Hàng Việt từng bước chinh phục, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Trong đó, nhiều sản phẩm đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Nhiều tín hiệu vui

Phát biểu tại Gala Tổng kết Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018", ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, chương trình đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra và bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu kết nối, tạo ra một sự liên kết hữu cơ, bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm phát triển sản phẩm hàng hóa Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam.

Đồng thời, chương trình đã góp phần hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng, hạ tầng, giải pháp công nghệ…phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.

“Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Cũng theo thống kê từ Bộ Công Thương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 9 và hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.

Cụ thể, như ở TP.HCM, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia hưởng ứng tốt chương trình hành động của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tỷ lệ hàng Việt phân phối từ 65% - 95%. Còn các doanh nghiệp lớn như Co.opmart, Satra, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối của mình tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90% - 95% trên các quầy kệ.

Mặt khác, kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm tới cuộc vận động; 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng sản phẩm nội. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Bên cạnh đó, khát vọng kinh doanh lập nghiệp cùng sự bền bỉ đầu tư và liên tục nhiều năm qua đã thúc đẩy xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động nhằm triển khai Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho mọi sự kết nối và chia sẻ giữa mọi loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt Nam, ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Những khó khăn, thách thức cần vượt qua

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối hàng Việt Nam đến nay còn đối mặt với những khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, sản xuất thủ công.

Đồng thời, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh, thành cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của địa phương. Trong đó, tăng cường hợp tác giữa các Sở Công Thương, chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.

Đồng quan điểm, bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có giải pháp nhằm nhân rộng chuỗi liên kết giữa nông dân, thương lái với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản đối với những mặt hàng đặc thù của địa phương.

Riêng việc liên kết vùng hỗ trợ tiêu thụ đặc sản địa phương tại thị trường trong nước, đại diện các sở ngành nhấn mạnh, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành các thương hiệu bán lẻ mạnh.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt” đồng thời hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hang-viet-tung-buoc-chinh-phuc-tro-thanh-niem-tu-hao-cua-nguoi-viet-nam-d150095.html