Hành trình chống lại khủng hoảng của người từng nắm túi tiền nước Mỹ

Hồi ký 'Dám hành động' là một cái nhìn của 'người trong cuộc' về hành trình chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ đứng sau Đại Khủng hoảng về quy mô.

Ben S. Bernanke, tháng 5/2014. Nguồn: tcf.

Không chỉ thu hút những độc giả quan tâm lĩnh vực kinh tế - tài chính bởi những câu chuyện thực tế, chi tiết của người từng nắm túi tiền của nước Mỹ, cuốn hồi ký Dám hành động của tác giả Ben S. Bernanke - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - còn thu hút bởi góc nhìn của người trong cuộc về trận chiến chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ thứ nhì (xét về quy mô) sau Đại suy thoái.

Những quyết định táo bạo, không có tiền lệ

Ben S. Bernanke sinh ra trong một gia đình Do Thái và có một tuổi thơ dữ dội. Từ bé, ông đã có thể tự học toán, phân tích tài chính. Từ khi là nghiên cứu sinh của Đại học Harvard và sau đó trở thành giáo sư về suy thoái ở nhiều trường đại học, Bernanke đã đam mê nghiên cứu về cuộc đại khủng hoảng những năm 1930.

Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và giữ chức vụ này cho đến năm 2014 (qua hai đời tổng thống Mỹ George Bush và Barack Obama).

Bernanke tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (trước khi gắn bó với sự nghiệp dịch vụ công, ông là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Princeton) trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ khá yên ả: Lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp, đã vượt qua được một vài khởi phát của các cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Có cảm giác con đường phía trước vị chủ tịch mới của FED khá suôn sẻ.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng năm 2008 thị trường tài chính sụp đổ, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng, kinh tế thế giới đứng trước bờ vực đại khủng hoảng. Hàng loạt “ông lớn” như AIG, Bear Stearns, Freddie, Lehman Brothers và WaMu sụp đổ.

Trước tình hình đó, trong cương vị tổng tư lệnh kinh tế Bernanke đưa ra những quyết định táo bạo, không có tiền lệ, gây đầy tranh cãi: Lần đầu tiên trong lịch sử kéo lãi suất đồng đôla về con số 0.

Tiếp đó ông dùng hàng nghìn tỷ đôla tiền thuế của dân để bơm và cứu hàng loạt ngân hàng, các định chế tài chính, các doanh nghiệp đang thoi thóp chờ ngày báo tử. Bên cạnh đó FED đã cho hàng loạt quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, ngân hàng đầu tư, các hãng xe lớn… vay tiền và mua lại trái phiếu địa ốc, cổ phiếu của doanh nghiệp để tạo tính thanh khoản cho thị trường. Nhờ thế mà kinh tế Mỹ đã tránh được một thảm họa tương tự như đại suy thoái những năm 1930 và có dấu hiệu phục hồi ngay trong năm 2009.

Bơm vài nghìn tỷ vào nền kinh tế, không cần sự cho phép của tổng thống hay quốc hội, Bernanke thực thi quyền lực chưa từng có khi gạt bỏ tiến trình dân chủ, với lập luận thời đại tuyệt vọng cần những giải pháp tuyệt vọng. Chính nhờ điều này mà Time bình chọn Ben Bernanke là Nhân vật của năm (Person of the Year). Không dừng lại ở đó, ông còn nhận được giải Nobel Kinh tế 2022 vì những đóng góp cho việc hiểu về khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Sách Dám hành động. Ảnh: M.C.

Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai

Qua cuốn hồi ký Dám hành động của Ben S. Bernanke độc giả thấy rõ hành trình thách thức mà tại đó, ông đã dẫn dắt FED - và cùng các đồng nghiệp trong Bộ Tài chính Mỹ ổn định thành công một hệ thống tài chính.

Cuốn sách được chia thành được 3 phần với 23 chương. Phần 1 bắt đầu bằng những hồi ức về “tuổi thơ không dữ dội” của cậu bé Bernanke và con đường dẫn tới ghế chủ tịch FED và những dấu hiệu của cơn bão tài chính sắp đổ bộ vào nước Mỹ.

Sau phần 1 thiên về hồi ức cá nhân, Bernanke đã tập trung mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 với những bi kịch liên quan các tập đoàn quá lớn để sụp đổ như Lehman Brothers, AIG, Goldman Sachs, Morgan Stanley…

Tác giả cũng phân tích cặn kẽ bối cảnh ra đời và bài học kinh nghiệm của các giải pháp đối phó khủng hoảng, như nới lỏng tín dụng (tương đương thuật ngữ “nới lỏng định lượng” phổ biến hồi đó), thiết lập hệ thống tài chính mới, điều chỉnh lãi suất, thu mua chứng khoán quy mô lớn, vực dậy thị trường bất động sản…

Như tựa đề của cuốn sách, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng, Bernanke và các đồng nghiệp của mình đã lựa chọn hành động (khác với trạng thái thụ động của FED và các ngân hàng trong cuộc đại suy thoái hồi đầu thập niên 1930, trong bối cảnh lạm phát sâu, sụp đổ tài chính và dẫn đến phá sản).

Trong cuốn sách, Bernanke đã viết: “Khi tình hình nền kinh tế Mỹ đòi hỏi một kế hoạch ứng phó kịp thời và sáng tạo, họ [chỉ các đồng nghiệp của tác giả tại FED] đã thu hết can đảm để làm mọi điều cần thiết, mặc cho phải đối diện với những sự lên án, chỉ trích gay gắt. Đồng hành với chúng tôi trong cuộc chiến này là Chính phủ - nhất là các nhân viên thuộc Bộ Tài chính dưới hai đời tổng thống…”.

Với sự sáng tạo và quyết đoán, Bernanke cùng các đồng nghiệp đã ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế ở quy mô không tưởng, giúp ổn định hệ thống tài chính đang lên, ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế kiểu domino toàn cầu, vực dậy nền kinh tế Mỹ, trở thành mô hình cho nhiều quốc gia khác.

Tóm lại, qua những nội dung mà cuốn sách trình bày, có thể nói Dám hành động chính là sự đúc kết kinh nghiệm của về hành trình chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ đứng sau Đại Khủng hoảng về quy mô.

Như thông điệp “Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai” (cũng chính là lời tựa), cuốn sách là một tư liệu tham khảo cho các nhà quản lý kinh tế - tài chính của Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-chong-lai-khung-hoang-cua-nguoi-tung-nam-tui-tien-nuoc-my-post1435376.html