Hành lang kết nối, phát triển - Bài 2: Liên kết vùng và quốc tế

Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng và quốc tế khi các hành lang này giao cắt với trục Bắc – Nam.

Thi công dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc tuyến Bắc-Nam. Ảnh: TTXVN

Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng và quốc tế khi các hành lang này giao cắt với trục Bắc – Nam, đồng thời kết nối với sân bay, cảng biển và hệ thống giao thông của các nước khác trong khu vực.

Động lực từ đường bộ cao tốc và ven biển

Đà Nẵng là trung tâm của kết nối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, với vùng Tây Nguyên và các nước trên EWEC. Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế của Đà Nẵng là: “Chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối miền Trung – Tây Nguyên, phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng Mê Kông. Kết nối hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không”.

Theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng, liên kết phát triển vùng là xu thế chủ đạo cho giai đoạn tới, thay cho tư duy phát triển “hành chính khép kín” như hiện nay. Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các vùng, giữa các địa phương trong vùng sau khi Luật Quy hoạch ra đời và vấn đề về vùng đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhiều hơn.

Tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông giúp Đà Nẵng liên kết chặt chẽ hơn với vùng và liên vùng do giao cắt với các trục Đông - Tây. Trong khu vực Trung Trung Bộ, việc hoàn thành đưa vào khai thác các đoạn tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông đã góp phần “phá vỡ” những rào cản về địa hình ngăn núi ngăn sông, đi lại khó khăn. Ngày 31/12/2022, đoạn cao tốc đường bộ Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên – Huế) dài hơn 98km kết nối hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã thông xe.

Đoạn cao tốc này kết nối với các đoạn cao tốc: La Sơn – Túy Loan (Đà Nẵng) và Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Các đoạn tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam này đều giao cắt với các tuyến EWEC, giúp thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa trên hành lang này và giảm tải cho Quốc lộ 1A.

Tại Quảng Trị, tỉnh sẽ có thêm hai tuyến kết nối Đông – Tây gồm: Mỹ Thủy – La Lay (Quốc lộ 15D) và cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, bên cạnh Quốc lộ 9 tức EWEC ra đời năm 1998. Cả ba tuyến đường này đều được kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch trục Bắc - Nam gồm: Cao tốc đường bộ phía Đông, Quốc lộ 1A, đường ven biển và đường sắt.

Cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông đoạn còn lại qua tỉnh Quảng Trị dài 32,5km thuộc Dự án thành phần Vạn Ninh (Quảng Bình) – Can Lộ (Quảng Trị) đang gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Từ nay đến năm 2025, tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường bộ ven biển kết nối EWEC dài 55km với vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị - chủ đầu tư dự án, tuyến đường này không chỉ giúp Quảng Trị tăng kết nối với vùng ven biển khu vực miền Trung, mà còn kết nối với các tuyến EWEC hiện có và trong tương lai.

Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành với hai đoạn: Cam Lộ - La Sơn và La Sơn – Túy Loan. Tuy nhiên, các đoạn cao tốc này mới chỉ được đầu tư 2 làn xe nên chưa đáp ứng nhu cầu kết nối vùng.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải kết quả rà soát, tính toán nhu cầu đầu tư hoàn thiện đoạn cao tốc đường bộ La Sơn - Túy Loan kết nối Thừa Thiên – Huế với Đà Nẵng, từ 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe với tổng vốn đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Lộ trình dự kiến triển khai dự án từ tháng 6/2024 và hoàn thành vào cuối năm 2025.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên – Huế và cầu qua cửa biển Thuận An đã khởi công năm 2022 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2.400 tỷ đồng, có vai trò quan trọng trong kết nối vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đây là dự án trọng điểm của tỉnh và quốc gia. Giai đoạn 1 dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 sẽ kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển của cả nước, tạo sự liên kết với các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu hoàn thiện nâng cấp, sửa chữa tuyến EWEC mới tức Quốc lộ 14D và 14E. Hành lang này kết nối với Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam). Cửa khẩu quốc tế này kết nối với các cảng biển: ở Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) để lưu thông hàng hóa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, việc kết nối từ cảng biển lên biên giới với nước bạn Lào đang bị “tắc nghẽn”, do hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 14D và 14E xuống cấp và thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây cản trở sự phát triển trên tuyến EWEC mới. Do đó, tỉnh cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã khảo sát, đánh giá tuyến giao thông đường bộ mới nối cảng biển Chu Lai đến hai cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và Nam Giang (Quảng Nam), nhằm đưa hàng hóa lưu thông lên Tây Nguyên và sang các nước trong khu vực.

Kỳ vọng kết nối thị trường tỷ dân

Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Nhật Bản, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên EWWC đã được đầu tư nâng cấp vào những năm đầu mới thành lập như: cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng), đường hầm đèo Hải Vân nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quốc lộ 9 (Quảng Trị)…

Những năm qua các tỉnh, thành Trung Trung Bộ đã tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhằm tăng liên kết vùng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế mà hành lang này mang lại.

Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên tuyến EWEC đang từng bước hoàn thiện hoặc quy hoạch để đầu tư trong thời gian tới như các sân bay: Đà Nẵng, Phú Bài (Huế), Quảng Trị (đang chuẩn bị đầu tư); cùng hệ thống thống cảng biển gồm: Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa và Liên Chiểu (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), Cửa Việt và Mỹ Thủy (Quảng Trị).

Các phương tiện lưu thông tại hầm Hải Vân 2. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã được hình thành trên EWEC như: Nam Đông Hà và Quán Ngang (Quảng Trị), Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), Liên Chiểu và Hòa Khánh (Đà Nẵng), Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), cùng các khu kinh tế: Đông Nam Quảng Trị và Lao Bảo (Quảng Trị), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Chu Lai (Quảng Nam)... nên sản xuất và lưu thông hàng hóa xuyên biên giới tăng nhanh.

Do đó, EWEC đang tiếp tục kết nối với các thị trường tỷ dân thông qua các hành lang mới đầy triển vọng đã hé mở. Đó là Hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông nối Việt Nam – Lào - Trung Quốc qua tuyến Quốc lộ 9 tức EWEC hiện có.

Tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet - Lao Bảo (Quảng Trị) dài 220km. Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch kéo dài tuyến đường bộ cao tốc hiện có dài 1.400km kết nối Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Lào - Việt Nam - Campuchia để gia tăng hoạt động thương mại với kỳ vọng đem lại thịnh vượng cho vùng Đông Bắc Ấn Độ. Quốc lộ 9 đang được xem là ưu tiên hàng đầu kết nối với các dự án này.

Vào tháng 12/2021, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane (Lào) - Côn Minh (Trung Quốc) đã khánh thành. Do đó, lượng hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi Trung Quốc đã gia tăng đáng kể do chi phí giảm khoảng 40% so vận tải đường bộ và thời gian vận tải được rút ngắn.

Trần Tĩnh, Nguyên Lý, Đỗ Trưởng, Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hanh-lang-ket-noi-phat-trien-bai-2-lien-ket-vung-va-quoc-te/290450.html