Hành động ngay để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Có 2 nhóm mục tiêu nhằm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

Những năm gần đây, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành. Bởi lẽ, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2014, tổng chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm thuế, phí và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 40,8% lợi nhuận, mức này cao hơn rất nhiều so với Singapore (18,4%), Thái Lan (26,9%)… Năm 2016, cũng với khảo sát tương tự, tỷ lệ này đã giảm, nhưng không đáng kể, vẫn còn tới 39,6%.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, năm 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế, trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Hơn thế nữa, lãnh đạo của khoảng 30% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% doanh nghiệp cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao.

Ngay cả với những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên thực tế, trong rất nhiều khảo sát của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, số doanh nghiệp phàn nàn về chi phí thủ tục để nhận được các chính sách hỗ trợ thường khá cao. Thông tin mới nhất của VCCI tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính ngày 6/4/2018 là chỉ có 28% DN cảm thấy các thủ tục miễn, giảm thuế là dễ dàng.

Cho đến nay, nhiều Nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các Nghị quyết này đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Để góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, ngày 9/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP.

Nghị quyết đưa ra 2 nhóm mục tiêu, bao gồm Mục tiêu tổng quát: Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh. Và Mục tiêu cụ thể, gồm 5 chỉ số:

Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết;
Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới;
Đến năm 2020, giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020;
Đến năm 2020, công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang mạng internet của cơ quan có thẩm quyền;
Đến năm 2020, chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Trong đó, vấn đề đặt lên hàng đầu là cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Cuối cùng, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các chế độ báo cáo theo yêu cầu tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nha Trần

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hanh-dong-ngay-de-cat-giam-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-57912.htm