Hành lang đường sắt bị uy hiếp, cơ quan chức năng bất lực?

Trả lời phóng viên về tình trạng hành lang an toàn đường sắt tại cầu Thăng Long đang bị đe dọa nghiêm trọng, lãnh đạo Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái, đơn vị quản lý đoạn đường trên thở dài nói: 'Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản xử lý, nhưng vẫn như đá ném ao bèo'

Thời gian qua, tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra đã gây nhiều cái chết thương tâm. Trong đó, một phần nguyên nhân là do hành lang an toàn đường sắt ở nhiều nơi đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Tại cầu đường sắt Thăng Long, dù báo chí đã tốn không ít giấy mực phản ánh nhưng đến nay tình trạng mất an toàn vẫn diễn ra một cách công nhiên, đe dọa trực tiếp hàng chục tuyến tàu chạy qua khu vực này mỗi ngày.

Tháng 11/2017, báo Tiền Phong đăng tải loạt bài phản ánh về việc các chủ cơ sở kinh doanh chiếm dụng hàng nghìn m2 dưới gầm cầu Thăng Long làm nơi buôn bán, trong đó có hàng chục tấn đồ cơ khí, máy móc của “đại siêu thị” đồ cũ Nhật ngang nhiên “chui” dưới gầm cầu. Sau khi nghe báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vội vã vào cuộc lập biên bản xử lý.

Hàng chục tấn đồ cơ khí, máy móc cũ của "đại siêu thị" đồ cũ Nhật tồn tại suốt nhiều năm qua nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa giải tỏa được

Ông Tô Quang Thiện – Phó trưởng phòng quản lý Đô thị huyện Đông Anh cho biết, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn cầu đường sắt Thăng Long đã diễn ra nhiều năm qua. Chính quyền nhiều lần vào cuộc tiến hành giải tỏa nhưng do phía Công ty Hà Thái đã ký 4 “hợp đồng đen” cho phép một số công ty trên địa bàn khai thác làm nơi kinh doanh dẫn đến việc giải tỏa và cưỡng chế các hộ vi phạm đến nay rất khó thực hiện.

Trong khi đó, ông Lê Minh Khai – PGĐ Công ty Hà Thái (Đơn vị quản lý trực tiếp cầu đường sắt Thăng Long) lại cho rằng, các hợp đồng mà UBND huyện Đông Anh đề cập chưa có hiệu lực nên các đơn vị ký kết chưa có bất cứ hoạt động nào tại khu vực này. "Trách nhiệm chính vẫn do chính quyền địa phương. Chính quyền phải đứng ra tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, và làm quyết liệt hơn nữa thì mới dứt điểm được. Chúng tôi chỉ có chức năng quản lý, không có chức năng hành chính nên rất khó xử lý”, ông Khai khẳng định.

Trong khi các cơ quan chức năng đang đá quả bóng trách nhiệm và tỏ ra bất lực thì tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tại đây diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Cuối năm 2017, sau khi bị lập biên bản, chủ “đại siêu thị” đồ cũ là ông Nguyễn Doãn Đoàn hứa đầu năm 2018, sẽ tiến hành chuyển hết số đồ cũ Nhật ra khỏi khu vực gầm cầu, trả lại mặt bằng cho công ty Hà Thái.

Tuy nhiên, đã hơn 8 tháng, theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở đồ cũ Nhật trên vẫn chưa có dấu hiệu chuyển đi, ngược lại còn buôn bán tấp nập hơn trước. Hàng chục tấn đồ cũ như điều hòa, máy móc, đồ cơ khí, vật liệu xây dựng…. vẫn được ông Đoàn bày bán một cách ngang nhiên. Thậm chí, chủ cửa hàng còn bất chấp dựng nhà tôn để sinh hoạt và mắc hệ thống điện chằng chịt để sửa chữa, hàn xì dưới gầm cầu làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Sau đợt World Cup vừa qua, tại khu vực này còn mọc lên một số nhà hàng, quán bia ngay bên dưới tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên tuyến cầu đường sắt Thăng Long.

Lập biên bản, xử lý thường xuyên nhưng các nhà hàng, điểm kinh doanh buôn bán vẫn đua nhau mọc ra

Ngày 7/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Minh Khai – PGĐ Công ty Hà Thái tiếp tục thở dài nói "Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản xử lý, nhưng vẫn như đá ném ao bèo. Tình trạng lấn chiếm dưới gầm cầu Thăng Long rất khó xử lý".

Phản ánh vấn đề trên đến Tổng Cty đường sắt Việt Nam (đơn vị chủ quản của Công ty đường sắt Hà Thái) - VNR, lãnh đạo đơn vị này cho biết, vẫn đang đôn đốc công ty Hà Thái tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đề cập đến "hợp đồng đen" mà công ty Hà Thái kí kết với một số đơn vị trên địa bàn huyện Đông Anh, lãnh đạo VRN cho biết vào tháng 5/2018, công ty đã yêu cầu đơn vị Hà Thái giải trình về “hợp đồng đen” và tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt dưới gầm cầu Thăng Long. Tuy nhiên văn bản giải trình của công ty Hà Thái không được VNR chấp nhận.

Đến tháng 6/2018, VRN thành lập đoàn kiểm tra vấn đề cho thuê đất kinh doanh dưới gầm cầu của Công ty Hà Thái. Lãnh đạo VRN cho biết, đến nay đã có kết quả kiểm tra nhưng vẫn chưa thể cung cấp cho phóng viên.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn luôn khẳng định đang tiến hành lập biên bản xử lý các đơn vị vi phạm thì “đại siêu thị” đồ cũ Nhật và các hộ kinh doanh trái phép dưới gầm cầu Thăng Long vẫn thản nhiên buôn bán như chưa có chuyện gì xảy ra. Có lẽ, chờ khi có tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng mới thực sự hành động?

Vũ Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/hanh-lang-duong-sat-bi-uy-hiep-co-quan-chuc-nang-bat-luc-1310847.tpo