Hành lang kết nối, phát triển - Bài 1: Lợi thế nổi trội

Các tỉnh, thành Trung Trung Bộ với lợi thế nổi trội từ Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) giữ vai trò rất quan trọng trong vận tải, giao thương, logistics và kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.

Cảng Chân Mây. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Cảng Chân Mây. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Một trong những chủ trương lớn của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang Kinh tế Đông – Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây” (EWEC).

EWEC là lợi thế nổi trội của các tỉnh, thành Trung Trung Bộ gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam do có vai trò rất quan trọng kết nối vùng, liên vùng và các nước trong khu vực. Từ chủ trương của Nghị quyết 26-NQ/TW, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề: “Hành lang kết nối và phát triển”.

Bài 1 - Lợi thế nổi trội

Ngoài có lợi thế về kinh tế biển, các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam còn có lợi thế nổi trội từ Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), do có vai trò rất quan trọng trong vận tải, giao thương, logistics và kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.

Từ hành lang đầu tiên…

Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một dự án lớn dài 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar được Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8, thông qua tháng 10/1998. EWEC về phía Việt Nam đi qua ba tỉnh, thành gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Các địa phương này có vị trí rất quan trọng trên EWEC, do là đầu mối thông thương ra biển Đông không chỉ của EWEC mà của cả Tiểu vùng Mê Kông; đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư thương mại, giao lưu của người dân và hàng hóa qua lại.

Ngoài ra, với sự phát triển của hạ tầng giao thông, liên kết du lịch giữa các nước trên tuyến EWEC ngày càng chặt chẽ. Do đó đã hiện thực hóa được các sáng kiến về liên kết du lịch như “ba nước một điểm đến” hay “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam”.

Tỉnh Quảng Trị ở điểm đầu của EWEC tức Quốc lộ 9 về phía Việt Nam. Quốc lộ 9 dài trên 90km từ cảng biển Cửa Việt đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nên có vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác kinh tế vùng và các nước trong khu vực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, EWEC là lợi thế nổi trội để các tỉnh, thành trên tuyến hành lang này mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và nhiều nước trong khu vực.

Tại Quảng Trị, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, các khu dịch vụ du lịch biển tạo nên chuỗi đô thị dọc EWEC, vùng phụ cận cũng được đầu tư xây dựng hạ tầng. Trên EWEC tỉnh còn có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay. Ngoài ra, EWEC cũng kết nối với cảng biển Chân Mây (Thừa Thiên – Huế).

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây Lê Chí Phai cho biết, trên tuyến EWEC cảng Chân Mây có vị trí quan trọng, bởi là cảng biển gần nhất để hỗ trợ cho nước bạn Lào trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Các mặt hàng xuất khẩu từ phía Lào qua cảng Chân Mây chủ yếu là khoáng sản như than, quặng. Phía công ty đang xúc tiến, hợp tác với các nhà máy sản xuất giấy từ nước bạn Lào, để mở các tuyến dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container qua cảng trong thời gian tới.

Đà Nẵng ở vị trí “cửa ngõ” trên EWEC thành lập năm 1998. Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng có cảng container quốc tế, sân bay quốc tế và nằm ở “cửa ngõ” của EWEC. Do đó địa phương này có nhiều cơ hội để thu hút lượng hàng qua EWEC, đặc biệt khi hạ tầng logistics đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp bao gồm hệ thống đường bộ, các trung tâm logistics và Dự án cảng biển Liên Chiểu.

…đến các hành lang mới

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung đầu tư hoàn thành hai tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây khác song song với Quốc lộ 9. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Trong 25 năm qua, sự phát triển nhanh chóng về vận tải, giao thương, logistics, nhu cầu giao lưu và liên kết du lịch đã khiến EWEC ra đời năm 1998 trở nên quá tải. Do đó các tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây mới tiếp tục được mở ra ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam để tăng kết nối vùng, liên vùng và các nước trong khu vực.

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung đầu tư hoàn thành hai tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây khác song song với Quốc lộ 9 tức EWEC ra đời năm 1998. Đó là tuyến hành lang kết nối Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, tuyến giao thông mới này rất thuận lợi kết nối từ cực Nam của nước bạn Lào với biển Đông của Việt Nam có chiều dài hơn 420km. Đây cũng là hành lang kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các nước: Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị). Quảng Trị cũng ở điểm đầu về phía Việt Nam trên hành lang này, bắt đầu từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy (đang xây dựng) dài 92km.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Quảng Trị xác định, phát huy ưu thế điểm đầu qua Việt Nam trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây để xây dựng Quảng Trị thành trung tâm logistics của vùng, kết nối giao thương hàng hóa toàn vùng ra khu vực, thế giới và ngược lại thông qua Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Mở rộng hợp tác kinh tế, kinh tế đối ngoại tạo mối liên kết phát triển với khu vực miền Trung và các nước trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam giai đoạn từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Tháng 4/2022, Chính phủ đồng ý đầu tư dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao cho UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền triển khai.

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho biết, việc đầu tư xây dựng cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo là rất cấp thiết để giảm tải cho Quốc lộ 9.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế ngoài kết nối với EWEC ra đời năm 1998, còn có tuyến EWEC mới kết nối với vùng Trung Lào. Đó là Quốc lộ 49 chạy theo trục Đông – Tây kết nối từ cặp cửa khẩu chính Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế) – Cô Tài (Salavan – Lào) đến các cảng biển.

Tại tỉnh Quảng Nam, tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây mới hình thành từ kết nối vùng Nam Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào và miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Cửa khẩu quốc tế này kết nối các cảng biển: Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi) thông qua Quốc lộ 14D và 14E.

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết: Doanh nghiệp Thái Lan mong muốn hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, kết nối giao thương hàng hóa từ Quảng Nam sang thị trường nước này. Doanh nghiệp ở Quảng Nam và hai nước Lào, Thái Lan sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác khi tuyến EWEC mới tiếp tục được hoàn thiện, trước hết là hợp tác ở lĩnh vực du lịch, thương mại, thu hút đầu tư.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067km, đến nay đã hình thành 8 cửa khẩu quốc tế đường bộ; trong đó, riêng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam đã có 3 cửa khẩu quốc tế gồm: Lao Bảo, La Lay và Nam Giang. Ngoài ra còn có các cửa khẩu chính như A Đớt, Hồng Vân (Thừa Thiên – Huế). Những cửa khẩu này đều là điểm đầu về phía Việt Nam trên các tuyến EWEC và kết nối trực tiếp với các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, khu vực miền Trung tiềm năng phát triển ở vùng đồng bằng hẹp, thị trường rất nhỏ nên phải tìm cách khai thông thị trường khu vực phía Tây để kết nối được sang Lào và Thái Lan. Các khu kinh tế, khu công nghiệp đang phát triển thì cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho xứng tầm hơn để thu hút lượng hàng từ Thái Lan, Lào trung chuyển sang Việt Nam qua các cảng ở miền Trung để phát triển công nghiệp chế biến từ đó xuất khẩu đi, như thế mới có thể phá được thế “cô lập” ở khu vực phía Tây./.

>>Bài 2: Liên kết vùng và quốc tế

Trần Tĩnh, Nguyên Lý, Đỗ Trưởng, Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hanh-lang-ket-noi-phat-trien-bai-1-loi-the-noi-troi/290448.html