HÀNH ĐỘNG NHỎ Ý NGHĨA LỚN

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Cùng với vận động người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tự giác phân loại chất thải rắn tại nguồn, thành phố còn triển khai mạnh mẽ cuộc vận động, chủ đề “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Cao điểm của cuộc vận động bắt đầu từ quý II-2019, kéo dài trong hai năm 2019-2020, sau đó đi vào nền nếp thường xuyên. Hưởng ứng cuộc vận động theo tinh thần Chỉ thị số 19, nhiều quận, huyện, ban, ngành… đã phối hợp triển khai các mô hình điểm, lấy kết quả, bài học kinh nghiệm để nhân rộng. Những mô hình như: Tuyến đường, dòng kênh, hẻm phố… văn minh, không rác thải được triển khai rộng rãi. Những câu slogan như “Văn minh khi bỏ rác đúng chỗ, xấu hổ khi xả rác ra đường”, “Mỗi người chung tay, sạch ngay hẻm phố”… được người dân sử dụng để nhắc nhở nhau thực hiện nếp sống văn minh ngay từ mỗi cộng đồng dân cư…

Thu gom rác phân loại tại nguồn ở hẻm 25, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: sggp.org.vn.

Thu gom rác phân loại tại nguồn ở hẻm 25, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: sggp.org.vn.

Phân loại rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc, là việc làm tự giác ở các đô thị hiện đại trên thế giới. Ở ta, vấn đề này đã được triển khai từ nhiều năm nay tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, do thói quen của người dân và các giải pháp của chính quyền, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt nên hiệu quả đạt được không cao. Trong từng hộ gia đình, doanh nghiệp, chủ nguồn thải… tình trạng tuồn mọi thứ rác thải sinh hoạt vào chung một chỗ vẫn phổ biến, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thu gom, xử lý rác thải.

Tình trạng các bãi rác quá tải, thiếu nhà máy xử lý, ô nhiễm môi trường từ rác thải… đã và đang trở thành mối lo ngại của cả nước. Tại các diễn đàn, hội thảo khoa học về xử lý rác thải, giới chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, muốn quản lý, xử lý tốt rác thải hiện nay, chúng ta phải hiện đại hóa công nghệ, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải đạt chuẩn quốc tế. Một trong những yêu cầu bắt buộc để thực hiện xử lý rác thải hiệu quả bằng công nghệ hiện đại là phải thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn. Các loại rác thải khi được thu gom, xử lý sẽ được tái chế hoặc làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp đã và đang tạo áp lực khủng khiếp về rác thải, nhất là tại các thành phố lớn. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có đến hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý. Nếu không kịp thời triển khai các giải pháp đồng bộ, vấn nạn rác thải sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống và trật tự văn minh đô thị.

Phân loại rác tại nguồn là cuộc vận động lớn, hoàn toàn thực hiện được khi mỗi người dân, mỗi gia đình, chủ nguồn thải nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ từ ý thức bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, phát hiện, lên án kịp thời những hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động lớn. Cùng với chiến dịch truyền thông sâu rộng, việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng camera an ninh trên các tuyến đường, hẻm phố, dòng kênh… và ban hành, thực hiện các chế tài xử lý người vi phạm sẽ có tác dụng cộng hưởng, xây dựng ý thức, thói quen văn minh cho người dân đô thị. Gia đình và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… phải phát huy trách nhiệm nêu gương thực hiện nếp sống văn minh từ công sở đến gia đình và cộng đồng dân cư. Hành động nhỏ ý nghĩa lớn, lan truyền ý thức văn minh từ mỗi người đến mọi người vì môi trường sống trong sạch, không rác thải bừa bãi…

THANH KIM TÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/hanh-dong-nho-y-nghia-lon-575032