Hành trình hạt gạo Việt Nam

Gạo mang thương hiệu Việt Nam không chỉ có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn được vinh danh 'Gạo ngon nhất thế giới'. Đó là hành trình dài đầy thử thách và cũng rất đỗi tự hào....

"Ông ăn cơm chưa?",“Bác ăn cơm chưa?”, "Bạn ăn cơm chưa?". Đó là lời thăm hỏi chân tình mà người Việt Nam vẫn dành cho nhau mỗi ngày. Câu nói không đơn thuần để chào xã giao mà còn là nét văn hóa của người dân khi cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn tiếng nói, hòa quyện với đời sống, tinh thần của mỗi người. Lúa gạo nuôi dân tộc Việt Nam lớn lên, từ thuở khai hoang lập ấp đến đánh giặc giữ nước và xây dựng quê hương.

Qua bao khúc gập ghềnh và gian khó, hạt gạo nhỏ bé của làng quê giờ đây đã vươn ra thế giới. Gạo mang thương hiệu Việt Nam không chỉ có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn được vinh danh "Gạo ngon nhất thế giới". Đó là hành trình dài đầy thử thách và cũng rất đỗi tự hào.

Niềm vui trên những cánh đồng lúa vàng bội thu. Ảnh: HIỀN THANH

1. Trong tâm thức của người Việt Nam vẫn nhớ mùa giáp hạt và nạn đói kinh hoàng năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền mới, nhà nước non trẻ phải đối diện với những “kẻ thù” là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Tại phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó theo Người, quan trọng nhất là phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hạt gạo thực sự quý giá như hạt ngọc.

Ngược dòng quá khứ để thấy rằng, từ những ngày lịch sử không thể nào quên, hạt gạo Việt bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường khi cùng đất nước đi qua những năm tháng vô vàn khó khăn, giờ tiếp tục đồng hành trong hành trình hội nhập mạnh mẽ.

Dấu ấn trong hành trình vươn mình của hạt gạo phải kể đến cột mốc lịch sử ngày 23-8-1989. Trong ký ức của nhiều nhà nông và công nhân bốc xếp ở cảng Sài Gòn, thời điểm đó, khi nhận lệnh bốc gạo xuống tàu để xuất khẩu, họ còn nghĩ mình nghe nhầm. Chuyến hàng đầu tiên lên tới 10.000 tấn, gạo 35% tấm với giá 235USD/tấn xuất sang Ấn Độ, đánh dấu sự khởi đầu hành trình của gạo Việt Nam liên tục suốt mấy thập kỷ không ngừng phát triển. Chỉ trong hơn 4 tháng cuối năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 322 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân 226USD/tấn. Năm 1999, gạo Việt Nam đánh dấu một cột mốc lịch sử mới bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỷ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227USD/tấn. Việt Nam chính thức trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.

2. Từ những hũ gạo cứu đói đậm nghĩa tình được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong những ngày đất nước còn gian khó, đến nay, hạt gạo Việt Nam đã viết tiếp bản hùng ca, tự tin xưng danh trên thị trường quốc tế. Gạo Việt Nam đóng góp không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Không chỉ là cường quốc về số lượng gạo xuất khẩu mà năm 2019 và 2023, gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ đến từ 10 quốc gia và 30 mẫu gạo gửi dự thi để được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Nhờ có “danh”, các doanh nghiệp thêm tự tin đầu tư mạnh vào việc lập “tiếng”-xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, xóa bỏ lời nguyền “vô danh” cho “hạt ngọc” Việt Nam.

Và ngày 30-6-2022, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe với hơn 600 chỉ tiêu, gạo Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình vào thẳng Nhật Bản-thị trường khó tính nhất thế giới. Tiếp đến, tháng 9-2022, sản phẩm gạo với thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc của Pháp. Càng vui hơn khi “bữa trưa đặc biệt” trong Văn phòng Nội các Nhật Bản được chế biến bởi gạo ST25 đến từ Việt Nam mang thương hiệu A An. Gạo Việt Nam đi xa mang niềm vui cho người thưởng thức và cũng là niềm hạnh phúc của những người nông dân làm ra nó.

Niềm vui trên những cánh đồng lúa vàng bội thu. Ảnh: HIỀN THANH

3. Đất mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người đã gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Trong một hành trình mới để chinh phục thị trường, trước xu thế tiêu dùng an toàn, gạo Việt Nam không chỉ ngon mà còn mang một thông điệp “lúa xanh, sống lành”.

Thông điệp đó được đánh dấu bởi Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-11-2023. Đề án là nền tảng cho bước phát triển tiếp theo của ngành lúa gạo Việt Nam khi ở đó, con nước xuống lên, độ phì của đất được thấu hiểu và trân trọng; giá trị truyền thống thuận tự nhiên tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối; mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến và ở đó, sự phát triển bền vững của đất nước gắn liền với người trồng lúa.

Có thể khẳng định, suốt hành trình dài bền bỉ trên nền tảng cơ đồ, vị thế được cha ông để lại qua mấy nghìn năm lịch sử, hạt gạo Việt Nam không đơn thuần là sản phẩm lương thực mà chứa đựng văn hóa, biểu tượng tinh thần, khí phách người Việt Nam. Người làm ra lúa gạo đã vượt qua những cơn lũ lớn, những trận hạn mặn lịch sử, di chứng của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cả đối mặt trước nhân tai khi con người chạy theo lợi ích kinh tế, làm trái quy luật tự nhiên. Ngành lúa gạo nước ta đã có bước chuyển từ dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, nông nghiệp truyền thống sang kinh tế tri thức. Bước vào thời kỳ mới với khí thế mới, sức mạnh mới, lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững và đầy trách nhiệm, thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chung tay với thế giới bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hanh-trinh-hat-gao-viet-nam-762653