HÀNH ĐỘNG ĐỂ TẠO CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC

Sáng 23-10, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và quản lý đất nước trên các lĩnh vực.

Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2017 và kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; cho ý kiến, thông qua một số đạo luật, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); công tác giám sát của Quốc hội trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như các ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp trước.

Ảnh minh họa.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn; xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo nền tảng pháp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế trong những kỳ họp gần đây được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được thì “hiệu ứng” lan tỏa sau mỗi kỳ họp của Quốc hội trong đời sống xã hội vẫn chưa được như mong muốn. Bởi thực tế, những tồn tại, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản trị kinh tế quốc gia, của cả hệ thống chính trị và của các cơ quan hành chính Nhà nước dẫu được đề cập trong nhiều kỳ họp trước, hay tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn chưa được giải quyết triệt để, đang làm chậm bước tiến của xã hội. Vì thế, trong kỳ họp lần này, cử tri và nhân dân mong muốn những tồn tại, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế sẽ sớm được tháo gỡ.

Để biến quyết tâm trong nghị trường thành hiện thực cuộc sống, tạo được những chuyển động trong xã hội, góp phần giải quyết hiệu quả những tồn tại, vướng mắc lâu nay thì từng đại biểu Quốc hội phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trước nhân dân, nhất là trách nhiệm thực thi và giám sát. Trước hết, từng đại biểu phải thực hiện đầy đủ chương trình hành động và lời hứa của mình tại các hội nghị tiếp xúc cử tri; phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết để giải quyết hiệu quả các vấn đề nóng mà cuộc sống đang đặt ra. Đôn đốc các cơ quan, ban, ngành giải quyết hiệu quả các kiến nghị, thắc mắc của nhân dân một cách đầy đủ và đồng bộ.

Các cơ quan của Quốc hội cũng cần đổi mới hoạt động; bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo Hiến pháp, pháp luật để thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình trong công tác tham mưu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hóa hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng. Từ đó giúp cho hoạt động của Quốc hội, công tác quản lý của Nhà nước ngày một nâng cao, bảo đảm hoạt động của bộ máy hành chính và công tác triển khai, thi hành pháp luật trong đời sống xã hội ngày càng đạt hiệu quả.

HOÀNG GIA MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hanh-dong-de-tao-chuyen-dong-tich-cuc-521432