Hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân

Sáng ngày 8/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: Quochoi.vn

Trình bày tờ trình việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, việc ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trước hết là của bên xử lý dữ liệu đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân. Nghị định cũng là tiền đề quan trọng để triển khai, đúc rút và nghiên cứu, xây dựng thành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Dự thảo Nghị định gồm 44 Điều, chia thành 4 chương quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; áp dụng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, các luật liên quan và Điều ước quốc tế; hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; hành vi bị nghiêm cấm; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin thì dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành nguồn tài nguyên giá trị mà các đối tượng xấu có thể thu thập, mua bán, sử dụng để thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật. Do đó cần phải có biện pháp bảo vệ tương xứng.

“Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” - ông Khánh nhấn mạnh và đánh giá, hồ sơ dự thảo Nghị định này đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều thống nhất về việc cần thiết ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm có hiệu lực thi hành. Theo dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, nhưng một số ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, nhiều nội dung có liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân do đó nên có lộ trình hợp lý để thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đây là Nghị định rất quan trọng, không chỉ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của từng công dân mà còn liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý xã hội và tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Do đó đòi hỏi một hành lang pháp lý phải hết sức rõ ràng, cụ thể, minh bạch về vấn đề này.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nhiều nội dung chưa được thực tế kiểm nghiệm. Do đó, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh xem xét các vấn đề của dự thảo Nghị định có vượt thẩm quyền hay không.

Ông Phương cũng lưu ý rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Do đó cần nghiên cứu áp dụng Hiến pháp vào luật.Từ các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo thẩm tra, hồ sơ dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hanh-lang-phap-ly-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-5709272.html