Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chưa thành niên

Bộ phim 'Vợ ba' gắn mác 18+ của Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng phải dừng công chiếu tại Việt Nam năm 2019 bởi phản ứng của dư luận khi để diễn viên mới 13 tuổi tham gia vào một số cảnh quay nhạy cảm được xem là việc chưa có tiền lệ trong điện ảnh Việt Nam.

Vụ việc đặt ra nhiều câu hỏi về việc sử dụng trẻ em, hình ảnh của trẻ em trong các tác phẩm nghệ thuật như thế nào là hợp lý để không phạm luật, không ảnh hưởng đến trẻ.

Nhiều lỗ hổng pháp lý

Phim “Vợ ba” là câu chuyện điển hình về những vi phạm sử dụng lao động (LĐ) chưa thành niên trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao... đang diễn ra ngày càng nhiều, được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phản ánh trong hội thảo giới thiệu những nội dung mới về LĐ chưa thành niên trong Bộ luật Lao động, do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức LĐ quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội ngày 8-6 vừa qua. Ông Đặng Hoa Nam dẫn chứng: “Theo quy định, người dưới 13 tuổi được phép tham gia một số công việc đặc biệt trong hoạt động nghệ thuật. Lẽ ra những cảnh nhạy cảm trong phim “Vợ ba” phải sử dụng diễn viên đóng thế, nhưng nhà sản xuất và đạo diễn lại sử dụng diễn viên chưa thành niên đóng những cảnh phản cảm, phi nghệ thuật”. Theo ông Nam, đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy những “lỗ hổng” trong các quy định về sử dụng LĐ trẻ em. Mặc dù nhà sản xuất bộ phim bị phạt 50 triệu đồng, cấm công chiếu ngoài rạp, nhưng vụ việc chưa xử lý được theo các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, mà mới xử lý vi phạm “thêm/bớt làm sai nội dung đã được phép phổ biến”.

Thực tế ở nước ta hiện nay, đang có hiện tượng sử dụng LĐ trẻ em dưới 15 tuổi với hình thức: bên sử dụng LĐ đồng ý tuyển dụng và bên LĐ dưới 15 tuổi tự nguyện xin được vào làm việc. Với các lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, thể thao… luật pháp hiện hành không cấm sử dụng LĐ chưa thành niên (đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi). Việc sử dụng nhóm LĐ này đã có quy định, phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và phải ký hợp đồng LĐ; không được dùng trẻ em làm những công việc ảnh hưởng tới phát triển sau này của trẻ, đặc biệt khi ảnh hưởng đến đạo đức, tinh thần.

 Cảnh trong phim “Hạnh phúc của mẹ”-bộ phim về đề tài thiếu nhi đoạt giải Cánh diều vàng 2019. Ảnh do Đoàn phim cung cấp.

Cảnh trong phim “Hạnh phúc của mẹ”-bộ phim về đề tài thiếu nhi đoạt giải Cánh diều vàng 2019. Ảnh do Đoàn phim cung cấp.

PGS, TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, giữa hư cấu với phi hư cấu, đôi khi khá mong manh. Việc sử dụng diễn viên “nhí” vốn là bài toán khó cho những người làm điện ảnh không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước có nền điện ảnh văn minh, phóng khoáng. Việc này đòi hỏi các nhà sản xuất, đạo diễn vừa phải thực hiện đúng luật, vừa có sự thận trọng, đạo đức nghề nghiệp và sự tinh tế. Bởi nếu không, tác phẩm nghệ thuật ấy dù có hay đến mấy, dù nhận được nhiều giải thưởng danh giá của giới phê bình thì nó cũng có thể bị công chúng tẩy chay.

Cần thiết có hành lang pháp lý bảo vệ trẻ

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình-VFC, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Luật LĐ mang tính bao trùm cho số đông đối tượng, có quy định ban hành đối tượng trẻ chưa đến 15 tuổi khi tham gia LĐ là điều cần thiết cho một xã hội phát triển. Nhất là trong thời gian này Nhà nước đang khuyến khích các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, sản xuất tác phẩm cho thanh, thiếu niên. Trong các lĩnh vực đặc thù như thể thao, văn hóa nghệ thuật… chắc chắn có những yếu tố đặc biệt, nhưng khi làm việc thì đối tượng LĐ này có cách thức làm việc riêng, đầu tiên chính là sự thể hiện nội dung, tư tưởng ở chính lứa tuổi ấy. Vì vậy, hình ảnh, diễn xuất của nhóm tuổi này phải được kiểm soát theo quy định của một hoạt động nghề nghiệp mang tính chất đặc thù; khi làm việc phải có sự đồng ý của gia đình, người bảo hộ; có những trường hợp yêu cầu gia đình phải đi cùng để thay mặt trẻ đưa ra những quyết định thì mới được thực hiện.

Cũng theo NSƯT Đỗ Thanh Hải, đề tài phim gia đình, trẻ em đang được VFC đặc biệt quan tâm, nhất là thời gian qua những bộ phim về đề tài này trình chiếu nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ khán giả. Do vậy, là đơn vị sản xuất phim phát trên sóng đài truyền hình quốc gia, những hình ảnh bao giờ cũng được kiểm soát đặc biệt để tránh những câu chuyện, hình ảnh nhạy cảm xuất hiện trên màn ảnh.

Để các quy định mới có thể được thực thi ngay khi Bộ luật Lao động có hiệu lực (từ ngày 1-1-2021), Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Dự thảo quy định cụ thể các hình thức giao kết hợp đồng; thời gian làm việc (quy định không được quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm); điều kiện làm việc, an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm học văn hóa... Theo ông Đặng Hoa Nam, hiện nay nhiều liveshow ca nhạc có trẻ em tham gia vẫn kéo dài đến tận 23 giờ, đây là một hành vi để trẻ em làm việc đêm nhưng lại chưa thể xử lý. Trẻ em tham gia sinh hoạt văn hóa tại các nhà thiếu nhi, khi đi biểu diễn nghệ thuật mang lại thu nhập cho các đơn vị tổ chức... Nếu quy định cụ thể được thông qua sẽ hạn chế việc xảy ra tình trạng này. Bên cạnh đó, thông tư cần quy định mẫu riêng về giao kết hợp đồng đối với LĐ chưa đủ 15 tuổi. Hợp đồng này phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về LĐ.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, trong đó tại Khoản 6, Điều 10 nêu rõ: Cấm sử dụng LĐ trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng chất kích thích… Những điều khoản, quy định cụ thể được sửa đổi, bổ sung sẽ là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho LĐ chưa đủ 15 tuổi, lấp đi “lỗ hổng” trong pháp luật LĐ, bảo vệ trẻ em.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hanh-lang-phap-ly-bao-ve-tre-chua-thanh-nien-622751