Hàng Việt ở chợ nông thôn Bát Xát

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' dần đi vào cuộc sống của người dân huyện Bát Xát, trong đó chợ nông thôn là kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả, đặc biệt là những mặt hàng do người dân tự sản xuất.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Bát Xát, việc triển khai cuộc vận động đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trên địa bàn huyện đối với hàng Việt, họ ngày càng đánh giá cao và tiêu thụ nhiều hơn. Số lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường hằng năm tăng rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ trong nước đã chiếm hơn 90% tổng số hàng hóa bán ra thị trường và chiếm gần 70% tại các chợ, thị trường nông thôn.

Hàng hóa do người dân sản xuất bán tại chợ phiên Y Tý.

Dạo qua một số chợ nông thôn thuộc địa bàn huyện Bát Xát như Y Tý, Bản Xèo, Mường Hum, Trịnh Tường… có thể thấy, những mặt hàng được bày bán đều là những mặt hàng thiết yếu nhất, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân, như thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến; các loại rau, củ, quả; đồ gia dụng; quần áo, giày dép… Đa số mặt hàng được bày bán có xuất xứ trong nước, có tem, nhãn bằng tiếng Việt.

Chị Phạm Thị Thủy, tiểu thương tại chợ Mường Hum cho biết: Không chỉ gian hàng của tôi mà các sạp hàng khác tại chợ hiện có hơn 80% hàng hóa xuất xứ trong nước, chỉ có một số sản phẩm bánh, kẹo, bia là được nhập từ Trung Quốc nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này ngày càng giảm.

Còn anh Trần Văn Nghiêm, tiểu thương tại chợ Y Tý cho rằng, các mặt hàng có nguồn gốc trong nước ngày càng được người dân ưa chuộng, các mặt hàng có nguồn gốc không rõ ràng ít được lựa chọn. Tuy nhiên, do điều kiện vùng cao còn nhiều khó khăn, người dân vẫn ham giá rẻ nên nhãn mác, chất lượng hàng hóa vẫn chưa được chú trọng.

Các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Bát Xát không chỉ giúp đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt, mà còn là kênh tiêu thụ các mặt hàng do chính người dân sản xuất. Chợ phiên Y Tý (xã Y Tý) họp thứ Bảy hằng tuần, không chỉ là nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu mà còn là nơi người dân các xã Dền Sáng, Y Tý, Ngải Thầu, A Lù… tiêu thụ các sản phẩm tự sản xuất như nông sản, nông cụ, sản phẩm thủ công…

Anh Ly Suy Giờ, người chuyên đan các sản phẩm truyền thống cho biết: Nhờ có chợ phiên mà các sản phẩm đan ra có thể bán được cho người dân trong vùng và khách du lịch. Trung bình mỗi phiên chợ, tôi bán được khoảng 15 - 20 sản phẩm, thu về khoảng 2 triệu đồng.

Không chỉ chợ Y Tý, mà ở các chợ khác trên địa bàn huyện Bát Xát như chợ Bản Xèo, Mường Hum, Trịnh Tường… cũng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm do người dân sản xuất.

Được biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người dân ưa chuộng dùng hàng Việt trên địa bàn huyện Bát Xát đã tăng mạnh: Từ 35% (năm 2009) lên 97% (năm 2019). Huyện đã xây dựng 18 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ; hỗ trợ 30 dự án với tổng kinh phí hơn 2.263 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện 1.233 vụ, xử lý 447 vụ, giá trị xử lý hàng hóa vi phạm và xử lý hành chính hơn 2,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục lồng ghép quy hoạch và xây dựng hệ thống chợ với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng hóa do người dân trên địa bàn sản xuất.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/hang-viet-o-cho-nong-thon-bat-xat-z3n20190805160007444.htm