Hành động nguy hiểm

Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn bất ngờ quyết định tiến hành không kích ở Xy-ri, với lý do đáp trả các 'hành động khiêu khích' của I-ran ở I-rắc, có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột mới. Dư luận lo ngại, sử dụng vũ lực là biện pháp răn đe nguy hiểm, chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Xy-ri và đẩy quan hệ Mỹ - I-ran vào thế đối đầu nguy hiểm.

Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn bất ngờ quyết định tiến hành không kích ở Xy-ri, với lý do đáp trả các “hành động khiêu khích” của I-ran ở I-rắc, có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột mới. Dư luận lo ngại, sử dụng vũ lực là biện pháp răn đe nguy hiểm, chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Xy-ri và đẩy quan hệ Mỹ - I-ran vào thế đối đầu nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã chỉ thị cho quân đội tiến hành cuộc không kích nhằm vào các cơ sở mà Lầu năm góc cho là do I-ran hậu thuẫn ở miền đông Xy-ri. Người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố, I-ran cần phải bị trừng phạt, bởi đã hậu thuẫn các vụ tiến công gần đây chống quân nhân Mỹ và liên quân tại I-rắc. Hành động quân sự của Mỹ ở Xy-ri nhằm răn đe I-ran, sau khi Lầu năm góc cáo buộc Tê-hê-ran “đạo diễn” các vụ phóng tên lửa vào Vùng Xanh ở thủ đô Bát-đa của I-rắc, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ và các phái bộ ngoại giao nước ngoài. Nhà trắng cũng muốn gửi đi thông điệp sẵn sàng dùng mọi cách để bảo vệ người dân, quân nhân Mỹ và liên quân trước các mối đe dọa.

Tuy nhiên, quyết định tiến công vào Xy-ri của chính quyền mới ở Mỹ được đưa ra khá bất ngờ, trong bối cảnh Oa-sinh-tơn đang có những bước đi nhằm thúc đẩy đối thoại với I-ran trong vấn đề hạt nhân. Và, cuộc tiến công gây lo ngại ảnh hưởng tới bầu không khí xây dựng vừa nhen nhóm trong nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân I-ran.

Bộ Ngoại giao Xy-ri đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), đề nghị cơ quan này có biện pháp ngay lập tức nhằm ngăn chặn các vụ tiến công của Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông. Đa-mát khẳng định, đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, là “tín hiệu xấu” từ chính quyền mới của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn. Các nước I-ran, Nga, Trung Quốc đều lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri, tránh làm phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Trung Đông này. Các nước cho rằng, “hành động gây hấn của Mỹ” có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, thậm chí “cổ xúy” khủng bố.

Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao I-ran và người đồng cấp I-rắc mới đây, I-ran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc Tê-hê-ran hậu thuẫn các nhóm dân quân ở I-rắc. Cả hai người đứng đầu ngành ngoại giao I-ran và I-rắc đều khẳng định, các vụ tiến công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở I-rắc nhằm gieo rắc hoài nghi, chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa I-rắc và I-ran. Bộ Quốc phòng I-rắc cũng phủ nhận cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ trước khi Oa-sinh-tơn tiến hành không kích vào Xy-ri, như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Trong bối cảnh Nga đang cùng I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xy-ri thông qua cơ chế đối thoại A-xta-na, Mát-xcơ-va bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ ở Xy-ri sẽ làm đổ vỡ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột và thiết lập lại hòa bình ở quốc gia Trung Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng, việc Mỹ báo trước cho Nga chỉ vài phút trước cuộc không kích là không đầy đủ và Oa-sinh-tơn cần làm rõ quan điểm đối với Xy-ri. Nga nhấn mạnh, các nhóm được I-ran ủng hộ đã hỗ trợ quân đội Xy-ri trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi đó, Tê-hê-ran chỉ trích rằng, cuộc không kích mà Lầu năm góc tiến hành nhằm vào lực lượng này ở Xy-ri chính là “tiếp tay” cho khủng bố.

Điều đáng nói là các hành động quân sự ở Xy-ri gây lo ngại cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này thêm trầm trọng. Nội chiến kéo dài đã khiến 12,4 triệu người, tương đương 60% dân số Xy-ri, rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, bị nạn đói đe dọa. Và chỉ hơn một năm vừa qua, đã có thêm 4,5 triệu người rơi vào tình cảnh này.

Trước những diễn biến nóng hiện nay, cộng đồng quốc tế kêu gọi chấm dứt các hành động quân sự, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri. Bất đồng và mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần được giải quyết thông qua đối thoại, tránh làm gia tăng đối đầu, một trong những yếu tố dễ kích hoạt “thùng thuốc súng” vốn chực chờ phát nổ ở Trung Đông.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/hanh-dong-nguy-hiem-636905/