Hạnh phúc phải giấu kín

HẠNH PHÚC PHẢI GIẤU KÍN là tập tản văn hay chính xác hơn là những ghi chép những câu chuyện của một ngôi làng bắc bộ được Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành. Tác giả cuốn sách này là ông Trịnh Văn Sỹ, người trong nhóm Nhân sỹ Hà Đông của chúng tôi và là người khởi xướng việc trao trả các Đạo sắc phong cho những địa phương bị mất.

Ông Trịnh Văn Sỹ không phải là một nhà văn, nhưng ông là nhân chứng của những gì đã diễn ra trong ngôi làng của ông, một ngôi làng rất nổi tiếng : làng ĐA SỸ thuộc Hà Tây cũ. Hơn nữa, ông là người yêu ngôi làng của mình và lo sợ đến một ngày những vẻ đẹp văn hóa của những ngôi làng Việt Nam sẽ từ từ biến mất.

Tôi là người được Nhà xuất bản mời viết đôi dòng như lời dưới thiệu cho cuốn sách này. Dưới đây là toàn văn lời giới thiệu mà tôi gọi là LỜI THƯA

LỜI THƯA

Thưa bạn đọc,

Nếu bạn đã cầm cuốn sách này trên tay, xin bạn hãy ngồi xuống thanh thản và đọc thật chậm rãi từng trang của cuốn sách. Tác giả cuốn sách là ông Trịnh Văn Sỹ sẽ dẫn bạn đi qua ngôi làng của ông. Chuyến đi này là chuyến đi xuyên thời gian. Bạn sẽ trở về một quá khứ rất xa, rồi từ quá khứ ấy bạn đi qua thời gian để trở về thời hiện tại bạn đang sống. Chuyến đi ấy sẽ cho bạn thấy được vẻ kỳ vĩ của thiên nhiên và đời sống của con người qua mỗi bước đi. Thiên nhiên ấy và đời sống ấy đổi thay từng bước như một tất yếu. Nhưng bạn sẽ nhận ra trong sự đổi thay ấy là những mất mát lớn lao không gì bù đắp được.

Tác giả Trịnh Văn Sỹ đã kể lại một cách trung thực nhất, chi tiết nhất và da diết nhất về ngôi làng của ông. Chính những ngôi làng như làng Đa Sỹ của ông đã làm nên đời sống Việt, văn hóa Việt. Trong sự nhớ thương da diết về ngôi làng của mình là một nỗi sợ hãi của tác giả về những điều đẹp đẽ của thiên nhiên và đời sống đang rời bỏ con người. Tác giả Trịnh Văn Sỹ không phải là người muốn níu giữ quá khứ mà là người níu giữ những vẻ đẹp của thiên nhiên và của hồn người. Và khi đã là cái đẹp thì nó không bị thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai giam cầm.

Cuốn sách là những câu chuyện xúc động, hấp dẫn, lạ lùng và nhiều bí ẩn về đời sống một ngôi làng bắc bộ. Nhưng thực ra nó là câu chuyện về một vùng văn hóa mà mỗi người đều tìm thấy câu chuyện của mình trong đó. Đọc xong cuốn sách này, tôi như nhìn thấy một ngôi làng hiện ra và dựng lên một đời sống, dựng lên những vẻ đẹp văn hóa và rồi ngôi làng ấy với những gì đẹp đẽ và thiêng liêng chứa đựng bên trong nó cứ xa dần, xa dần và có thể biến mất trong hư vô một ngày nào đó khi con người đã đánh mất đi ký ức về nó và đánh mất đi những rung động về cái đẹp thuần khiết của đời sống này.

Hà Đông, tháng 5 năm 2020 – NQT

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hanh-phuc-phai-giau-kin-83915