Hành trình 10 năm cõng chữ lên non của cô giáo người Chăm

'Cô giáo liên môn' là cái tên thân mật mà mọi người dành cho cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân, người vừa được nhận giải thưởng 'Nhà giáo trẻ tiêu biểu' năm 2022.

Ước mơ trở thành giáo viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở làng Chăm Hữu Đức (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), ngay từ khi còn bé, cô Thạch Thị Ngọc Trân đã ấp ủ mơ ước trở thành giáo viên.

Cô tâm sự: “Các thế hệ thầy cô đi trước đã truyền cảm hứng để tôi theo đuổi nghề trồng người. Tôi yêu nghề giáo. Tôi luôn tưởng tượng ra hình ảnh mình được đứng trên bục giảng, truyền dạy những kiến thức quý giá cho các bạn nhỏ. Trở thành giáo viên không chỉ là ước mơ mà còn là khao khát mãnh liệt của tôi từ thuở nhỏ”.

Cô Thạch Thị Ngọc Trân trên giảng đường trong tiết dạy Vật lý. (Ảnh: NVCC)

Cô Thạch Thị Ngọc Trân trên giảng đường trong tiết dạy Vật lý. (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Vật lý tại Trường Đại học Cần Thơ, năm 2013, vượt qua nhiều ứng viên, cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân trúng tuyển và trở thành giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận).

“Khi biết tin trúng tuyển vào trường, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì ước mơ từ thuở bé của mình đã được trở thành hiện thực, lo vì sẽ phải công tác xa gia đình, đến một nơi khó khăn liệu mình có chịu nổi. Bố mẹ tôi cũng đắn đo, nhiều lần khuyên tôi chờ cơ hội khác hoặc làm trái ngành cho gần nhà nhưng tôi không nghe.

Tôi chuẩn bị hành trang là kiến thức, tình yêu và tuổi trẻ để đến với Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc. Lúc đó, tôi cũng mường tượng rất nhiều viễn cảnh khó khăn khiến mình chùn bước. Nhưng thật sự đặt chân đến đây rồi, tôi lại không muốn rời đi”.

Hành trình thực hiện ước mơ: Gian nan ươm trái ngọt

“Lúc mới về dạy, tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng với những khó khăn, vất vả khi công tác tại đây. Nhìn thấy học trò nơi vùng cao cắp sách đi học, tôi biến những khó khăn ấy trở thành động lực giúp mình gắn bó với học sinh hơn”, cô Trân khẳng định.

Bắc Ái là một vùng đất mưa nắng thất thường, hạn hán thường kéo dài. Dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Raglai, Churu, Cờ ho, Chăm,... Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hầu hết phụ huynh tất bật chuyện mưu sinh nên không quan tâm nhiều đến việc học của các con được, nhiều cha mẹ hoàn toàn giao việc dạy và chăm sóc học sinh cho nhà trường. Cũng nhiều người quan niệm rằng không cần học nhiều, đi làm nương mới có cái ăn, cái mặc.

Cha mẹ ít quan tâm nên nhiều em thường xuyên bỏ học. Sau mỗi đợt nghỉ lễ, nghỉ Tết dài ngày, thầy cô lại phải vượt núi, băng rừng để vận động các con đi học trở lại. Nhiều đứa trẻ đến lớp một thời gian rồi lại trốn lên nương, lên rẫy, thầy cô phải đi tìm các em, quá trình vận động cứ lặp đi lặp lại như lần đầu.

"Nhưng quãng đường bao xa chúng tôi không nề hà, mất bao nhiêu thời gian thuyết phục các em chúng tôi không quản công, bởi thầy cô chỉ quan tâm đến việc vận động được càng nhiều học sinh đến lớp càng tốt.

Là một trường dân tộc nội trú, nuôi dạy con em các dân tộc, đa số học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn. Để đến được trường, được lớp là cả sự nỗ lực của cha mẹ, thầy cô và sự hiếu học của các em. Cũng bởi là trường dân tộc nội trú, công việc của các thầy cô vất vả hơn bình thường vì phải đảm đương hai nhiệm vụ, đó là truyền thụ kiến thức và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh. Ở trường, thầy cô phải vừa là những người gieo chữ vừa là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh như chăm lo cho những đứa con của mình.

Các con đều đang ở tuổi mới lớn, lại phải xa bố mẹ là một thiệt thòi không nhỏ. Thế nên thầy cô không phải chỉ dạy kiến thức đơn thuần mà còn phải theo dõi sát sao tâm lý của các con để tư vấn, uốn nắn kịp thời. Chúng tôi nuôi dạy các con bằng tất cả sự yêu thương, trân trọng và nâng niu”, cô Trân chia sẻ.

Không chỉ khó khăn trong việc vận động học sinh đến lớp, chăm lo cho học sinh, các thầy cô ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc còn phải giảng dạy trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường.

Dù được nâng cấp lên khối trung học phổ thông từ năm 2012 nhưng trang thiết bị dạy học của nhà trường còn chưa được đầu tư đầy đủ, phòng học nhỏ, chưa đủ các phòng chức năng; phòng ở, nhà vệ sinh, các phòng nội trú đã được xây dựng từ lâu và đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó, trường cũng chưa có nhà thi đấu đa năng để phục vụ các hoạt động thể chất cho học sinh.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân chưa bao giờ nản lòng, cô vẫn luôn nỗ lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Gánh chữ lên non, truyền đạt lại những kiến thức bổ ích giúp học trò thay đổi nhận thức, động viên các em cố gắng học tập để sau này trở thành công dân có ích cho xã hội, có công ăn việc làm ổn định giúp bản thân và gia đình là điều mà cô Trân luôn trăn trở. Cô luôn tin khi các em trưởng thành, thoát nghèo bằng tri thức, các em sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của giáo dục, để rồi những thế hệ sau của các em cũng được tạo điều kiện đi học đầy đủ.

Những thành tích đáng tự hào

Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu với nghề, cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân vừa là giáo viên vững chuyên môn, vừa là Bí thư Đoàn trường gương mẫu có nhiều sáng kiến hay trong quá trình giảng dạy. Cô đoạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, các kỳ thi sáng tạo mô hình học tập. Cô cũng là chủ nhiệm của nhiều câu lạc bộ trong trường như: câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn”; câu lạc bộ “Sáng tạo xã hội”,…

Đồng thời cô cũng thường xuyên phát động và hướng dẫn học sinh thực hiện các mô hình như: trồng rau xanh, bạn giúp bạn học tốt, ... tạo môi trường lành mạnh, an toàn để học sinh sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe, phát triển năng khiếu. Cùng với đó, trong quá trình công tác cô đã mạnh dạn đóng góp ý kiến và đề xuất xây dựng phòng học STEM, hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Mô hình trồng rau xanh của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, cô còn thực hiện dự án “Vì biển sạch tương lai” gắn với Chiến dịch Hoa phượng đỏ 2021, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh trong trường về ô nhiễm biển từ hoạt động của con người.

Với tình thương dành cho học trò, cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân nhiều lần kêu gọi, huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh trong học tập và sinh hoạt như tặng máy tính bảng cho học sinh học trực tuyến; trao nhiều suất quà có giá trị để động viên các em học tập, lắp đặt một số đèn năng lượng mặt trời khu nội trú giúp các trò được học tập trong điều kiện tốt hơn.

Mới đây nhất, cô Thạch Thị Ngọc Trân xuất sắc trở thành một trong 100 "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao thưởng và tuyên dương năm 2022.

Cô Thạch Thị Ngọc Trân nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu" lần thứ III, năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Sẽ không ngừng nỗ lực

Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình sau lễ trao giải “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, cô Trân chia sẻ: “Hành trình hai ngày trong chương trình tuyên dương ở Đồng Tháp thật sự là một trải nghiệm rất ý nghĩa, một món quà lớn cho dịp 20/11 thêm trọn vẹn. Với mỗi giáo viên trẻ được tuyên dương, chúng tôi đã được gặp gỡ, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thật vinh dự khi được chọn là 1 trong 100 nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương, đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi nối dài ý chí, nghị lực và sự quyết tâm cống hiến cho nghề”.

Trong tương lai, cô giáo Thạch Thị Ngọc Trân sẽ không ngừng cố gắng trau dồi tri thức, tiếp tục hành trình gieo chữ trên non của mình bằng nhiệt huyết của một giáo viên tận tụy, bằng tình thương yêu dành cho những học sinh của mình. Nỗ lực không ngừng, chỉ mong các trò được học tập trong điều kiện tốt nhất, tiếp nhận những kiến thức mới nhất là điều mà cô luôn ấp ủ.

Hoài Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hanh-trinh-10-nam-cong-chu-len-non-cua-co-giao-nguoi-cham-post231280.gd