Hạnh phúc đời người

Chủ thể và đối tượng của cuộc sống này là gì nếu không phải là con người? Mà đã là con người, ai cũng đều mong ước cuộc sống hạnh phúc. Nhưng như thế nào mới là một hạnh phúc trọn vẹn?

Thời tuổi trẻ, cái thời của yêu đương mơ mộng, mong ước lấy được người mình yêu thương và cho đó là hạnh phúc. Khi còn đang yêu, thấy đời toàn màu hồng, chỉ mong sao sớm đến ngày thành thân, được mọi người chúc cho trăm năm hạnh phúc. Nhưng để được trăm năm hạnh phúc, tình yêu đó phải là một tình yêu đích thực, muốn gắn kết đi tới hôn nhân và xây dựng một mái ấm gia đình, trong đó bao hàm sẽ thực hiện toàn tâm toàn ý trách nhiệm đối với nhau, đối với con cái sẽ sinh ra sau này và đối với xã hội. Tuy nhiên, hạnh phúc này chỉ mới là hạnh phúc lứa đôi, chưa phải là một hạnh phúc toàn vẹn.

Trở lại với một mái ấm gia đình được hình thành từ một tình yêu đích thực, với vợ đẹp con ngoan, nhà của đủ đầy mọi thứ. Chắc đâu đã hoàn toàn hạnh phúc, vì còn tùy tâm ý con người. Người chồng, thấy vợ người khác đẹp hơn, biết đâu lại chẳng động lòng đưa đến tính toan? Người vợ, thấy người đàn ông khác phong độ hơn, chắc đâu lại không thay lòng đổi dạ? Lúc ấy, hạnh phúc đâu còn trăm năm!

Nhưng nói chung, những hạnh phúc trên chỉ mới là hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình, chưa phải là chân hạnh phúc.

Cũng có người cho rằng hạnh phúc là thành đạt trong công ăn việc làm, có chức vị, có quyền hạn, có thu nhập cao. Thực sự, trong công việc làm có phải nơi đâu cũng đều bình yên, nào là phải đối phó với mọi điều, với đồng nghiệp ganh tỵ hơn thua nhau… Công việc, có khi rồi cũng thất bại, đâu có mãi thành công. Chức vị, rồi cũng có khi thất thế, đổi thay. Thu nhập, rồi có khi cũng thất thoát. Cái hạnh phúc này, vậy thì đâu có chắc!

Lại có người thấy mình hạnh phúc vì có được đủ các của cải vật chất: nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng đắt tiền, trong nhà có nhiều người ăn kẻ ở… Nhưng chắc gì họ đã hoàn toàn hạnh phúc, nếu như trong tâm ý họ chợt thấy người khác có nhà cao cửa rộng đẹp hơn, xe hơi sang trọng hơn… rồi lòng sinh ra suy nghĩ, làm xao xuyến đánh mất cái hạnh phúc về những gì mình đang có. Cái hạnh phúc vật chất như vậy, cũng đâu có chắc!

Vậy thì, đâu mới là hạnh phúc đích thực?

Có lẽ chúng ta khỏi cần tìm đâu xa. Vì 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã nhắc nhở cho chúng ta phương thức để có cuộc sống hạnh phúc.

Phương thức đó là gì? Trước tiên, hãy loại bỏ tham-sân-si, vì đó là ba thứ độc tàn hại đời người. Chúng là một sự kết nối nhân quả với nhau, cái này sinh ra cái kia. Vì ngu si mà sinh ra tham. Vì tham mà sinh ra ngu si. Vì ngu si mà sinh ra giận dữ sân hận… Tất cả những điều đó chỉ làm khởi phát nơi ta những lời nói, những hành động gây khổ đau cho người. Người mà khổ đau, liệu ta có vui chăng, có hạnh phúc chăng?

Kế tiếp là từ bi, hỷ xả. Bốn chữ này tuy nghe có vẻ rất ư là tôn giáo, nhưng thật dễ hiểu và gần gũi. Từ bi là đem lại niềm vui, giúp cho người bớt khổ. Hỷ là vui cùng niềm vui của mọi người, nghĩa là vui với tất cả mọi điều. Và xả là buông bỏ. Về mặt vật chất, xả là buông bỏ những gì dư thừa, không cần thiết. Chẳng phải trong nhà, thỉnh thoảng chúng ta vẫn lục lọi những gì dư cũ không dùng đến để đem cho ve chai đó hay sao? Về mặt tinh thần, xả là buông bỏ những vọng tưởng, những nhiễm ô cho lòng thanh tịnh, cho tâm ý nhẹ nhàng, thoải mái. Đem lại được niềm vui cho người, sự nhẹ nhàng thoải mái cho lòng mình, vậy là hạnh phúc rồi, còn gì nữa?

Nhưng như vậy đã đủ chưa? Còn nữa, để có được hạnh phúc, ta còn phải biết đủ. Vui với những gì mình có; và vui cả với những gì mình không có, nếu đó là những cái không có không cần thiết! Vì nếu cứ ước ao những cái mà mình không cần thiết phải có, rồi thì suy nghĩ tính toan này nọ, rõ ràng là chỉ làm khổ cho tâm ý mình! Trong Nho giáo cũng có nhắc nhở điều này:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.

Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.

Nghĩa là biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì biết bao giờ đủ..., ý nghĩa thật đơn giản mà sâu sắc.

Tuy nhiên, những điều hạnh phúc trên vẫn còn đóng khung trong phạm vi cá nhân. Đức Phật còn quan tâm nhiều hơn đến cả một hạnh phúc đặt trong phạm vi toàn xã hội. Ngài đã nhắc nhở đến bổn phận, trách nhiệm của từng mỗi con người trong cộng đồng: người con trong nhà, người chồng người vợ trong gia đình, người giúp việc, người thương gia, nghĩa là tất cả mọi công dân trong đất nước và cả trách nhiệm của người làm vua. Tóm lại, nếu ai cũng làm tốt vai trò của mình thì toàn xã hội sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc đó mới là hạnh phúc toàn vẹn.

Nhưng những điều nêu trên, dẫu sao cũng chỉ là nguyên lý. Vẫn phải cần đến một cái yếu tố làm chủ đạo cho các nguyên lý trên.

Cái yếu tố chủ đạo đó, chính là lòng yêu thương mọi người, mọi loài. Một khi đã có lòng yêu thương mọi người, mọi loài thì hệ quả tất yếu là ta cũng sẽ có được tất cả: từ bi, hỷ xả; xa lìa tham-sân-si; biết đủ, vui với mọi người, mọi điều, vui với tất cả những gì mình có… Vậy là ta đã có được đủ đầy hạnh phúc rồi chứ còn gì nữa?

Nhưng, lại cái chữ nhưng! Cũng vẫn còn thêm một yếu tố vô cùng cần thiết nữa cho hạnh phúc đời người. Cái yếu tố này mới là yếu tố tiên quyết: cái niềm vui và hạnh phúc đó phải khởi phát từ chính tự tâm mỗi người chứ không phải do từ bên ngoài đưa đến. Nếu tự tâm chúng ta vui và cảm thấy hạnh phúc thì tất cả sẽ là niềm vui và hạnh phúc. Cho dù đang ở đâu hoặc đi đến nơi đâu. Chẳng khác gì khi chúng ta mang chiếc kính màu hồng, sẽ nhìn thấy tất cả cuộc đời toàn màu hồng. Chính vì vậy mà trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã nhắc nhở:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Cảnh đâu có buồn, vui. Buồn, vui là do chính tự nơi tâm mình chứ đâu phải do từ ngoại cảnh?

Người Thụy Điển có một câu ngạn ngữ bất hủ: Mùa đông ở ngoài cửa, mùa hè ở trên kho lúa, mùa thu ở hầm rượu và mùa xuân ở trong lòng.

Vậy đó, mùa xuân ở ngay trong lòng mình chứ có ở đâu xa.

Trăm năm cuộc đời, ngoảnh lại cũng chỉ như thoáng chốc, chỉ như mộng huyễn, như bọt nước, như giọt sương rơi… Vậy tại sao ta lại không tạo niềm vui và hạnh phúc cho mình và cả cho người? Vì nếu hạnh phúc mà chỉ cho riêng mình, đâu phải là niềm hạnh phúc toàn vẹn? Ta no đủ trong khi bên hàng xóm khó khăn thiếu thốn, lòng sao nỡ?

Chợt nhớ đến một câu của nhà đại văn hào Nga Lev Nicolaevich Tolstoy mà lòng thấy thật vô cùng tâm đắc: Hạnh phúc của một người là làm cho người khác được hạnh phúc.

Theo Bùi Kim Sơn/Khám Phá

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/hanh-phuc-doi-nguoi-c37a295402.html