Hành lang kinh tế Đông-Tây: Thông nhưng chưa thoáng - Bài 3: Gỡ nghẽn từ cơ chế liên vùng

Tại Hội thảo khoa học quốc gia phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định: để EWEC phát triển bền vững, mấu chốt vẫn là cơ chế chính sách, quy hoạch vùng.

Khơi thông mạch máu giao thông

Trước những trở ngại về hạ tầng, những năm qua, TP Đà Nẵng đã nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển, trong đó có việc cải tạo tuyến giao thông Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn (quốc lộ 14B nối cảng Tiên Sa). Phần đường chính chỉ dành cho ô tô, xe container lưu thông, hai đường gom dành cho mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và ô tô có kích thước nhỏ lưu thông, cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải có khối lượng hàng hóa hơn 2,5 tấn… tạo điều kiện để giao thông ra vào cảng Tiên Sa hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng 2022

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng 2022

Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết, bên cạnh điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng, địa phương đang gấp rút triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng sân bay Đà Nẵng, ga hàng hóa đường sắt Kim Liên và mạng lưới giao thông đường bộ kết nối các trục cao tốc quốc gia, góp phần tăng thêm nguồn hàng cho cảng Đà Nẵng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực và một số địa phương nằm ngoài biên giới quốc gia.

Cùng chú trọng phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến thông tin, tỉnh đã đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng, nâng cấp quốc lộ 15D, ưu tiên các đoạn tuyến gồm: Cảng biển Mỹ Thủy đến quốc lộ 1A dài gần 14km; quốc lộ 1A đến cao tốc đường bộ đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km... Để sớm hoàn thành quốc lộ 15D, tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ tạo ra liên kết vùng mạnh hơn không chỉ ở Quảng Trị mà cho cả khu vực miền Trung.

Đối với Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, địa phương đã triển khai đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện hữu. Đến nay, dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D đã được triển khai. Quảng Nam dự kiến chỉ thu phí các xe vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu quốc tế Nam Giang, vị trí đặt trạm thu phí tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Cần chính sách động lực

Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là vấn đề được rất nhiều lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá, thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ, doanh nghiệp trong nước chỉ có khoảng 25%. Dù doanh nghiệp trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, song họ chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều và đi sau các doanh nghiệp FDI về trình độ công nghệ. Chính vì thế, việc tăng kết nối và xây dựng hệ sinh thái cộng sinh với nhau và với doanh nghiệp FDI là cần thiết để khơi thông “dòng chảy” logistics.

Ông Dương Tiến Lâm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, cho rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn hàng có nhu cầu mà lưu thông trên EWEC khá khiêm tốn. Chính quyền cần phải có những chính sách định hướng rõ, tạo thuận lợi cho nguồn hàng tập trung về đây. Về phía Trung ương cũng xác định rõ ngành logistic là ngành cần phải tập trung phát triển, bởi nó kết nối khâu sản xuất và khâu tiêu dùng. Nếu chi phí logictics càng lớn thì cùng một sản phẩm phải trả nhiều tiền hơn, gây thiệt hại hơn. Vì vậy, kiến nghị Trung ương phải có những chính sách chung cho cả vùng.

“Cần hình thành cơ chế phối hợp liên vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, Đà Nẵng giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt, đảm nhận các dịch vụ logistics chất lượng cao”, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đề xuất.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics phải được xem là lĩnh vực phát triển hàng đầu của tuyến EWEC, từ đó cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển. TP Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến hành lang, phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức.

Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu một số nội dung như: cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: quy hoạch, tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G.

TS Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, đề nghị, cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động logictics để tăng cường sự kết nối liên hoàn trong chuỗi phân phối toàn vùng. Song song đó, cải thiện cơ sở hạ tầng logictics theo hướng tăng cường giữa các địa phương nội vùng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các vùng khác, khu vực và thế giới.

Thời gian qua, một số tuyến đường cao tốc trục Bắc - Nam đã hình thành và đi vào hoạt động. Trong thời gian tới, trục cao tốc Bắc - Nam tiếp tục được bổ sung một số đoạn để khơi thông và đẩy mạnh sự phát triển của tuyến hàng hóa Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Không chỉ vậy, khi trục giao thông Bắc - Nam được bổ sung bằng các tuyến cao tốc sẽ như một cú hích để các địa phương và ngành GTVT tính toán kết nối, khơi thông, tăng quy mô các tuyến đường trục Đông - Tây.

Khi các tuyến Đông - Tây được khơi thông, ngoài tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây hiện hữu, trong tương lai sẽ hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây mới, không chỉ kết nối với các quốc gia trong khu vực, kết nối giao thương mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung Việt Nam cũng như các tỉnh của Lào, Campuchia, Thái Lan… trên tuyến. Đồng thời, phát huy được thế mạnh của hệ thống cảng biển các tỉnh miền Trung như Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng); Kỳ Hà, Chu Lai (Quảng Nam); Quy Nhơn (Bình Định); Chân Mây (Thừa Thiên Huế); Nghi Sơn (Thanh Hóa)…

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-lang-kinh-te-dong-tay-thong-nhung-chua-thoang-bai-3-go-nghen-tu-co-che-lien-vung-post689004.html