Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm...

Ngày 7/6, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Tọa đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ đề 'Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm'.

Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chính thức phát động từ ngày 13/11/2021 tại Hà Nội.

Sau 3 năm, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 Tọa đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ đề "Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm". Ảnh: Quang Vinh

Tọa đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ đề "Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm". Ảnh: Quang Vinh

Cổ vũ những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Sự phối hợp trong công tác tổ chức Giải giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao Giải thưởng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức cho rằng, để thực hiện các đề tài điều tra độc lập thì các phóng viên phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.

Để thực hiện các đề tài điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ từ phóng viên, nhóm phóng viên, ý chí của ban biên tập, thậm chí ý chí của cơ quan chủ quản, Ban biên tập. Nếu không có những sự quyết tâm này có thể các đề tài sẽ bị dừng lại ngày từ trong "trứng nước".

Vai trò của cá nhân nhà báo là cốt lõi

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Với chủ đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bản thân tôi đã từng tham gia nhiều năm, nhưng gần đây, chưa bao giờ tôi thấy không khí báo chí muốn tìm giải pháp, lối ra cho vấn đề tiêu cực trong xã hội lại mạnh mẽ như bây giờ.

Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức giải cho rằng, Hội nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị nghề nghiệp luôn có một sứ mệnh lớn là bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo. Quyền tác nghiệp hợp pháp là cụm từ mà bất kỳ nhà báo khi tham gia vào hoạt động nghiệp vụ của mình cần phải nhớ.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh.

Cái khó nhất với báo chí phòng chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng: “Tôi đang hành nghề hợp pháp”. Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo. Mỗi nhà báo khi hành nghề cần biết chúng ta được quyền hành nghề nhưng những cơ sở chính trị pháp lí của việc hành nghề ấy thì như nào?

Thứ hai, chúng ta luôn đối mặt với câu chuyện về bối cảnh hành nghề ấy sẽ cho chúng ta điều kiện tác nghiệp hợp pháp hay không.

Tôi vẫn nói nghề báo là nghề làm sao để người ta thấy mình tử tế nhất và khi bất cứ lúc nào chúng ta rơi vào tình thế cần sự trợ giúp thì có những người vì yêu quý mình sẽ hỗ trợ mình. Tất nhiên trong số những người đó luôn luôn có lực lượng chức năng, Hội Nhà báo Việt Nam ở tất cả các cấp.

Tôi nghĩ rằng, vai trò của cá nhân nhà báo là cốt lõi, bởi không ai có thể cứu mình bằng chính mình và điều đó đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, sự tử tế. Nên một nhà báo đấu tranh phòng chống tham nhũng đừng nghĩ kỹ năng nghề là số một mà cái tâm cái đức mới là số một. Tự tâm đức của mình tạo ra sự lan tỏa kết nối, sự ủng hộ, che chở. Và mục tiêu cuối cùng của những loạt bài điều tra là vì đất nước, những người dân, vì xã hội phát triển bền vững, vì những gì gần gũi với tất cả chúng ta.

Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tại buổi Tọa đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ đề "Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm". Ảnh: Quang Vinh

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong rằng từ nay đến thời hạn cuối nhận bài dự thi - ngày 31/8/2023 các cơ quan phối hợp cũng như các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên tiếp tục lan tỏa nội dung, thông điệp về việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 với mong muốn mùa Giải lần thứ tư này sẽ được nâng lên về số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí so với 3 mùa Giải trước.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hanh-trinh-khong-ngung-nghi-khong-vung-cam-post250819.html