Hạnh phúc đến từ sự tiến bộ của học sinh

Có tâm huyết mới có sáng tạo, muốn sáng tạo thì phải tâm huyết. Đó là điều mà cô giáo Phạm Thanh Hương - Trường THCS Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội luôn đau đáu trong quá trình giảng dạy.

Cô giáo Phạm Thanh Hương cuốn hút học sinh vào các giờ học sáng tạo, sinh động.

Cô giáo Phạm Thanh Hương cuốn hút học sinh vào các giờ học sáng tạo, sinh động.

Cũng chính bởi vậy, với học trò, cô không chỉ là người thầy giáo mà còn là người mẹ thứ hai của các em.

Truyền nghị lực, cảm hứng cho học trò

Cảm nhận niềm vui và hạnh phúc từ nghề dạy học, là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Phạm Thanh Hương luôn gần gũi với HS, hiểu hoàn cảnh của từng em để có sự sẻ chia, động viên kịp thời. Đặc biệt, với những em có hoàn cảnh khó khăn, trong các buổi họp phụ huynh, cô đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ, quan tâm từ mọi người.

Với tình cảm của mình, cô tặng cho các em có khi là bộ quần áo đồng phục nhân dịp khai giảng hay chiếc áo khoác mùa đông nhân dịp tết đến, xuân về… “Món quà tuy không lớn nhưng tôi cảm nhận được từ các em niềm vui vì được yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Nhìn thấy sự cố gắng của HS cùng với nụ cười rạng rỡ, tôi rất vui và suy nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để đem đến cho các em niềm hạnh phúc”, cô Hương bộc bạch.

Học sinh lứa tuổi THCS có nhiều thay đổi tâm sinh lý, cô giáo Phạm Thanh Hương luôn quan niệm mình là GVCN cũng đồng thời là người mẹ thứ hai của các em. Cô chia sẻ: Chỉ có gần gũi, thân thiện mới có thể hiểu được học trò. Ở lứa tuổi đang phát triển, tâm sinh lý thay đổi, các em rất cần một người GVCN vừa giàu tình yêu thương, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ nhưng cũng cần sự nghiêm khắc.

Khi học sinh vi phạm, mắc lỗi cần uốn nắn kịp thời, phân tích đúng, sai để các em nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình. Nếu thấy trò có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực cần động viên khen đúng lúc. Chính điều đó giúp các em sẽ có động lực thay đổi để khẳng định mình trước tập thể.

Với cô giáo Hương, có lẽ trong cuộc đời người làm thầy, niềm vui và hạnh phúc đến từ sự tiến bộ của HS. Đó là khi các em thay đổi nhận thức đúng, tiến bộ trong học tập và kỉ luật. Đó còn là niềm vui từ sự gần gũi, ấm áp của tình thầy trò khi được nghe các em chia sẻ, tâm sự: Hôm nay ở nhà con chuyện này đã xảy ra; hôm nay con rất vui vì bố mẹ khen con cố gắng; hay lớp mình bạn A bạn B bị cô giáo bộ môn nhắc nhở ạ…

“Nhìn thấy ánh mắt rạng ngời và nụ cười thân thiện của trò, chứng kiến các thế hệ học trò của mình trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương không chỉ là niềm vui, hạnh phúc mà tôi còn thấy tự hào, trân trọng và tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, sáng tạo nhiều hơn nữa”, cô Hương xúc động.

Tâm huyết và sáng tạo

Với quan niệm, có tâm huyết mới có sáng tạo, muốn sáng tạo thì phải tâm huyết, trong công tác giảng dạy, cô giáo Phạm Thanh Hương luôn chú trọng sáng tạo lựa chọn các phương pháp, hình thức cho phù hợp từng bài học trong quá trình giảng dạy. Tham gia giảng dạy môn Ngữ văn và Giáo dục công dân, cô thường tìm ra cách làm mới, mối dây liên hệ kiến thức giữa hai môn Văn, GDCD để truyền đạt đến học sinh những kiến thức sinh động và bổ ích nhất.

Sự sáng tạo được cô thể hiện rõ nét trong các SKKN có giá trị ứng dụng cao vào giảng dạy, như: Sử dụng bài tập tình huống trong giảng dạy môn GDCD lớp 8 nhằm nâng cao kĩ năng giao tiếp ứng xử cho HS đạt loại C cấp TP; Sử dụng phương pháp trực quan hóa bài giảng bằng sơ đồ tư duy trong dạy học môn GDCD đạt giải A cấp huyện; Một số kinh nghiệm giáo dục và nâng cao kĩ năng giao tiếp ứng xử cho HS trong giảng dạy môn GDCD lớp 8 đạt loại A cấp huyện…

Đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, cô Hương cho biết: “Trước mỗi bài dạy, tôi thường đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để HS tiếp thu bài nhanh nhất và đạt hiệu quả tốt nhất? Từ đó tôi đã có thiết kế riêng cho mỗi bài học phù hợp theo quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm”.

Các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được vận dụng sáng tạo như: Giao nhiệm vụ cho HS nghiên cứu, chuẩn bị trước bài ở nhà, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, lồng ghép giáo dục kĩ năng sống, sử dụng phương pháp trực quan hóa bài giảng bằng sơ đồ tư duy, kiểm nghiệm, đánh giá thái độ của HS sau giờ học, giáo dục HS qua những tấm gương, hành vi cụ thể”.

Theo cô Hương, sự thay đổi hay sáng tạo thế nào thì mục đích cuối cùng vẫn là sự thay đổi nhận thức, truyền cảm hứng cho HS theo những hành vi tích cực. Và môn GDCD với đặc trưng là giáo dục con người nên việc giảng dạy không chỉ dừng lại ở những bài học trên lớp mà còn được thể hiện, kiểm chứng qua hành vi cụ thể ngoài giờ học, ngoài nhà trường…

Với cách làm này, HS Trường THCS Việt Hùng đã thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Các em lễ phép hơn, tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà trường. Khi mắc lỗi biết nhận và có ý thức sửa sai. Nhiều em đã yêu thích, say mê môn học GDCD, biết vận dụng những điều đã học vào tình huống xảy ra trong thực tế và đạt thành tích cao trong học tập.

Năm học 2017 - 2018, đội tuyển học sinh giỏi do cô bồi dưỡng đã đạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba cấp huyện trong đó có 1 học sinh đạt giải Nhì cấp thành phố. Bản thân cô giáo Phạm Thanh Hương cũng đạt giải Nhất cấp huyện và giải Nhất cấp thành phố trong hội thi giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân...

Nhà giáo Ngô Thị Thịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Việt Hùng cho biết: Nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều sáng kiến sáng tạo có giá trị trong dạy học, đạt thành tích cao trong thi GVDG các cấp, song cô giáo Phạm Thanh Hương luôn khiêm tốn và không ngừng nỗ lực trau dồi trình độ, nghề nghiệp, chủ động sáng tạo trong công tác chủ nhiệm, hoạt động chuyên môn…

Luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và các hoạt động tập thể, cô giáo Hương được đồng nghiệp và HS yêu quí, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hanh-phuc-den-tu-su-tien-bo-cua-hoc-sinh-lzbMT9TMR.html