Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 13-5-2024 về việc tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai (từ ngày 15 đến 22-5) năm 2024 trên địa bàn tỉnh với chủ đề 'Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai'. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo phòng, chống và ứng phó với thiên tai. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân địa phương.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay, việc triển khai kế hoạch trong thời điểm này là rất cần thiết, vừa tạo sự chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai, vừa bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm…

Tại Bình Phước, năm 2023, các loại hình thiên tai như lốc xoáy, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất… đã gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi và các tài sản khác của người dân. Thiên tai làm 328 căn nhà bị hư hỏng; trên 331 ha cây trồng bị ngã, đổ; gần 6.500 con gia cầm, 100 con gia súc bị chết trôi. Thiên tai còn khiến 4 người bị lũ cuốn trôi cùng gần 1.000km đường giao thông và nhiều công trình dân sinh, công cộng khác bị hư hỏng. Thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 44 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2022. Trong những tháng đầu năm 2024, nắng nóng kéo dài làm mực nước ở các ao, hồ, sông, suối xuống thấp, thậm chí cạn kiệt, dẫn đến hàng chục ngàn hécta cây trồng bị ảnh hưởng do không có nước tưới. Đã có không ít gia đình rơi vào cảnh khốn khó khi vườn cây là nguồn thu chính của gia đình bao năm qua chết dần, chết mòn vì thiếu nước.

Nhằm kịp thời ứng phó, thời gian qua, UBND tỉnh, ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các phương án phòng, chống hạn và phòng, chống cháy rừng, trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiết kiệm nước, tích trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, như huy động các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang hỗ trợ xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư bị thiếu nước; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân có diện tích cây trồng thiếu nước; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách và huy động tối đa nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ và bài bản.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, kết thúc đợt nắng nóng kéo dài, Bình Phước sẽ xuất hiện lốc xoáy, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở tại các địa phương trong tỉnh. Cho thấy, nếu dự báo tình hình không tốt và không có phương án ứng phó cụ thể thì nguy cơ gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi và tài sản khác của người dân là khó tránh khỏi. Do đó, cùng với việc tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống thiên tai, thì việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo phòng, chống cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay ứng phó với thiên tai là việc làm vô cùng cấp thiết.

Thực tiễn cũng chứng minh, đã có nhiều đơn vị, địa phương bị thiệt hại nặng nề do lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo; điều chỉnh kịp thời những cơ chế, chính sách còn chồng chéo, chưa phù hợp; quan tâm đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai… Nhất là phải nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Ưu tiên phân quyền theo hướng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bởi đây là lực lượng chỉ huy trực tiếp tại chỗ, có thể ra quyết định sáng suốt nhất và hợp lý nhất khi xảy ra sự cố, thiên tai.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157650/hanh-dong-som-chu-dong-truoc-thien-tai