Hành trình bé gái đầu tiên chào đời từ tử cung người đã chết

Ngày 4/12, Tạp chí Y học Lancet của Pháp công bố thông tin về trường hợp em bé đầu tiên được chào đời nhờ phương pháp cấy ghép tử cung từ người hiến tặng đã qua đời.

Ca phẫu thuật cấy ghép tử cung từ người hiến tặng đã qua đời được thực hiện vào năm 2016 tại Brazil và em bé đầu tiên được sinh ra nhờ phương pháp này là một bé gái cất tiếng khóc chào đời vào tháng 9/2016, tại Sao Paolo.

Theo báo Vietnamplus, mẹ của bé gái này là một phụ nữ 32 tuổi, cơ thể bẩm sinh không có tử cung mặc dù có buồng trứng do một hội chứng hiếm gặp. 4 tháng trước khi thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tử cung từ người hiến tặng là một phụ nữ 45 tuổi qua đời sau cơn đột quỵ, mẹ của bé gái đã được lấy trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và kết quả có 8 phôi được bảo quản đông lạnh.

Trong bài viết trên chuyên trang y học Lancet, bác sĩ Ejzenberg (Đại học Sao Paulo) - người đứng đầu nhóm nghiên cứu và các cộng sự miêu tả lại quá trình tách tử cung từ một phụ nữ 45 tuổi, người đã chết vì vỡ mạch máu não và từng 3 lần sinh con trước đó.

Theo Tri thức trực tuyến, các bác sĩ đã phải thực hiện một cuộc phẫu thuật cấy ghép kéo dài trong 10 tiếng 30 phút để đưa tử cung được hiến tặng vào cơ thể người nhận. Một phần âm đạo của người hiến tặng được gắn vào âm đạo của người nhận, trong khi các mạch máu và dây chằng được nối lại.

Người phụ nữ 32 tuổi được tiêm ức chế miễn dịch để ngăn chặn cơ thể phản ứng từ chối cơ quan mới. Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu thường xuyên lấy mẫu sinh thiết ở cổ tử cung để kiểm tra các dấu hiệu từ chối.

Chỉ hơn một tháng sau khi cấy ghép, người phụ nữ có kinh trở lại và 7 tháng sau khi phẫu thuật, nhóm nghiên cứu đã chuyển phôi thai được thụ tinh trong ống nghiệm vào tử cung của người phụ nữ này. Việc mang thai diễn ra suôn sẻ và một bé gái ra đời bằng phương pháp sinh mổ sau hơn 35 tuần.

Ngay sau khi em bé chào đời, các bác sĩ quyết định cắt bỏ tử cung được cấy ghép khỏi người phụ nữ 32 tuổi ngay trong ca phẫu thuật sinh mổ. Bác sĩ Ejzenberg cho biết quyết định này được đưa ra vì việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài đối với người phụ nữ là rất tốn kém và nhóm của ông muốn sử dụng kinh phí để thực hiện cấy ghép cho những phụ nữ thiếu may mắn khác.

Bác sĩ Dani Ejzenberg cho biết: "Với một người hiến tạng đã chết, các rủi ro được hạn chế vì bạn không phải đối mặt với nguy cơ nào ở phía người hiến tạng, giá thành của việc cấy ghép cũng giảm đi vì bạn không phải thực hiện một cuộc phẫu thuật kéo dài với người hiến tạng".

Tuy nhiên, ông Ejzenberg cũng cho biết việc tìm được một người chịu hiến tử cung đã là rất khó khăn, chưa kể đến việc tìm ra một địa điểm thích hợp cho cho cả hai người để thực hiện ca cấy ghép.

Đây không phải là lần đầu tiên một ca cấy ghép tử cung từ người chết được thực hiện, nhưng chưa có trường hợp nào sinh sản thành công với tử cung được hiến tặng từ người chết.

Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ gặp các vấn đề về tử cung như dị tật bẩm sinh, cắt bỏ hoặc viêm nhiễm dẫn đến vô sinh là 1/500.

Do đó, phương pháp cấy ghép tử cung từ người hiến tặng đã chết được xem là thành công vượt bậc trong lĩnh vực y học, giúp nhiều phụ nữ có khiếm khuyết về cơ quan sinh sản trên toàn thế giới có cơ hội làm mẹ nhờ phương pháp này, cùng với đó giảm gánh nặng trong việc tìm kiếm người hiến tặng tử cung.

Sinh sản bằng phương pháp cấy ghép tử cung từ người sống lần đầu tiên được biết đến tại Thụy Điển vào năm 2013.

Đến nay, có 10 ca sinh được thực hiện theo phương pháp này tại Mỹ, Séc, Thổ Nhĩ Kỳ... Hạn chế của phương pháp là nguồn hiến tặng tử cung hạn chế.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hanh-trinh-be-gai-dau-tien-chao-doi-tu-tu-cung-nguoi-da-chet-a413523.html