Hành tinh Đỏ có thể tồn tại sự sống

Khí metan được phát hiện trên sao Hỏa nhiều khả năng xuất phát từ các hoạt động hữu cơ trước đó.

Tàu thăm dò Curiosity của NASA trong lần đo đạc ngày 19/6 đã phát hiện một lượng đáng kể khí metan trên sao Hỏa. Ngay hôm sau, thông tin quan trọng này được chuyển về Trái Đất.

Năm 2013, chính thiết bị này cũng từng phát hiện khí metan trên sao Hỏa với mật độ đo được là 7 phần tỷ. Lượng metan lần này còn cao hơn gấp 3 lần: 21 phần tỷ.

Các chuyên gia ở NASA đã gửi những chỉ dẫn mới cho tàu thăm dò để tiếp tục quan sát, ghi nhận thêm những thông tin trên hành tinh này.

Theo Engadget, các nhà khoa học cho biết đây chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, do đó họ chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về sự sống của vi khuẩn trên hành tinh Đỏ nếu chỉ dựa vào các thông số này.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng khí metan được phát hiện trên sao Hỏa là kết quả của các phản ứng địa nhiệt không liên quan tới các sinh vật. Hoặc, nó cũng có thể là tàn dư còn sót lại từ sự sống đã tuyệt chủng trên hành tinh này hàng triệu năm trước và nay thoát ra do các vết nứt mới hình thành.

Tuy nhiên, khí metan, nếu có tồn tại trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa, sẽ rất có ý nghĩa khoa học vì ánh sáng Mặt Trời và các phản ứng hóa học sẽ phá vỡ các phân tử khí trong vòng vài thế kỷ.

Vì vậy, việc Curiosity phát hiện khí metan trên sao Hỏa đồng nghĩa với việc loại khí này chỉ vừa được phát thải gần đây và từ đó NASA có thể tìm hiểu nguồn gốc chính xác của khí này.

Tàu thăm dò sao Hỏa tiếp theo của NASA được đặt tên là Mars 2020. Sứ mệnh của tàu thăm dò này là nối tiếp sứ mệnh của tàu thăm dò Curiosity và các tàu thăm dò sao Hỏa khác của NASA nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống và lấy mẫu đá trên hành tinh Đỏ để chuẩn bị cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa vào những năm 2030.

Ngân Anh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/khoa-hoc/hanh-tinh-do-co-the-ton-tai-su-song-51967.html