Hạnh phúc quân nhân

Hôm nay (20-3) là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Ở nước ta, cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 'Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm'.

Thực hiện nội dung này, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn toàn quân tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, qua đó giúp các quân nhân, người lao động trong Quân đội nhận thức đầy đủ về hạnh phúc, có những hành động cụ thể, thiết thực chăm lo xây dựng gia đình, đơn vị, tập thể quân nhân hạnh phúc.

Hạnh phúc có thể hiểu chung nhất là trạng thái cảm xúc tích cực của con người, như niềm vui sướng, sự mãn nguyện, hài lòng. Hạnh phúc đối với quân nhân chính là cảm xúc vui vẻ, mãn nguyện, hài lòng cả về cuộc sống gia đình lẫn môi trường công tác. Quân nhân không thể hạnh phúc nếu cuộc sống gia đình hoặc trong môi trường công tác gặp những khó khăn, bất ổn, căng thẳng, lo lắng; khi bản thân không được quan tâm, yêu thương, tôn trọng thực sự.

Hạnh phúc của gia đình quân nhân. Ảnh: qdnd.vn

Thực tế những năm qua, Quân đội ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm cho quân nhân, người lao động trong toàn quân có cuộc sống hạnh phúc; không những chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị mà còn chăm lo cho gia đình, hậu phương Quân đội với nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc. Điều này chắc hẳn mỗi quân nhân và người thân, gia đình đều cảm nhận rõ. Tuy cuộc sống của bộ đội còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng xã hội vẫn ghi nhận tình cảm đồng chí, đồng đội, trách nhiệm của Quân đội với hậu phương, gia đình quân nhân thật sự nghĩa tình. Chính điều đó làm cho nhân dân luôn tôn trọng, tin tưởng, yêu mến bộ đội.

Tuy nhiên, hiện nay cũng phát sinh một số vấn đề bất cập ảnh hưởng tới hạnh phúc của quân nhân và gia đình mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp khắc phục hiệu quả, đó là: Bộ đội thường phải công tác xa gia đình, làm việc trong môi trường nhiều khó khăn, vất vả, rất ít được về nhà... mà thu nhập chưa tương xứng; thực tế nhiều gia đình quân nhân có mức sống thấp hơn người làm ở các ngành, nghề khác; cán bộ, sĩ quan trẻ ít có thời gian và điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu bạn gái nên thường lấy vợ muộn, thậm chí còn... khó lấy vợ; tâm lý "sợ" lấy chồng bộ đội bởi bộ đội thường phải xa nhà có xu hướng gia tăng...

Để khắc phục thực trạng trên, bên cạnh sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bằng các chế độ, chính sách hợp lý, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần sâu sát, gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; chú ý giải quyết tốt hơn những nhu cầu chính đáng của bộ đội trong phạm vi thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, cần thường xuyên động viên, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; khắc phục các biểu hiện gia trưởng, thiếu nhân văn, tinh tế trong cư xử với cấp dưới để không tạo sự căng thẳng, nhất là ở những đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu...

Được sống, làm việc trong môi trường hạnh phúc, có cuộc sống gia đình hạnh phúc sẽ tạo động lực để các quân nhân hứng khởi, say sưa cống hiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Như thế, từng đơn vị nói riêng và toàn quân nói chung sẽ thực sự vững mạnh.

VĂN CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hanh-phuc-quan-nhan-769234