Hành trình đem giá trị hàng đầu của New Zealand đến Việt Nam

Khái niệm kinh doanh bền vững là mối quan tâm hàng đầu tại New Zealand. Thương hiệu ecostore cũng không nằm ngoài xu hướng này khi luôn tạo ra sản phẩm vì môi trường và sức khỏe.

Sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của ecostore tại Việt Nam có sự hiện diện của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ 14/11 đến 17/11.

“Thương hiệu ecostore phản ánh những giá trị mà rất nhiều doanh nghiệp New Zealand đang làm việc chăm chỉ để hướng tới”, bà Ardern nói. Theo nữ Thủ tướng, các doanh nghiệp này không muốn chỉ đứng đầu thế giới, mà muốn mang đến những gì tốt nhất cho thế giới.

 Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và CEO ecostore Pablo Kraus trong sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của ecostore tại Việt Nam sáng 16/11.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và CEO ecostore Pablo Kraus trong sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của ecostore tại Việt Nam sáng 16/11.

Từ ngôi làng nhỏ đến doanh nghiệp vươn tầm thế giới

Môi trường, sức khỏe và hiệu quả - đó là ba điểm nhấn mà CEO Pablo Kraus luôn nêu bật lên khi nói về sản phẩm của ecostore. Trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, thương hiệu có gần 30 năm hoạt động ở New Zealand và nhiều quốc gia khác. Câu chuyện thay đổi lối sống xanh của người dùng bắt nguồn từ ngôi làng nhỏ nằm sâu trong thung lũng vùng Northland.

Vợ chồng Malcolm và Melanie Rands là hai nhà sáng lập đầu tiên của ecostore. Theo ông Kraus, nguồn cảm hứng để họ thành lập công ty xuất phát từ khoảng thời gian sinh sống tại ngôi làng sinh thái trong thung lũng này - nơi cư dân nỗ lực giảm thiểu tác động của con người tới môi trường nhiều nhất có thể.

“Khi ấy, họ đứng trong vườn và nhìn thấy dòng nước chảy ra từ căn nhà của mình. Họ nhận thấy chất thải, hóa chất từ các sản phẩm giặt ủi ngấm vào đất sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. Đó chính là nguồn cảm hứng giúp ecostore tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường”, vị giám đốc kể lại.

Giám đốc điều hành ecostore Pablo Kraus tại sự kiện khai trương.

Tiếp nối ý nguyện của nhà Rands, sau khi trở thành lãnh đạo công ty vào năm 2013, ông Kraus dẫn dắt ecostore hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu an toàn và bảo vệ thiên nhiên.

Ông cho biết giá trị cốt lõi của ecostore là nỗ lực tạo ra những sản phẩm có giá trị và biến thế giới thành nơi an toàn hơn.

Vị giám đốc nhìn nhận ecostore không chỉ là một nhãn hàng vì môi trường, mà còn hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người dùng và luôn hướng đến giá trị gia đình.

Ngoài ra, vị CEO cho biết ecostore muốn hướng đến các gia đình như nhóm khách hàng mục tiêu chính. “Việt Nam có nhiều gia đình đa thế hệ chung sống. Con cháu sống cùng ông bà và mọi người hướng về gia đình. Đây cũng là điều khiến tôi rất yêu mến Việt Nam. Khi đến độ tuổi 20-24, thế hệ trẻ bắt đầu chuyển ra ngoài. Họ là những người lắng nghe và thấu hiểu yêu cầu bảo vệ thế giới”, ông chia sẻ.

Thương hiệu ecostore được thành lập dựa trên việc xây dựng các sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe người dùng.

Một lần nữa, vị CEO khẳng định điểm độc nhất trên thị trường của ecostore là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình tại New Zealand và muốn mang đến những sản phẩm tốt cho môi trường và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng.

“Việt Nam là thị trường thực sự thú vị”

Ông Kraus cho rằng Việt Nam là thị trường có tầm ảnh hưởng và tiềm năng phát triển các sản phẩm bền vững rất lớn, bởi ưu thế về số lượng người trẻ và tầng lớp lao động có tri thức cao, những người có thể tác động tới thế giới trong việc hình thành cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn.

“Mọi người ngày càng quan tâm đến việc làm những điều tốt hơn cho môi trường. Do đó, tiềm năng và sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được ở Việt Nam rất lớn. Tôi rất hào hứng khi thế giới mở cửa, chúng tôi có thể giúp nâng cao nhận thức không chỉ về tính bền vững mà còn về New Zealand và các sản phẩm chất lượng”, ông nói.

“Giữa lợi nhuận và tính bền vững, sẽ không có sự phát triển dài hạn nếu thiếu cái còn lại”.

CEO ecostore Pablo Kraus

Theo ông Kraus, người Việt Nam có thể bắt đầu quan tâm và bảo vệ thế giới, giống như cách người New Zealand gần gũi với thiên nhiên và quan tâm những gì diễn ra xung quanh, ảnh hưởng của rác thải và những thứ tương tự. Vị giám đốc nói: “Tính bền vững luôn là điều được quan tâm hàng đầu ở New Zealand, bất kể với ai hay ngành nghề nào. Giữa lợi nhuận và tính bền vững, một doanh nghiệp sẽ không thể phát triển dài hạn và vươn ra thế giới nếu thiếu một trong hai yếu tố”.

Qua đây, ông Kraus khẳng định ecostore mong muốn đem các sản phẩm mới xanh hơn đến thị trường Việt Nam.

Chia sẻ với Zing News về chiến lược triển khai kinh doanh tại Việt Nam, CEO Pablo Kraus cho biết việc đầu tiên là mở cửa hàng để nâng cao nhận thức, giới thiệu với mọi người về ecostore. “Sau đó, công ty dự định thu hút ngày càng nhiều nhà bán lẻ để tiếp cận những nơi người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm của chúng tôi”, ông nói.

Ngoài ra, ecostore đảm bảo sử dụng ít nhựa hơn, tái sử dụng bao bì và xử lý chất thải: “Chúng tôi đã sử dụng bao bì nhựa từ bã mía để thay thế nhựa thông thường, hướng đến tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn tốt, không gây ảnh hưởng ở dạng chất thải”.

Thương hiệu ecostore sử dụng bao bì nhựa từ bã mía để thay thế nhựa thông thường trong các sản phẩm.

Cũng trong sự kiện, CEO ecostore cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng thiết lập nhiều trạm refill - tái sử dụng các chai lọ đã qua sử dụng để mua chất tẩy rửa ecostore nhằm giảm số lượng bao bì và nhựa thải ra môi trường.

“Chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hoạt động refill. Công ty hiện có hơn 200 trạm refill khắp thế giới, trong đó 100 trạm ở New Zealand. Xu hướng này đang thực sự được đón nhận và sẽ thu hút các nhà bán lẻ tại Việt Nam tham gia”, vị CEO cho biết.

Mang sứ mệnh tốt đẹp song khi bước chân vào thị trường mới, ecostore cũng gặp phải một số thách thức trong việc thấu hiểu người tiêu dùng địa phương và xem xét đối thủ cạnh tranh.

Điều chúng tôi đặt lên hàng đầu là chăm sóc cho thế hệ tương lai, biến thế giới thành nơi an toàn hơn.

CEO ecostore Pablo Kraus

“Khi bước vào siêu thị và chứng kiến nhiều mặt hàng chứa hóa chất không tốt, tôi cảm thấy thực sự khó khăn để đặt sản phẩm thân thiện với môi trường vào đây”, ông nhớ lại, “Do đó, cần phải làm cho người tiêu dùng hiểu về những sản phẩm thân thiện với môi trường, giải thích tại sao họ nên mua sản phẩm này”.

Nhắc riêng tới Việt Nam, ông Kraus cho biết ecostore gia nhập thị trường vào lúc dịch Covid-19 bùng phát. “Chúng tôi đã rất hào hứng. Nhưng Covid-19 xuất hiện khiến chúng tôi gặp khó khăn giống nhiều doanh nghiệp khác. Chúng tôi không thể kiếm được nguyên liệu thô hay vận chuyển sản phẩm”, vị giám đốc nói.

“18 tháng qua, thách thức lớn nhất là chi phí sản xuất tăng cao. Lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng suy tính lựa chọn những sản phẩm hợp túi tiền hơn. Sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tuyệt vời, đi kèm với đó là chi phí sản xuất và giá có phần đắt đỏ hơn”, ông nói thêm.

Phương Ngọc Hải Vân - Quỳnh Danh

Sơn Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-dem-gia-tri-hang-dau-cua-new-zealand-den-viet-nam-post1376585.html