Hàng vạn quan tham tẩu tán tài sản ra nước ngoài

TP - Năm 2011, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố bản báo cáo cho biết, trong khoảng thời gian từ 1995- 2008 có tổng cộng hơn 18.000 quan chức chạy trốn ra nước ngoài mang theo số tài sản lên tới 800 tỷ tệ (130 tỷ USD).

Cao Sơn, lõa quan ôm 1 tỷ tệ cùng vợ con trốn sang Canada.

Mới đây nhất, ngày 23-5, Hội nghị toàn quốc các ngành Kiểm tra kỷ luật, Giám sát, Tư pháp, Công an bàn biện pháp chống quan tham bỏ trốn đã họp ở Bắc Kinh, số liệu do Viện KS tối cao công bố đã khiến người ta sửng sốt: 12 năm qua, cả nước đã bắt và dẫn độ được 18.487 quan chức bỏ trốn, trong 5 năm thu hồi được 54,14 tỷ tệ.

Hiện vẫn còn khoảng 20.000 quan tham đang trốn ở nước ngoài với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ tệ.

Hồi tháng 4-2012, trong thời gian quốc hội đang họp, Bộ trưởng Giám sát Mã Văn khi trả lời báo chí câu hỏi hiện có bao nhiêu lõa quan đã thừa nhận: “Chưa thể thống kê được số liệu chính xác”.

Lõa quan

Ở Trung Quốc hiện nay đã hình thành một tầng lớp quan chức mới, gọi là lõa quan (quan chức lõa thể, nghĩa bóng chỉ những quan chức đã chuyển trước tài sản, vợ con ra nước ngoài, chuẩn bị sẵn sàng để chạy ra nước ngoài khi cần thiết).

Từ lõa quan xuất hiện lần đầu trên mạng xã hội Weibo vào năm 2008, do một quan chức ở tỉnh An Huy đưa ra dùng để gọi những cán bộ quan chức đảng, chính quyền có thân nhân mang tài sản ra định cư ở nước ngoài. Dần dần, từ lõa quan được mở rộng ra, bao gồm thêm cả những giám đốc công ty, chủ xí nghiệp quốc doanh.

Luật công chức và Điều lệ công tác cán bộ đảng, chính quyền đều quy định rõ ràng việc cán bộ phải thông báo với tổ chức những thay đổi của bản thân và gia đình, trong đó có việc thay đổi quốc tịch, kết hôn với người nước ngoài của thân nhân.

Tuy nhiên, các cơ quan có trách nhiệm lại không thể nắm được số lượng lõa quan hiện đang công tác trong hệ thống các cơ quan đảng, chính quyền.

Các lõa quan thường hành động theo hai cách: thứ nhất là đầu tư hợp pháp, di cư sang Mỹ, Canada, Hongkong. Thông thường mỗi trường hợp đầu tư để được có “sổ xanh” của Mỹ phải có vốn đầu tư 1 triệu USD trở lên.

Năm 2011, 70% trường hợp đầu tư – di dân vào Mỹ là người Trung Quốc.

Những người tiền bạc ít hơn thì chọn cách thứ hai, đi đường vòng, tức là chi khoảng 20.000USD để có hộ chiếu của một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, nước châu Phi hoặc Mỹ Latinh nào đó.

Những quốc gia này chưa ký với Trung Quốc hiệp định về dẫn độ nên luôn mở rộng vòng tay chào đón các lõa quan Trung Quốc.

Vị lõa quan đầu tiên được ghi nhận có lẽ là Lưu Tá Khanh, Tổng giám đốc Công ty dầu lửa tỉnh Hắc Long Giang, đã chuyển ra nước ngoài hơn 100 triệu tệ rồi mang theo cả 8 người nhà chạy trốn sang Mỹ vào tháng 11-1994.

Còn lõa quan ôm theo nhiều tiền nhất có lẽ là Cao Sơn, Giám đốc chi nhánh Hà Tùng của Ngân hàng tỉnh Hắc Long Giang.

Ông ta đã bỏ trốn sang Canada cùng vợ con với 1 tỷ tệ vào tháng 1-2005. Cựu tỉnh trưởng Vân Nam Lý Gia Đình khi ngã ngựa đã bị phát hiện có tới 5 hộ chiếu của 5 quốc gia khác nhau.

Một trường hợp điển hình khác được báo chí nói đến gần đây chính là nguyên Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Ông ta đã cho con trai là Bạc Qua Qua sang Mỹ học ở Havard, trong thời gian con học ở Mỹ thì Cốc Khai Lai liên tục chuyển số tài sản lớn ra nước ngoài.

Hơn 1 triệu lõa quan chờ thời bỏ trốn

Hiện tượng lõa quan đã có từ lâu, nhưng chỉ từ năm 2011, Trung Quốc mới bắt đầu giám sát việc các quan chức chuyển tài sản ra nước ngoài.

Viện trưởng Kiểm sát tối cao Tào Kiến Minh tuyên bố: năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã phối hợp, giúp đỡ Trung Quốc bắt được 1.631 lõa quan, thu hồi được hơn 7,8 tỷ tệ.

Ban Tổ chức Trung ương Đảng CSTQ cũng công bố báo cáo điều tra cho biết: mấy năm gần đây đã có thân nhân (vợ, chồng, con cái) tổng cộng 1 triệu 180 ngàn cán bộ đảng, chính quyền di dân ra nước ngoài và Hongkong, Ma cao, có nghĩa là có ngần ấy lõa quan sẵn sàng chạy trốn khi có thời cơ.

Hiệp hội kinh doanh nhà đất Mỹ cho biết, năm 2011, các khách hàng Trung Quốc đã chi tới 9 tỷ USD để mua nhà đất ở Mỹ và trở thành quốc gia đứng thứ hai về khách mua nhà đất ở Mỹ, chỉ sau mỗi Canada.

Người Trung Quốc mua đủ mọi thứ, từ các căn hộ chung cư cao cấp giá 1 triệu USD tới những căn hộ siêu sang giá 20 triệu USD.

Nhưng, người ta cho rằng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, trên thực tế, nhiều người Trung Quốc đã mua cả các khách sạn, siêu thị, cây xăng, nông trang.

Tổ chức phi chính phủ Global Financial Integrity của Mỹ cho biết, từ năm 2000- 2009, người Trung Quốc đã chuyển phi pháp ra nước ngoài số vốn lên tới 2.700 tỷ USD.

Các nguyên nhân được cho là căn nguyên dẫn đến hiện tượng này là: mâu thuẫn xã hội gay gắt, xung đột quan – dân, phân hóa giàu nghèo, sự cách biệt vùng miền, ô nhiễm môi trường và cao hơn cả là tâm lý lo sợ về việc xuất hiện động loạn xã hội.

Mỹ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng lõa quan và người giàu Trung Quốc chuyển tài sản ra nước ngoài. Vùng San Francisco, Los Angeles ở phía Tây đã trở thành địa điểm lý tưởng để họ cập bến.

Một số địa phương đã thực thi những biện pháp ngăn chặn các lõa quan. Thành phố Thâm Quyến từ tháng 11-2009 đã quy định các cán bộ có vợ (chồng), con định cư, đã nhập quốc tịch nước ngoài hoặc được cư trú vĩnh viễn ở nước ngoài đều không được giao giữ cấp trưởng các cơ quan chính, đảng hoặc là thành viên ban lãnh đạo các ngành quan trọng.

Tháng 1-2012, tỉnh Quảng Đông đã ban hành chính sách quy định: những quan chức có thân nhân (vợ, con) đang định cư ở nước ngoài không được đảm nhận các chức vụ cao cấp.

Thu Thủy
Theo China.com, Sina.com

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/581323/hang-van-quan-tham-tau-tan-tai-san-ra-nuoc-ngoai-tpp.html