Hành lang pháp lý 'cứng rắn' chống lạm thu ở quê lúa Thái Bình

'Để chống lạm thu trong nhà trường, điều mà Thái Bình làm được trong thời gian vừa qua chính là tạo được hành lang pháp lý đối với các nhà trường, tạo lòng tin với phụ huynh HS'- Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Thái Bình) chia sẻ với PV Báo GD&TĐ.

Phòng học vi tính Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: An Nhiên

Phòng học vi tính Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: An Nhiên

Cần giám sát chặt khoản thu không áp trần

“Tạo hành lang pháp lý để những hoạt động thu - chi nhà trường cần làm, muốn làm có thể đi vào nền nếp và quy củ. Mặt khác cũng tạo lòng tin cho phụ huynh HS. Khi có lòng tin, phụ huynh sẽ đồng thuận đóng góp các khoản cho nhà trường” - Bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.

Nói về các khoản thu dễ xảy ra lạm thu, theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, hiện nay có hai loại khoản thu ở nhà trường: Dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD có mức trần và không có mức trần. Những khoản thu không có mức trần cần được quan tâm, giám sát, để tránh xảy ra lạm thu.

“Khoản thu không định mức trần nếu thiếu giám sát rất dễ bị lạm thu. Có thể ở chỗ này, chỗ kia có nguy cơ tạo ra sự ép buộc, không đồng thuận trong cha mẹ HS, nhưng nếu quan tâm, chỉ đạo sát sao vẫn hoàn toàn có thể tránh được lạm thu.”- Bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhận định.

Áp dụng cho từ năm học 2020 - 2021, trong Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD trong các cơ sở GD công lập, với các khoản thu có quy định mức trần, cơ sở GD được phép thỏa thuận với cha mẹ HS về việc thu các khoản thu và mức thu không vượt quá quy định. Chẳng hạn, học thêm ngày thứ Bảy, học thêm trong hè (cha mẹ trẻ em có nhu cầu) ở bậc mầm non sẽ đóng với mức trần 20.000 đồng/trẻ/ngày. Hoặc gửi trẻ ngoài giờ hành chính mức trần 4.000đ/trẻ/giờ.

Trong khi đó, tiền thu nước uống được quy định đồng nhất mức trần ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT, Trung tâm GDNN- GDTX là 10.000/HS/tháng. Còn dạy Tin học, Ngoại ngữ cho HS lớp 1, lớp 2 (HS có nhu cầu và môn Tin học tự chọn, HS có nhu cầu học Ngoại ngữ) thu ở bậc tiểu học với mức trần 20.000đ/HS/tháng. Học thêm và ôn thi vào THPT, ôn thi ĐH cho HS có nhu cầu được tính trần 15.000đ/HS/buổi (3 tiết)…

Với các khoản thu không quy định mức trần, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình cho phép: Các cơ sở GD được thỏa thuận với cha mẹ HS để huy động một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi; phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ HS trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường và sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Học sinh rửa tay sau giờ ra chơi. Ảnh: An Nhiên

Trong các khoản thu không “áp” trần, có những khoản liên quan đến: Thu- chi phục vụ bán trú, bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ bán trú; trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ phục vụ bán trú; chi phí chất đốt; tiền điện dùng điều hòa; làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non; các hoạt động GD kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với HS phổ thông... Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết hiện các phòng GD&ĐT rất sát sao trong kiểm tra các khoản thu này.

Minh bạch và chắt chiu khoản đóng góp của phụ huynh

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng: “Một khi đã chi đúng, chi thật cho HS thì cha mẹ HS không tiếc nộp. Để minh bạch các khoản thu với phụ huynh HS, cùng với quy định các mức thu ở nhà trường, Liên ngành GD và Tài chính tỉnh Thái Bình còn có quy định về quy trình thu. Quy trình đó chính là cơ chế để đảm bảo hoạt động thu - chi của nhà trường phải đúng quy định, đảm bảo sự minh bạch”.

Với đặc điểm của một địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, chỉ đạo của Sở GD&ĐT tới các nhà trường về thu- chi trong năm học rất chú trọng đến thời điểm thực hiện các khoản thu, giãn thu.

“Thời gian qua người dân bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, không phải phụ huynh HS nào cũng có khả năng đóng góp cùng lúc nhiều khoản thu vào đầu năm học mới, Sở GD&ĐT Thái Bình đã hướng dẫn nhà trường phải xem xét khoản nào cần thu trước, khoản nào chưa cần thu thì bố trí thu sau, tránh gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh HS”- Ông Nguyễn Viết Hiển (Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình) nhấn mạnh.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường về chính sách miễn, giảm các khoản thu, làm sao để không vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không đóng góp được cho nhà trường mà HS phải nghỉ học. Tất cả các nhà trường phải thực hiện tối thiểu 90% cha mẹ HS nhất trí, đồng thuận thì mới triển khai các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Để hướng dẫn, quy định cho năm học 2020 - 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ra một loạt các Nghị quyết về những nội dung liên quan đến hành lang pháp lý của các khoản thu- chi trong nhà trường, như: Cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh trong trường THCS, THPT; Quy định mức học phí tại các cơ sở GD công lập; Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD trong các cơ sở GD công lập.

“Yêu cầu quan trọng trong thực hiện các khoản thu của nhà trường là phải công khai và minh bạch. Phải sử dụng đúng mục đích tất cả các nguồn tài trợ và tạo được lòng tin cho các nhà tài trợ. Khi mạnh thường quân, cha mẹ HS tài trợ cho nhà trường là họ phải tin tưởng vào những gì tài trợ cho nhà trường phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đúng cho hoạt động GD, phục vụ cho HS”- Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Thái Bình) phân tích.

Giữa vùng quê thuần nông, thầy Nguyễn Minh Quý (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) rất tâm huyết khi giới thiệu về phòng dạy Tin học được đầu tư khá bài bản. Đặc biệt, nhà trường tự hào có phòng dạy học trực tuyến, hiệu quả rất rõ khi đã hỗ trợ tích cực GV triển khai các nội dung tập huấn trực tuyến, thực hiện những bài giảng online trong thời gian ảnh hưởng Covid-19.

Thầy Nguyễn Minh Quý hào hứng giới thiệu phòng dạy học trực tuyến mà không phải trường học nào ở nông thôn cũng làm được. Ảnh: An Nhiên

“Chúng tôi đã làm được nhiều việc cho HS từ việc chắt chiu từng đồng từ số tiền đóng góp của cha mẹ HS 150.000đ/HS/năm. Phòng dạy học trực tuyến của nhà trường cũng có được nhờ dè xẻn chi tiêu khoản tiền đóng góp ấy.

Từ năm học 2020- 2021 theo quy định mới nhà trường sẽ không được thu khoản này nữa. Phụ huynh HS muốn đóng góp nhà trường cũng không thu. Nhà trường đồng tình với quan điểm chống lạm thu, nhất là khi trường nằm ở vùng quê, cha mẹ HS hầu hết là nông dân. Nhưng bên cạnh hành lang pháp lý cứng rắn, nhà trường cũng hy vọng lãnh đạo cấp trên xem xét mở ra những quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường sáng tạo về XHH mà vẫn nhận được sự đồng thuận của cha mẹ HS, mang lại lợi ích cho chính HS”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hanh-lang-phap-ly-cung-ran-chong-lam-thu-o-que-lua-thai-binh-mitJzIKGg.html