Hành động cao cả hiến tạng của bé Hải An lan tỏa nhanh ra cộng đồng

Hành động cao cả của bé Hải An hơn 7 tuổi trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) hiến tạng sau khi qua đời ngày 22/2/2018 đã lan tỏa nhanh ra cộng đồng.

Câu chuyện của bé Hải An đã làm lay động trái tim của nhiều người.

Câu chuyện xúc động của bé Hải An đã làm lay động trái tim của hàng vạn người, nhưng một phần rất lớn của kết quả này là nhờ mẹ Hải An, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, một cán bộ trẻ của ngành y tế. Chị đã chia sẻ cảm xúc của mình về câu chuyện vì mong muốn có thêm nhiều người sẵn sàng hiến ghép mô tạng cứu người.

Thông tin từ Trung tâm điều phối và hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết, sau câu chuyện của bé Hải An, đã có rất nhiều người đến Trung tâm đăng ký hiến mô tạng. Số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục hiến mô tạng cũng tăng gấp nhiều lần so với bình thường.

Đã có hơn 650 người đến đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời, kể từ khi bé Hải An tặng giác mạc sau khi qua đời. Đây cũng là một kỷ lục về số người đăng ký trong thời gian khoảng 10 ngày tại Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia trong 5 năm qua tính từ khi Trung tâm này chính thức đi vào hoạt động như một đơn vị độc lập của Bộ Y tế. Mỗi tấm lòng cho đi, một cuộc đời ở lại cho những người đang mong chờ nối lại sự sống nhờ sự hiến mô tạng của những người khác.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư và là người thực hiện một trong hai ca ghép giác mạc từ giác mạc hiến tặng của bé Hải An , đến ngày 27-2, một ngày sau ca ghép cả hai người bệnh được nhận giác mạc của Hải An đều có tiến triển tốt về khả năng nhìn. Trong đó, bệnh nhân nam 42 tuổi thị lực sau ghép đã đạt 1/10 (trước ghép chỉ đếm được ngón tay ở khoảng cách 2m). Cụ bà 73 tuổi gần như mù hẳn, không đi lại được trước ghép do chứng sẹo giác mạc nay đã đếm được ngón tay ở khoảng cách 2m, đã đếm được số người trong phòng và tự đi lại được. "Kết quả ghép như vậy là rất khả quan"- bác sĩ Đông nhận xét.

Vị đại diện này cũng cho biết khi tiếp xúc với các gia đình hiến tặng mô tạng thì bên cạnh ý nghĩa cứu người, các gia đình hiến tặng còn có mong mỏi người thân của họ vẫn được hiện diện trên đời bằng máu thịt, để họ được tiếp tục sống. Đó là tình yêu của người ở lại với người ra đi, như tình yêu mà mẹ Hải An dành cho em.

Mẹ bé Hải An đã được "gặp" lại con trong cuộc gặp gỡ xúc động chiều 5/3/2018, khi hai người được nhận giác mạc của bé hiến tặng đến thắp hương, "chào" vị ân nhân nhỏ tuổi. Hai người được nhận giác mạc của bé đã ra viện sau ca ghép và đã đến gia đình bé thắp hương, tri ân người anh hùng nhỏ tuổi đã tặng họ món quà sự sống.

"Mẹ sắp được gặp lại con qua đôi mắt của con còn để lại" - chị Nguyễn Trần Thùy Dương, mẹ bé An, chia sẻ khi cuộc gặp gỡ xúc động sắp diễn ra.

Và khi hai người được nhận giác mạc xuất hiện, thật khó nói được cảm xúc của chị: 12 ngày sau khi bé An qua đời, chị Dương được "gặp" lại con. Những ngày qua, với chị là những ngày dài đau khổ sau khi con gái qua đời.

Trong những đồ đạc con hay dùng khi còn sống và cả khi đang vật lộn với bệnh tật, chị đã tìm được những dòng con nhắn nhủ về căn bệnh u não, con nhắn mong mẹ vui, mong mẹ đừng quên con... Những lời nhắn nhủ mà chính chị cũng khó tưởng tượng của cô con gái mới hơn 7 tuổi đầu của mình.

Câu chuyện của bé Hải An chính là hình ảnh đẹp giữa đời thường, đã tác động, lan tỏa vào trái tim của mọi người. Đây là việc làm cần được nhân rộng.

Hiện cả nước có hàng chục nghìn người suy mô, tạng mãn cần được ghép tạng như thận, gan, tim và hơn 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc cần được ghép. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có gần 3.000 người được cứu sống nhờ ghép mô, tạng. Số người được ghép tạng từ nguồn cho chết não thì còn rất hạn chế.

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, từ 18 tuổi trở lên, bất cứ ai có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).

Bất kỳ người dân nào khi muốn đăng ký hiến tạng đều có thể đến các cơ sở y tế, Trung tâm để đăng ký. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng biết được điều đó. Chúng ta nên mở rộng hình thức đăng ký hiến tạng. Bên cạnh đó, cần có chế độ, quyền lợi cho những người đăng ký hiến tạng và gia đình họ một cách tương xứng để tôn vinh, tri ân hành động, nghĩa cử cao đẹp ấy của họ.

Vũ Xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hanh-dong-cao-ca-hien-tang-cua-be-hai-an-lan-toa-nhanh-ra-cong-dong-60307