Hành trình gieo chữ của cô giáo thành thị 20 năm cắm bản

Mặc dù chồng, con ở thành phố, nhưng nữ giáo viên vẫn tình nguyện 'cắm chốt' với ngôi trường vùng biên giới khó khăn. Gần 20 năm, người nữ giáo viên ấy vẫn không muốn rời các em học trò ở vùng cao.

18 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) vẫn kiên trì bỏ phố lên rừng “cắm bản”, gieo chữ cho các em học sinh vùng cao, biên giới. Cô giáo Nguyễn Thị Cúc hiện đang là giáo viên Trường THCS Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa.

Hiện nay, gia đình cô giáo Cúc đang sống ở thành phố Thanh Hóa. 16 năm về trước, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Hồng Đức, cô nữ sinh ấy làm đơn xin công tác tại trường THCS xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa.

Ngày ấy, quãng đường từ TP.Thanh Hóa tới địa điểm Cúc nhận công tác vô cùng khó khăn, vất vả. Để di chuyển tới nơi công tác (chừng 160km), Cúc phải mất cả ngày đi đường. Những ngày đầu tiên xa gia đình, xa thành phố lên với học trò vùng cao, đã có nhiều lúc Cúc cảm thấy như không thể chịu đựng được nỗi nhớ nhà, nhớ cha, mẹ và người thân bạn bè.

Cúc kể: “Ngày ấy, khi em lên Trường THCS Nam Xuân nhận việc xong, mấy đêm đầu tiên, em đã không thể chợp mắt. Bởi lẽ, lúc bấy giờ ở trường em không có điện sáng, không sóng điện thoại, không ti vi… chỉ duy nhất có ánh đèn dầu leo lét khi màn đêm buông xuống. Hồi ấy, em khóc suốt. Phải mất gần 2 tháng sau mới quen dần”.

Giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Cúc. Ảnh: Hồng Đức

Kết thúc năm học 2000 - 2001, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Cúc “bén duyên” với bác sỹ Trịnh Văn Trường (cũng là người xuôi) lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ấy dù có nhiều khó khăn nhưng rất hạnh phúc.

Sang năm học 2002 - 2003, Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa điều động Cúc công tác tại trường liên xã THCS thị trấn Quan Hóa. Cũng trong năm 2003, cô giáo Cúc và bác sỹ Trường đón đứa con trai đầu lòng. Đến năm 2009, bác sỹ Trường được chuyển về xuôi nhận công tác tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Cũng trong năm ấy, cô giáo Cúc sinh thêm một bé trai thứ hai.

Ngày sinh hạ con trai thứ hai, cũng là thời điểm vợ chồng Cúc phải đón nhận nỗi buồn vì con mới sinh đã bị dị tật.

Nhắc tới chuyện này, Cúc không cầm nổi nước mắt: “Bác sỹ bảo rằng, con trai em cần vài lần phẫu thuật về mắt, miệng, lưỡi và đường ruột nữa, may ra mới tạm ổn. Cũng may trước đây, trong những lần phẫu thuật, con trai em được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện giúp đỡ ít nhiều kinh phí. Cũng do cháu ốm yếu quá, lại rất hay bị ngất xỉu, nếu không cấp cứu kịp sẽ nguy hiểm cho tính mạng”.

Cô giáo Cúc và những học trò thân yêu của mình. Ảnh: Hồng Đức

Năm 2012, do tình hình thiếu giáo viên của huyện, cô giáo Cúc xung phong xin chuyển công tác lên trường THCS Hiền Kiệt. Đây là một ngôi trường giáp biên của huyện Quan Hóa, có điều kiện thuộc diện khó khăn nhất nhì của huyện. Năm 2015, cấp trên có quyết định chuyển cô về Trường Dân tộc nội trú huyện, nhưng tình yêu dành cho mảnh đất vùng biên đã níu chân cô lại.

Tiếp xúc với Cúc, chúng tôi thấy rằng dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng không làm cô giáo này tắt nụ cười và những đam mê trong cuộc sống. Cô đã dành tình thương yêu cho những học trò nhỏ của mình, luôn coi học trò nghèo ở nơi biên cương xa xôi ấy như những đứa con của mình.

Lúc chia tay với chúng tôi, Cúc bảo rằng: “Em chỉ cầu mong con trai của mình được phẫu thuật, chữa trị cho lành bệnh, để em toàn tâm, toàn ý dành sức lực và khả năng của mình cống hiến cho cái nghề mà mình đã chọn thôi, anh ạ!”.

Hồng Đức

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/hanh-trinh-gieo-chu-cua-co-giao-thanh-thi-20-nam-cam-ban-823990.html