Hàng trăm tài xế tụ tập đình công, Go-Viet vẫn né tránh làm việc với chính quyền

Sáng 18/7, hàng trăm tài xế Go-Viet tụ tập trước trụ sở để đình công phản đối chính sách mới. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, hãng xe công nghệ này lại né tránh làm việc.

Ngày 18/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết, đã nắm bắt được sự việc hàng trăm tài xế hãng Go-Viet tụ tập đình công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Đô cũng thông tin: “UBND quận 3 và liên đoàn Lao động quận 3 cùng với các ban ngành đã đến làm việc nhưng chủ doanh nghiệp chưa tiếp. Những người lao động chạy Go-Viet cũng giống như Grab, là không có hợp đồng lao động nên thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND quận 3, nơi công ty đặt trụ sở. Đến cuối giờ chiều hôm nay (18/7), các cơ quan chức năng vẫn đang ngồi tại văn phòng công ty Go-Viet để yêu cầu làm việc nhưng ban Giám đốc vẫn né tránh, không xuất hiện”.

Hàng trăm tài xế Go-Viet tụ tập trước trụ sở công ty để đình công. (Ảnh: Hoàng Việt).

Hàng trăm tài xế Go-Viet tụ tập trước trụ sở công ty để đình công. (Ảnh: Hoàng Việt).

Theo PV ghi nhận, từ sáng nay (18/7), hàng trăm tài xế Go-Viet đã tập trung trước trụ sở công ty ở ngã tư Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) để phản đối sự thay đổi trong chính sách với tài xế.

Cụ thể, các tài xế cho biết, từ 16h hôm qua (17/7), công ty bất ngờ gửi mail thông báo về chính sách mới. Theo đó, Go-Viet yêu cầu tài xế phải chạy đủ 80 điểm thay cho 28 điểm trước đây, mới nhận được 240.000 đồng/ngày. Chưa kể, chính sách mới được áp dụng chỉ sau 1 ngày thông báo qua email.

Với mức điểm thưởng mới này, tài xế phải chạy cật lực vẫn chưa chắc đạt được. Anh Nguyễn Văn An (33 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) cùng nhiều tài xế khác cho biết lý do họ tụ tập đình công là yêu cầu công ty gặp mặt đối thoại, quay về với chính sách cũ.

Lực lượng công an đã có mặt để đảm bảo an ninh trật tự. (Ảnh: Hoàng Việt).

Luật sư Phương Ngọc Dũng, văn phòng luật sư Vạn Lý đánh giá: “Theo quan điểm của tôi, nếu các hãng xe ôm công nghệ cho rằng các tài xế là đối tác chứ không phải người lao động để từ đó thoái thác trách nhiệm là không đúng với tinh thần của Bộ luật Lao động, luật BHXH, Bộ luật Dân sự”

“Theo quy định của Bộ luật Lao động, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên về quyền lợi và nghĩa vụ, điều kiện làm việc. Các tài xế phải tuân thủ các quy định mà công ty đặt ra. Như vậy, có thể thấy giao kết giữa công ty và các tài xế cũng là một dạng hợp đồng lao động. Việc công ty lập lờ giữa đối tác và người lao động là chưa đúng với tinh thần của luật và bản chất sự việc”, ông Dũng phân tích.

Hà Nhân - Hoàng Việt

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-tram-tai-xe-tu-tap-dinh-cong-go-viet-van-ne-tranh-lam-viec-voi-chinh-quyen-a442337.html