Hàng tỷ USD vẫn chảy vào Trung Quốc?

Bộ Thương mại Trung Quốc công bố dữ liệu cho biết, bất chấp nền kinh tế đang chậm lại và cuộc thương chiến Mỹ-Trung chưa thấy hồi kết, các tập đoàn đa quốc gia từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí từ Mỹ tiếp tục bơm hàng tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc.

Thị trường quá lớn để bỏ qua?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã tăng gần 3% trong 9 tháng năm 2019 so với 1 năm trước đó. Mức tăng này tương đương của năm 2018, tức thương chiến không làm FDI vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại như nhiều người vẫn nghĩ. Tại sao có nghịch lý này?

Thực tế, các số liệu FDI của Trung Quốc rất khó phân tích. Hầu như không thể biết được bao nhiêu tiền đầu tư từ bên ngoài đổ vào Trung Quốc, bao nhiêu công ty Trung Quốc đã chuyển tiền ra nước ngoài và sau đó chuyển hướng về đại lục để tận dụng các khoản giảm thuế và các ưu đãi khác.

Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho biết, khoảng 3/4 vốn FDI của Trung Quốc năm 2018 đã được chuyển qua Hồng Kông, quần đảo Virgin thuộc Anh hoặc quần đảo Cayman. Những luồn vốn FDI đó được mệnh danh là các kênh "FDI ảo".

Trích dẫn cam kết đầu tư lớn của các công ty như Tesla, Walmart, General Electric, LG Chem và BASF, Bloomberg kết luận việc FDI Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng là có thật. Cụ thể, Tesla muốn sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới ở Thượng Hải, là nhà máy đầu tiên của họ nằm ngoài Mỹ đã được các nhà băng Trung Quốc cho vay 521 triệu USD.

LG Chem, hãng sản xuất pin lithium-ion lớn thứ hai thế giới, tháng trước cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 430 triệu USD vào mảng kinh doanh ở Trung Quốc. Hồi tháng 6, họ cũng hợp tác với hãng xe Trung Quốc Geely Automobile Holdings để sản xuất pin cho xe điện. Cả GE Renewable Energy (thuộc General Electric), BASF và Walmart gần đây cũng công bố rót hàng tỷ USD vào cơ sở ở Trung Quốc.

Những khoản đầu tư trên sẽ giúp xoa dịu ảnh hưởng từ việc các hãng sản xuất rời Trung Quốc vì đòn thuế của Mỹ, giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu về việc làm kể cả trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nhất gần 30 năm. Những khoản đầu tư này bất chấp sắc lệnh tháng 8 của Tổng thống Trump yêu cầu các công ty Mỹ phải "ngay lập tức tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc".

Bloomberg lý giải, đối với các nhà khổng lồ đa quốc gia, sức mạnh chi tiêu tăng lên của 1,4 tỷ người quá khó để cưỡng lại. Vì thế, họ đã bỏ ngoài tai những cảnh báo của ông Trump. Thí dụ, Michael Bloomberg, nhà sáng lập hãng tin Bloomberg, đã không ngừng tuyển dụng các CEO toàn cầu tham gia Diễn đàn kinh tế mới cao cấp để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ dựa vào vài công ty bề vẫn khó xác định tính chính xác của số liệu FDI Trung Quốc.

Trung Quốc mở rộng cửa

Lôi kéo các nhà đầu tư toàn cầu đã trở thành ưu tiên của Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại làm nền kinh tế suy yếu. Dù vậy, đây là trận chiến khó khăn. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, dòng tiền nước ngoài đổ vào cường quốc xuất khẩu tăng trưởng nhanh, giữ đồng NDT tiếp tục xu hướng tăng trong hơn thập niên, đồng thời làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhưng xu hướng đó đã thay đổi, Trung Quốc đang chứng kiến những thâm hụt có thể xảy ra ở cả vốn và tài khoản vãng lai.

Phái đoàn thương mại Trung Quốc đến thăm trang trại đậu nành của Mỹ.

Cary Yeung, Giám đốc nợ tại Trung Quốc của Công ty quản lý tài sản Pictet, cho biết Trung Quốc sẽ biến thành nhà nhập khẩu vốn ròng vì muốn giảm phụ thuộc kinh tế vào xuất khẩu, chuyển sang tiêu thụ nhiều hơn, do đó thâm hụt tài khoản vãng lai. Khi điều đó xảy ra, nước này sẽ phải tài trợ cho thâm hụt đó bằng cách vay thêm từ nước ngoài. Nhận thức được thách thức sắp xảy ra này, Bắc Kinh đang nhân đôi nỗ lực của mình để thu hút dòng vốn đầu tư và mở cửa lĩnh vực tài chính trong nước.

Trong tháng 9, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gặp gỡ công khai hoặc kín đáo với các giám đốc điều hành cấp cao của ít nhất 4 tổ chức tài chính hàng đầu Mỹ, bao gồm Giám đốc Citi Group Michael Corbat, Chủ tịch BlackRock Larry Fink, và Rajeev Mittal, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Fidelity International.

Việc Trung Quốc nỗ lực loại bỏ hạn chế hạn mức đầu tư đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII) và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn đầu tư bằng đồng NDT (RQFII), đã khến các nhà xuất bản chỉ số toàn cầu như MSCI và FTSE Russell đồng ý bổ sung cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc vào điểm chuẩn toàn cầu của họ.

Ước tính trái ngược

Tuy nhiên theo giới quan sát, tăng trưởng trong đầu tư FDI của Trung Quốc vẫn đang có xu hướng thấp hơn. FDI ròng, theo ước tính của Nomura, sẽ giảm một nửa trong năm nay xuống 40,3 tỷ USD - con số hoàn toàn trái ngược với công bố 89,26 tỷ USD trong 8 tháng của Bộ Thương mại Trung Quốc. Ben Cavender, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMR), cho biết cần có thời gian để các công ty toàn cầu lớn đa dạng hóa một phần hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc nếu chiến tranh thương mại kéo dài, những công ty nhỏ hơn sẽ dừng việc kinh doanh. "Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và lợi tức đầu tư cũng vậy" - ông Cavender nói.

Điều đáng lo ngại khác, bất chấp sự kiểm soát vốn hà khắc của Trung Quốc, dòng vốn chảy ra không được tính đã tăng gần mức kỷ lục 87,8 tỷ USD trong quý đầu tiên. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang chạy trốn một cách bất hợp pháp theo những cách thức ngày càng đa dạng. Sự gia tăng chảy máu vốn sẽ gây áp lực giảm giá đối với đồng NDT xuống dưới mức 7NDT/USD vào tháng 8, mức thấp nhất 11 năm khi các xung đột thương mại gia tăng. Đồng tiền này đã giảm hơn 5% kể từ tháng 5.

Dù vậy, Cheng Shi, kinh tế trưởng tại ICBC International, cho biết thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là "thiên đường" trong thế giới hỗn loạn, với tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ. Vì vậy, dòng tiền dài hạn, thay vì rời khỏi Trung Quốc, có thể tăng gấp đôi số tiền đặt cược của họ vào đất nước trong bối cảnh biến động ngắn hạn. Khoảng 75% FDI vào Trung Quốc hiện đổ vào dịch vụ, điện nước gas và các lĩnh vực khác nhằm phục vụ riêng thị trường nước này.

Mỹ hạn chế dòng vốn Trung Quốc

Khi Trung Quốc cố gắng lôi kéo các công ty Mỹ, Washington lại tăng cường các biện pháp hạn chế dòng vốn từ Bắc Kinh. Theo báo New York Times (NYT), đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh gần 90% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Theo dữ liệu từ Rhodium Group, công ty nghiên cứu kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm xuống còn 5,4 tỷ USD trong năm 2018 từ mức cao nhất 46,5 tỷ USD trong năm 2016, giảm 88%. Số liệu sơ bộ đến tháng 4-2019 tài khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn so với năm ngoái, với các giao dịch trị giá 2,8 tỷ USD.

Tổng thống Trump có xu hướng áp đặt trừng phạt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và sẽ tăng cường những quy định ngày càng khó khăn về xem xét đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có thể giảm vốn đầu tư như một cách để "trả đũa" ông Trump. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc bị cản trở hơn bởi một loạt giao dịch bị thất bại do sự xem xét kỹ lưỡng từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Ủy ban thuộc Bộ Tài chính này đã đạt được các quyền hạn mở rộng vào năm 2018, cho phép nó chặn các giao dịch rộng lớn, bao gồm cổ phần thiểu số và đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm như viễn thông và điện toán.

Hồi đầu năm, Tập đoàn HNA của Trung Quốc đã lỗ 41 triệu USD khi các nhà quản lý Mỹ buộc nó phải bán tài sản vì lo ngại về an ninh đối với tòa nhà Trump, chỉ cách đó vài dãy nhà. Hoặc vào tháng 6, UnitedHealth đã mua BNLikeMe, một công ty khởi nghiệp về công nghệ chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, sau khi Ủy ban Đầu tư nói sẽ là rủi ro bảo mật khi cho phép công ty này có quyền truy cập vào dữ liệu sức khỏe. Trong một số trường hợp, việc làm này đã mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/hang-ty-usd-van-chay-vao-trung-quoc-74542.html