Lừa người tiêu dùng đến bao giờ?

Không chỉ Mumuso bán những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc mà bên cạnh đó hàng loạt thương hiệu khác như Miniso, Daiso, Yoyoso… cũng bán hàng 'made in China'.

Việc quảng cáo lập lờ đã đánh lừa người tiêu dùng

“Treo đầu dê bán thịt chó”?

Mumuso được biết đến với hình thức cửa hàng bán lẻ của người Hàn ở Việt Nam. Nhìn là vậy, nhưng nhiều người tiêu dùng phải giật mình sau khi phát hiện nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng là của Trung Quốc.

Khảo sát của PV tại các cửa hàng của Mumuso ở TP.HCM, nhiều sản phẩm của thương hiệu này dán nhãn "Mumuso - Korea" nhưng lại được sản xuất tại Trung Quốc.

Cửa hàng theo phong cách Nhật, Hàn nhưng bán nhiều hàng Trung Quốc

Ghi nhận tại cơ sở Mumuso trên đường Quang Trung, Quận Gò Vấp. Nhìn từ bên ngoài, không khó để thấy phía dưới chữ Mumuso là một dòng chữ tiếng Hàn. Logo của Mumuso luôn có ký tự “.KR “ - chữ viết tắt của Korea mà các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn sử dụng. Bên trong cửa hàng này được trang trí rất bắt mắt theo phong cách Hàn Quốc khiến nhiều người lầm tưởng đây là thương hiệu đến từ Hàn Quốc thực sự.

Hầu hết sản phẩm của Mumuso giới thiệu tại cửa hàng đều được in tiếng Anh và tiếng Hàn, địa chỉ sản xuất thì được in "khéo" với chữ rất nhỏ, không nổi bật trên sản phẩm. Nhiều người cho biết, sau khi mua sản phẩm về nhà, phải rất khó khăn mới đọc được dòng chữ “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) in nhỏ ở góc sản phẩm.

Mặc dù quảng cáo thương hiệu là Korea nhưng xuất xứ lại là China

Về giá cả, hầu hết các sản phẩm ở đây bán giá rẻ đến mức khó tin, cụ thể, móc dán tường, dụng cụ lăn bụi giá chỉ 22.000 đồng; nước hoa từ 50.000 - 300.000 đồng/chai; son môi được niêm yết với giá thấp nhất 43.000 đồng/sản phẩm; dầu gội đầu, sữa dưỡng da, dưỡng tóc được bán với giá từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm...

Ngoài ra, trên bao bì các sản phẩm đều in những dòng chữ “có vẻ giống chữ Hàn Quốc”. Nhưng theo thầy Hưng - một giáo viên dạy tiếng Hàn khẳng định, những dòng chữ này không phải là tiếng Hàn mà được sử dụng “google dịch” để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hàn nên bị sai ngữ pháp.

Sản phẩm được bày bán nhiều tại các cửa hàng như Daiso, Miniso, Minigood...

Trao đổi với nhân viên bán hàng tại đây, xuất xứ và ngôn ngữ sử dụng trên bao bì được nhân viên khẳng định là hàng Hàn Quốc, nhưng “được sản xuất ở Trung Quốc vì giá nhân công rẻ (!?)”. “Thương hiệu Mumuso có thật là của Hàn Quốc” chúng tôi hỏi. Câu trả lời chỉ là sự ấp úng và không chứng minh được Mumuso có cơ sở tại Hàn Quốc của nhân viên cửa hàng.

Cũng có mô hình hoạt động tương tự như Mumuso, Miniso kinh doanh hàng nghìn sản phẩm có giá từ 43.000 đồng đến 420.000 đồng, thuộc các ngành hàng: đồ gia dụng; mỹ phẩm, trang điểm, dụng cụ làm đẹp; đồ tiện ích cá nhân; văn phòng phẩm, quà lưu niệm; phụ kiện kỹ thuật số trang sức; đồ theo mùa; phụ kiện thời trang, túi xách và thực phẩm.

Giá rẻ, mẫu mã đa dạng là lý do khiến nhiều khách hàng chọn mua ở các cửa hàng đội lốt Nhật, Hàn

Miniso giới thiệu các sản phẩm của mình là “Japanese designer brand” - nghĩa là “Thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản”. Ghi nhãn trên sản phẩm cũng được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng như: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và cả tiếng Việt. Nếu để ý thật kỹ, khách hàng mới thấy dòng chữ “made in China” khiêm tốn một góc trên bao bì.

Tương tự, tự giới thiệu là các sản phẩm được nhập khẩu từ Nhật Bản, Daiso Japan cũng bán rất nhiều sản phẩm với giá mềm chỉ từ 22.000 đồng. Nếu xem trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng, người mua cũng bị hoa mắt bởi nhãn hàng ghi bằng nhiều thứ tiếng chồng lấn lên nhau. Mỗi sản phẩm thậm chí còn ghi nhà máy sản xuất, khu công nghiệp sản xuất Nhật Bản nhưng ở 1 góc bao bì lại có dòng chữ “made in China”, khiến khách hàng rất dễ nhầm lẫn.

Chị Nguyễn Thu Hoài (quận Gò Vấp) cho biết, các cửa hàng kiểu như Mumuso, Miniso rất hấp dẫn khách hàng, đặc biệt là người trẻ tuổi bởi họ bán các sản phẩm theo xu hướng, mà chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ chiếc bình nước, sạc điện thoại hay phụ kiện điện thoại… đều giống như ở bộ phim nào đó của 2 nước này, nhìn rất dễ thương. Hơn nữa, giá sản phẩm lại rẻ, ai cũng có thể mua được.

"Nhưng sau nhiều lần mua sắm tại các cửa hàng này, xem xét kỹ tôi thấy đa số là hàng Trung Quốc. Hàng Nhật Bản và Hàn Quốc không thế có giá thấp như vậy, dù là món đồ nho nhỏ”, chị Hoài nói.

Người tiêu dùng có bị lừa?

Hành vi mua sắm của giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phim ảnh, sách, truyện… mà những năm gần đây, điện ảnh, văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam qua các kênh giải trí nêu trên. Do đó, việc các cửa hàng có tên gọi, bán các loại hàng theo phong cách Nhật, Hàn tại Việt Nam nở rộ, được yêu thích là điều tất yếu.

Hơn nữa, hàng Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá cao về chất lượng nên người tiêu dùng Việt Nam càng tin tưởng. Lợi thế về hợp xu hướng, xuất xứ đảm bảo cho chất lượng và giá cả đã khiến các hệ thống cửa hàng như: Mumuso, Miniso, Daiso… không ngừng mở rộng phạm vi phủ sóng từ TP.HCM, Hà Nội, ra các tỉnh, thành phố khác.

Bên trong một cửa hàng Miniso tại TP.HCM

Tuy nhiên, thông tin mới đây nhất từ Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra hàng hóa tại Mumuso thì phát hiện có 99,3% hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc. Hơn nữa, thương hiệu này còn có dấu hiệu vi phạm một loạt quy định như không thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumuso, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

Ngoài ra thương hiệu Mumuso còn được cơ quan chức năng chỉ ra dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ tiếng Việt nhưng nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Từ những chứng cứ và số liệu của Bộ Công Thương đưa ra đã khiến người tiêu dùng một phen "té ngửa". Nhiều ý kiến cho rằng hành động như vậy là khó chấp nhận.

Chị Phạm Minh Nguyệt cho rằng trước kia chị hoàn toàn nghĩ các cửa hàng như Mumuso, Miniso… là hàng Nhật, Hàn. Chỉ sau khi Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra, chị mới giật mình vì đã bị đánh lừa.

Chị Nguyệt nói rằng từ logo, nhãn hiệu, các dòng chữ ghi trên nhãn mác hàng hóa đều khiến khách hàng nhận diện là hàng Nhật, Hàn. Chỉ khi đọc kỹ dòng chữ tiếng Anh (một số cửa hàng không ghi rõ bằng tiếng Việt là hãng xuất xứ Trung Quốc) thì người mua mới biết “made in China”.

“Tuy tôi không hề ác cảm với hàng Trung Quốc, nhưng những cửa hàng cần phải ghi rõ ràng xuất xứ, nhãn mác để người tiêu dùng biết, tránh bị nhầm lẫn là hàng Nhật, Hàn. Có lúc dẫn các con đi mua đồ, các cháu cũng chỉ biết hàng đẹp từ Nhật, Hàn chứ không hề phân biệt được để mà lựa chọn”, chị Nguyệt nói.

Đồng quan điểm trên, chị Thu Hương - một khách hàng trẻ hay mua hàng tại các cửa hàng Mumuso và Minoso cho biết, cái được là họ công khai cho khách biết hàng xuất xứ Trung Quốc, nhưng còn lại chất lượng kiểm soát ra sao thì chỉ họ mới biết. Còn khách cứ tin tưởng hàng Trung Quốc nhưng được kiểm soát bởi những chuyên gia Nhật.

“Nhắc đến Mumuso, Miniso, Daiso…nghĩ là đồ Hàn Quốc, Nhật Bản xịn nên mới đến và mua sắm. Tại sao mẫu mã, cửa hàng quảng cáo là Hàn Quốc mà lại bán hàng Trung Quốc? Rõ ràng như vậy dễ gây hiểu lầm, không trung thực, đánh lừa người tiêu dùng” – chị Thu Hương bày tỏ quan điểm.

Một chuyên gia về thị trường cho rằng, để người tiêu dùng không còn bị nhầm lẫn khi mua hàng hóa, cách tốt nhất là mỗi người phải tự đọc kỹ thông tin ghi trên sản phẩm. Trong khi đó, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở” để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và doanh nghiệp.

PHẠM ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lua-nguoi-tieu-dung-den-bao-gio-8133.html