Hành động ngang ngược mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

Trung Quốc lại ngang nhiên mở thêm các trạm khí tượng trên 3 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các trạm khí tượng được Trung Quốc mở trái phép trên các đảo nhân tạo ở bãi Chữ Thập, bãi Subi và bãi Vành Khăn vào ngày 31/10. Trước đó, cũng tại 3 khu vực này, Trung Quốc đã cho lắp đặt hàng loạt cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trái phép.

Nhiều công trình được Trung Quốc lắp đặt trái phép trên đảo nhân tạo ở bãi Subi tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Nhiều công trình được Trung Quốc lắp đặt trái phép trên đảo nhân tạo ở bãi Subi tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trong tuyên bố hôm 1/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, các trạm khí tượng chủ yếu được sử dụng để đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông. Song theo các chuyên gia, các trạm khí tượng mới có thể được dùng cho mục đích quân sự của Trung Quốc.

“Các cơ sở này sẽ cho phép Trung Quốc cung cấp dịch vụ công cộng cho tất cả các quốc gia nằm dọc Biển Đông”, ông Lục chia sẻ.

Theo CCTV, các trạm khí tượng bao gồm thiết bị mặt đất cơ bản, thiết bị quan sát khí quyển và radar thời tiết theo dõi các chỉ số liên quan tới khí tượng. Cũng theo CCTV, các dữ liệu thu được sẽ giúp đưa ra thông tin dự báo thời tiết chính xác hơn để cung cấp cho các tàu đánh cá và tàu hàng di chuyển qua khu vực.

Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp trên 7 rạn san hô. Trong đó, các đảo nhân tạo ở bãi Vành Khăn, bãi Subi và bãi Chữ Thập có quy mô lớn nhất.

Bắc Kinh còn cho xây dựng trái phép nhiều công trình như sân bay với khả năng phục vụ cả các máy bay thương mại lớn như Boeing 737 hay Airbus A310, cùng các bến tàu, hải đăng, trạm viễn thông, trạm năng lượng mặt trời, nhà máy xử lý nước biển mặn, bệnh viện, cơ sở nông nghiệp và thể thao.

Thậm chí, Trung Quốc cho triển khai lực lượng quân đội đồn trú trên những khu vực bồi đắp trái phép. Lực lượng quân sự của Trung Quốc được trang bị các hệ thống radar quân sự, nhà chứa máy bay, tiêm kích, oanh tạc cơ, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm.

Ngoài các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, phía Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng thường xuyên điều động tàu thuyền làm nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã rất nhiều lần khẳng định "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không đồng thời gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hanh-dong-ngang-nguoc-moi-nhat-cua-trung-quoc-o-bien-dong-la-gi-post280609.info