Hành trình 'hồi sinh' của chàng thủ môn Việt kiều

VH- Ngày Văn Lâm viết thư xin gia nhập U23 Việt Nam, lúc đó anh 22 tuổi và dường như không còn một chút liên hệ nào với bóng đá đỉnh cao. Hành trình của Văn Lâm là câu chuyện cổ tích của một cậu bé đá bóng phong trào trở thành tuyển thủ quốc gia, của một người con xa quê luôn khát khao được quay về với đất mẹ, được đặt tay lên ngực áo và tự hào thổn thức từng lời 'Tiến quân ca'.

“Bố mẹ đã sắp xếp cho tôi học kế toán”

Lúc ấy là năm 2015, thời điểm U23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura đang chuẩn bị cho SEA Games trên đất Singapore. Văn Lâm năm ấy 22 tuổi. Trải qua 4 năm thất bại với bóng đá Việt Nam, Văn Lâm trở về quê nhà. Từ chàng trai nhiệt huyết rời Moskva năm 19 tuổi, anh trở về nước Nga, tâm hồn đầy thương tích - dấu ấn của những thất bại liên tiếp ở Việt Nam và HAGL nói riêng.

Những năm đầu tiên ở quê cha là hành trình không dễ dàng với Văn Lâm. Như rất nhiều cầu thủ Việt kiều khác, anh trở về quê hương sau kỳ tích AFF Cup 2008, sau những tuyên bố về một nền bóng đá cởi mở với những cầu thủ mang nửa dòng máu Việt từ phía Liên đoàn.

Nhưng cũng như những người đi trước, Văn Lâm gặp phải muôn vàn khó khăn. Bản hợp đồng thử việc ở HAGL tại V.League 2011 không mang tới cho Lâm nhiều niềm vui. Nhiều người nói rằng anh bị HLV Nguyễn Quốc Tuấn (trợ lý thủ môn HAGL khi đó) trù dập lên xuống. Sau đấy không lâu, Văn Lâm phải chuyển sang khoác áo Hoàng Anh Attapeu tại Lào. Dấu ấn lớn nhất của Lâm trong giai đoạn này là thời gian ngắn khoác áo U19 Việt Nam.

Đến năm 2014, anh buộc phải trở về Nga. Ở tuổi 22, bố mẹ quyết định tìm cho Văn Lâm một công việc. Họ đã cho anh rất nhiều thời gian theo đuổi đam mê. Nhưng bây giờ, Lâm đã là người đàn ông. Anh đăng ký theo học một lớp kế toán, tiếp tục chơi bóng cho vài đội phong trào nhỏ ở địa phương.

Cuộc sống bình lặng có lẽ sẽ đến với Văn Lâm nếu như anh chịu từ bỏ. Nhưng tên Văn Lâm trong tiếng Nga có một chữ “ Lev”. Chữ “Lev” ấy là tên của Yashin - thủ thành huyền thoại của Liên Xô và thế giới, chữ cái ấy giống như đã ăn vào số phận của Lâm, nó chứa đựng niềm khát khao giấu kín của bà Jukova Olga dành cho con trai.

Và rồi, điều gì phải đến đã đến.

Trở về Việt Nam

Văn Lâm đương nhiên không được gọi vào U23 Việt Nam. Nhưng bức tâm thư đầy xúc động của chàng trai khi ấy còn chưa nói sõi tiếng Việt đã lan truyền tới tay rất nhiều người. Chủ tịch Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng - thông qua vài mối quan hệ trong làng báo, đã trao cho Văn Lâm một món quà sẽ thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Văn Lâm trở về Hải Phòng, bắt đầu thử việc từ mùa giải V.League 2015.

Phần còn lại về Lâm đã trở nên quá nổi tiếng. Chàng trai sinh năm 1993 nhanh chóng có suất bắt chính ở Hải Phòng vào giữa mùa giải 2016 trước khi cùng đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup vào cuối năm. Đến năm 2017, anh đã bắt chính ở tuyển Việt Nam trước khi trở thành thủ môn số một V.League vào năm 2018.

Số phận lẽ ra đã mỉm cười với Văn Lâm nếu không có vụ xô xát đáng tiếc với trợ lý Lê Sỹ Mạnh hồi cuối năm ngoái.

Sự thật trong câu chuyện ấy không bao giờ được tiết lộ. Nhưng chút thông tin ít ỏi về nó đủ để hé lộ cho chúng ta thấy một sự thật: sự thật về những bóng tối đang lẩn khuất trong làng bóng đá Việt.

Bê bối với Sỹ Mạnh khiến Văn Lâm rơi xuống vực sâu khi anh đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp. Từ vị trí đá chính ở Hải Phòng, Văn Lâm không được thi đấu suốt nửa năm kế tiếp. Đang ở tuổi 24 đẹp thần tiên, anh dính chấn thương nghiêm trọng hơn 4 tháng. Từ một tuyển thủ quốc gia, anh bị đe dọa kỷ luật và có thể phải rời CLB. Nếu không có nghị lực phi thường và sự giúp đỡ của bè bạn, Văn Lâm khó lòng trở lại.

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn là một trong những người đã giang tay giúp đỡ Văn Lâm. Ông Tuấn đưa anh về Liên đoàn ở tạm, cho anh được tập luyện và ăn nghỉ tại trung tâm đầu não của bóng đá Việt Nam. Nếu không có cái tình của ông Tuấn, Văn Lâm có lẽ không biết đi về đâu.

2 năm kể từ ngày bắt chính trận đầu tiên ở V.League, Văn Lâm giờ đã là thủ môn hay nhất giải đấu, lựa chọn số một ở đội tuyển Việt Nam.

Anh đã thỏa mãn với điều đó chưa? Chắc là chưa. Vì người ta vẫn thấy Lâm tập luyện như điên.

Trong các thủ môn Việt Nam, Văn Lâm là người chịu khó “tầm sư học đạo” nhất. Anh từng đi taxi mỗi ngày từ Hải Phòng về Hưng Yên xin được tập cùng với cựu tuyển thủ xứ Wales Jason Brown, từng tự bỏ tiền túi thuê chuyên gia thể lực Jam Ashrapov về huấn luyện riêng. Hồi đầu năm, Văn Lâm cũng lặn lội tới PVF xin tập cùng chuyên gia Nick Daves.

Giới cầu thủ thường có những thú vui riêng. Có người nghiện cờ bạc, kẻ khác nghiện gái gú, kẻ khác nữa thích rượu bia. Văn Lâm cũng nghiện. Anh nghiện tập luyện. Mỗi ngày, cầu thủ này dành tới 6, 7 tiếng cho việc tập luyện. Anh tập sáng một mình, tập chiều với CLB, tối lại đi tập. Anh tập như trâu, cắn răng mà tập, ngừng ăn đồ ngọt, nói không với mọi loại bia rượu.

Trong đầu Lâm luôn chỉ có một thứ hiện lên đầy ám ảnh: lá cờ tuyển Việt Nam. Anh bảo mình về Việt Nam vì mơ được khoác áo đội tuyển và sẽ hy sinh mọi thứ cho giấc mơ ấy.

Như hôm qua, như hôm nay và sẽ mãi cho đến sau này.

MINH CHIẾN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/th%E1%BB%83-thao/hanh-trinh-hoi-sinh-cua-chang-thu-mon-viet-kieu