Hành quân dã ngoại xây dựng 'thế trận lòng dân', rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Một năm tổ chức hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận (CTDV), thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân và cùng giúp đỡ nhân dân, các đơn vị quân đội đã giúp địa phương củng cố nhiều tổ chức chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bộ đội làm CTDV giúp dân phơi lúa.

Bộ đội làm CTDV giúp dân phơi lúa.

Trước năm 2007, trong chỉ lệnh huấn luyện hàng năm, Bộ Tổng Tham mưu có quy định và bố trí thời gian cho các đơn vị hành quân dã ngoại làm CTDV. Theo đó, thời gian với bộ đội chủ lực là một tháng, bộ đội địa phương là hai tháng. Năm 2007, khi Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi (năm 2005) có hiệu lực, thời gian phục vụ tại ngũ của binh sĩ rút xuống còn 18 tháng.

Để bảo đảm chất lượng các nội dung huấn luyện, Bộ Quốc phòng không bố trí thời gian hành quân dã ngoại làm CTDV. Các đơn vị thực hiện kết hợp huấn luyện dã ngoại, diễn tập chiến thuật với làm CTDV.

Năm 2016, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời gian phục vụ tại ngũ của binh sĩ là 24 tháng, Cục Dân vận Tổng cục Chính trị (TCCT) đã tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, TCCT khôi phục lại hình thức hành quân dã ngoại làm CTDV, nhằm giúp dân giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường mối quan hệ quân dân trong tình hình mới.

Nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ về huấn luyện sát với thực tiễn và huấn luyện gần với nhân dân, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân và cùng giúp đỡ nhân dân, ngày 28/2/2018, TCCT đã có Hướng dẫn số 303/HD-CT về hành quân dã ngoại làm CTDV trong Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ.

Bộ Tổng tham mưu (BTTM) đưa nhiệm vụ hoạt động dã ngoại làm CTDV vào chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã xác định rõ thái độ, trách nhiệm và quyết tâm vượt khó khăn gian khổ, giữ nghiêm kỷ luật, nhất là kỷ luật huấn luyện và các nội dung về phong tục, tập quán địa phương trong quá trình làm dân vận.

Một năm qua, các đơn vị đã tham gia lao động giúp dân hiệu quả với những công việc cụ thể như: Thu hoạch lúa, lao động đắp đường giao thông nội đồng; phát quang, tu sửa, vệ sinh đường giao thông liên thôn; nạo vét tuyến kênh thoát lũ liên thôn; vệ sinh, trồng cây xanh; giúp địa phương tiếp tục hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các đoàn thể chính quyền địa phương tiến hành tu sửa nghĩa trang liệt sĩ; sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách, tổ chức thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ, chiếu phim…

Tại xã Yên Thịnh - một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, 65 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Bộ binh 3, Quân khu 1 đã tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận.

Ông Ngô Văn Đúng - Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: “Chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thống nhất trong việc bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ để cho bộ đội an tâm công tác, phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể có sự phối hợp.

Đồng thời, vận động nhân dân hỗ trợ bộ đội củi đốt và các loại rau phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tạo điều kiện cho bộ đội hoàn thành tốt chương trình hành quân dã ngoại trên địa bàn xã và hỗ trợ cơ sở thực hiện chương trình vận động bà con để có nhận thức cao hơn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Nghi Công Nam là xã miền núi, thuần nông nằm ở phía Tây huyện Nghi Lộc, Hà Tĩnh. Địa hình của xã đa dạng và phức tạp, diện tích đồi núi nhiều, nguy cơ cháy rừng cao, nhất là ở khu vực rừng trên núi Đại Huệ giáp với các xã Nam Thanh, Nam Anh của huyện Nam Đàn.

Để góp phần hạn chế nguy cơ cháy rừng trên địa bàn xã, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã phối hợp với dân quân xã tiến hành phát quang cây cối, mở tuyến đường cơ động phòng chống, chữa cháy rừng dài 900m từ khu vực xóm 2 lên khu vực rừng tại Tiểu khu 968 trên đỉnh núi Đại Huệ; tổ chức phát đường băng cản lửa dài gần 2,5km, rộng 8m; góp phần ngăn chặn các đám cháy lây lan giữa địa bàn 2 huyện Nghi Lộc và Nam Đàn. Cùng với đó là nhiều hoạt động hiệu quả khác.

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện hình thức hành quân dã ngoại làm CTDV, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn có đơn vị cơ sở chưa thật sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hình thức dân vận này.

Một số cơ quan quân sự địa phương cấp huyện chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phân công địa điểm làm CTDV đối với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

Nhiều đơn vị đề cập đến những khó khăn về kinh phí để thực hiện các hoạt động trong đợt hành quân dã ngoại làm CTDV. Một số đơn vị chưa cân đối được nguồn xăng dầu bảo đảm cho việc hành quân dã ngoại tiến hành CTDV như cơ động khảo sát địa điểm, vận chuyển vật chất... đến địa bàn xa nơi đóng quân.

Sau một tháng thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại và làm CTDV tại huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 đã tổ chức được 75 giờ tuyên truyền cho 840 lượt bộ đội, 1.482 người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tổ chức đào được 6 km rãnh thoát nước hai bên lề đường liên thôn với khối lượng đất đá 1.200m3, đặt 86 tấm cống giúp nhân dân… tổ chức 1 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, 6 buổi giao lưn bóng chuyền cùng các thôn và các ban, ngành của xã… với tổng số công của cán bộ, chiến sĩ là 1.117 công, trị giá trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân đã tham gia 920 công lao động và ủng hộ 7m3 củi đun, trên 300 kg rau củ quả cho đơn vị.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/hanh-quan-da-ngoai-xay-dung-the-tran-long-dan-ren-luyen-pham-chat-bo-doi-cu-ho-448593.html