hơn, đặc biệt là các lò dạy tài tử cũng phát triển mạnh hơn. Đây là một lực lượng tài tử giỏi nghề, yêu nghề nhưng hầu như họ ít có điều kiện tham gia vào những cuộc thi, những liên hoan lớn. Chính vì điều đó, khi thực hiện chương trình, chúng tôi đã nhắm ngay đến lực lượng này. Chúng tôi mong đây sẽ là cơ hội tốt để các tài tử được thỏa sức thể hiện những cái hay, cái riêng, những nét tinh hoa chưa được phát hiện trong các câu lạc bộ đội nhóm. Cuộc thi hy vọng quảng bá thêm hình ảnh của các lò dạy tài tử, để những ai thật sự có niềm yêu thích với bộ môn này sẽ tìm đến học, chơi tài tử. Tôi tin rằng, sự tham gia của các thí sinh tại các lò dạy sẽ mang đến những sắc màu sống động và hấp dẫn cho cuộc thi.

* Thưa ông, ở nhiều cuộc thi tài tử trước, người tham gia đa phần là các tài tử có tuổi và họ thể hiện nhiều bài ca với nội dung cũ. Ở cuộc thi lần này, yếu tố mới về nội dung bài ca cũng như về các nhân tố trẻ sẽ được khuyến khích như thế nào? .

- Ông Vương Quyền: Ở cuộc thi này, trong tiêu chí chấm giải, chúng tôi khuyến khích các đội thể hiện hết những cái hay, những tinh túy của đơn vị mình đồng thời xây dựng một chương trình có chủ đề cụ thể, sử dụng những bài ca với nội dung mới phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là phải trẻ hóa. Dĩ nhiên, lớp tài tử gạo cội là những tinh hoa, là những người đã lưu giữ và phát triển thêm loại hình nghệ thuật này, thế nhưng những tinh hoa ấy cũng cần trao lại cho thế hệ trẻ để các em tiếp tục sứ mệnh giữ gìn. Ngay từ vòng sơ tuyển đã xuất hiện nhiều tài tử trẻ, có cả những tài tử mới 7, 8 tuổi nhưng lại có những thành tích rất tốt.

* Hiện tại, cả nước có nhiều liên hoan, cuộc thi đờn ca tài tử diễn ra cùng với “Hội ngộ tài tử phương Nam”, vậy chúng ta có những nét gì mới để thu hút khán thính giả và thí sinh tham gia ?

- Ông Vương Quyền: Chúng tôi thực hiện một kết cấu mới. Thay vì chỉ thi mỗi lần một đội, lần này sẽ cho thi từng cặp. Sự tương tác qua lại giữa hai đội thi sẽ làm chương trình thêm hấp dẫn. Cũng vì thi đấu từng cặp nên các đội phải hết sức tập trung và làm sao để cho khán giả nhớ những nét đặc trưng của đội mình. Cuộc thi còn mở rộng thêm phần ca ra bộ và phần dự thi trích đoạn cải lương ở vòng trong. Thiết kế sân khấu cũng được dàn dựng mới lạ, tạo không gian vừa đẹp vừa gần gũi để các đội thỏa sức bay bổng với những giai điệu ngũ cung. Chúng tôi mong muốn, đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là một chương trình nghệ thuật dân tộc độc đáo gửi đến người mộ điệu.

* Cảm ơn ông!

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=75882