Hành trình làm lại cuộc đời của một doanh nhân từng nghiện ma túy

Từng chìm đắm trong sự cám dỗ của nàng tiên nâu, tưởng chừng không có lối thoát, nhưng anh Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã bước ra khỏi vũng bùn làm lại cuộc đời một cách kỳ diệu. Từng đâm thuê, chém mướn, cướp giật…để có tiền chích ma túy, nhưng giờ đây vị doanh nhân với quá khứ bất hảo đó đã và đang giang tay giúp đỡ nhiều cuộc đời từng như anh.

6 năm trượt dài trên con đường ma túy

Lê Trung Tuấn (SN 1977) là Chủ tịch Hội đồng quản lý và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD. Năm 2016, anh trở thành thành viên sáng lập Liên Hiệp Các Tổ chức Điều Trị Nghiện Thế giới ICARO với 48 quốc gia thành viên. Lê Trung Tuấn là nhà nghiên cứu khoa học, được trao tặng bằng tiến sỹ và xác nhận kỷ lục thế giới.

Anh Lê Trung Tuấn Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD).

Anh Lê Trung Tuấn Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD).

Người từng nghiện ma túy đầu tiên trên thế giới bảo vệ thành công để tài nghiên cứu khoa học: Chống tái nghiện ma túy bằng trị liệu tâm lý… Đây là những lời giới thiệu đáng kinh ngạc về Lê Trung Tuấn trên những trang tìm kiếm lớn nhất mà bất cứ ai cũng có thể đọc được ở thời điểm hiện tại. Nhưng không mấy ai biết để có được những thành công như ngày hôm nay, người doanh nhân, nhà nghiên cứu khoa học đó đã phải trải qua một quá khứ đầy rẫy những lỗi lầm.

Khác với nhiều người muốn che giấu đi những điều đáng xấu hổ trong quá khứ, Lê Trung Tuấn thì ngược lại, với anh những bài học trong quá khứ là lời nhắc nhở để anh sống ý nghĩa và phấn đấu hơn cho hiện tại và tương lai. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng và gia giáo ở thị trấn Hòa Mạc (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Bố anh là bộ đội giải ngũ, mẹ là bác sĩ, từng là chủ nhiệm khoa sản bệnh viện Duy Tiên (Hà Nam). Do gia đình vất vả trong chuyện con cái nên Lê Trung Tuấn là cậu bé mà được cả gia đình mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng. Từ nhỏ, Tuấn là một cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và là niềm tin yêu của cả gia đình.

Tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh (nay là trường Đại học Tài chính). Lần đầu tiên xa rời vòng tay của bố mẹ, không ai quản lý và kèm cặp nên Tuấn đã giao du với đám bạn xấu rồi vướng vào ma túy. Ban đầu cũng chỉ là do lời mời của bạn bè, rủ rê thử cho vui, nhưng sau đó thứ ma túy chết người ngày càng ăn sâu vào từng mạch máu khiến anh không dứt ra được. Cũng bởi vì nghiện ma túy mà anh bị nhà trường đuổi học giữa chừng.

Ban đầu, Lê Trung Tuấn còn giấu giếm gia đình nhưng rồi khi số tiền được bố mẹ chu cấp không còn đủ cho những cơn nghiện, anh nhiều lần về nhà mang đi những thứ có giá trị của gia đình để nướng vào ma túy. Tiền không có, Tuấn lừa dắt từ chiếc xe máy mới mua của gia đình chị gái, ti vi của bố mẹ đến hiệu sửa chữa bảo thay đồ xịn thành đồ đểu…

Tất cả tài sản của gia đình đều vì những cơn nghiện của anh mà đội nón ra đi. Rồi khi ở quê chẳng thể kiếm ra tiền nữa, Tuấn lên Hà Nội, sống tại xóm bụi Thanh Nhàn, giao du với đủ các hạng lưu manh và đủ thứ nghề xảo trá. Tuấn khi đó là một tên đòi nợ thuê có máu mặt, một kẻ vận chuyển ma túy có thâm niên… Tuấn làm tất cả mọi thứ bất chấp pháp luật miễn sao có tiền để chích hút. Ngày biết anh nghiện, cả thế giới với bố mẹ anh bị sụp đổ.

Gia đình anh dường như bị cả xã hội quay lưng. Mẹ anh đi chợ nhưng đã phải xách làn không về nhà vì người ta nói “không bán đồ ăn cho gia đình của kẻ nghiện”. Bố anh đã phải từ chức Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn Hòa Mạc vì bị chính các đồng đội nói rằng: “Ông không đủ tư cách để lãnh đạo chúng tôi”. Vì ông có một người con nghiện ma túy.

Thấy những giọt nước mắt của mẹ, mái đầu bạc trắng của bố, Lê Trung Tuấn đã không ít lần quyết tâm cai nghiện. Tuấn đã 6 – 7 lần cai nghiện nhưng đều không thành dù phải dùng đến những biện pháp cực đoan nhất. Thấy cha mẹ đau khổ anh cũng chẳng yên lòng, nhưng những dằn vặt, hối hận đó chỉ xuất hiện khi tỉnh táo còn mỗi lúc cơn nghiện trở lại thì những điều đó chẳng còn ý nghĩa. Mỗi lúc như vậy, những lời hứa hẹn, thề thốt của anh với bố mẹ, chị gái và anh rể đều tan thành mây khói.

Cơn nghiện lên là anh lại mò đi tìm thuốc. Rồi khi anh gặp người vợ đầu, người phụ nữ mà anh gọi là “định mệnh”, anh đã yêu và cưới cô gái đó cùng quyết tâm phải bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Nhưng rồi, thứ tình yêu đó cũng không đủ sức để kéo một con ngựa hoang như Tuấn ra khỏi vòng luẩn quẩn của con đường ma túy. Mặc dù biết anh là một con nghiện nhưng người con gái đó vẫn chấp nhận kết hôn với hy vọng tình yêu sẽ khiến Tuấn quay đầu.

Tìm lại chính mình

Hạnh phúc chẳng được bao lâu, khi Tuấn thường xuyên bỏ bê gia đình, lang thang, tụ tập hút chích cùng đám bán nghiện. Nhiều lần vì muốn kéo chồng mình ra khỏi vũng lầy đó, vợ anh, một người phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối đã dám cầm dao xông thẳng vào ổ nghiện tìm chồng nhưng anh cũng chẳng chịu theo chị về. Tuyệt vọng, đau khổ, vợ anh đã 2 lần tìm đến cái chết để mong cảm hóa được Tuấn nhưng tất cả vẫn thất bại trước nàng tiên nâu. Cuối cùng chị đành viết đơn ly hôn. Ngày hai vợ chồng ra tòa, cũng là ngày Tuấn quyết định kết liễu đời mình.

“Anh chọn cái chết để mang hết đi những đau khổ mà những người yêu thương anh phải chịu đựng. Anh không muốn họ phải khóc nữa và nếu có thì cũng chỉ một lần này nữa thôi!”, Lê Trung Tuấn nhớ lại. Tối hôm đó, sau khi lừa mang ti vi của mẹ đi bán được 1,3 triệu đồng Tuấn mua tất ma túy và tiêm một phát vào tĩnh mạch. Sốc thuốc anh bất tỉnh suốt 7 tiếng. Cả gia đình anh khi đó khóc lóc, đau khổ lo hậu sự vì nghĩ anh đã chết. Trong lúc đó Tuấn tỉnh dậy và đòi uống nước.

Cũng kể từ ngày 23/2/2001 đó, sau 6 năm chìm trong sự cám dỗ, Tuấn không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Ngày trở lại, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống, bằng sự thông minh và nhanh nhẹn vốn có, chẳng mấy chốc Lê Trung Tuấn đã trở thành một người thành đạt. Công việc buôn bán xe cũ cũng giúp anh gặp được người vợ hiện tại của mình.

“Vợ anh và gia đình cả hai bên đã luôn tin tưởng và hỗ trợ anh những lúc khó khăn nhất, đó chính là động lực lớn nhất giúp anh làm lại cuộc đời”, anh chia sẻ. Chỉ trong vòng 2 năm, vợ chồng anh đã thành lập được công ty buôn bán xe máy Tuấn Bằng. Công việc suôn sẻ, hai vợ chồng anh có vốn rồi đầu tư vào bất động sản.

Khi mọi thứ đã trở nên ổn định, anh quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ những người nghiện và trả nợ những ân tình mà anh đã nhận được để làm lại cuộc đời. Bắt đầu cho chuỗi hành động đó là việc anh viết tự truyện “Nẻo về” (xuất bản năm 2013), kể lại quãng đời đầy rẫy vết nhơ của mình cùng ý chí vươn lên, hành trình thoát khỏi ma túy, làm lại cuộc đời của anh. 25 nghìn cuốn sách với giá trị hàng tỉ đồng đã được anh trao tặng cho các trại giam, trung tâm cai nghiện để mong ai đó đọc, chiêm nghiệm và làm lại cuộc đời. Không dừng lại ở đó, anh đi sâu vào nghiên cứu tâm lý của người nghiện và tìm hiểu tại sao người nghiện vẫn tái nghiện, mục đích cứu giúp những cuộc đời khác.

Từ đó anh bắt đầu tìm kiếm các tài liệu, nghiên cứu về cai nghiện, đặc biệt là tâm lý thần kinh, sinh lý thần kinh. Năm 2010, anh tình cờ tìm thấy một tờ báo cũ, nội dung của tờ báo nói về tâm lý người nghiện của một Viện nghiên cứu tâm lý của Nga. Như tìm thấy ánh sáng, anh đã tìm kiếm tất cả các thông tin mà viện này đưa ra, anh vô cùng sửng sốt vì tất cả đều giống với tâm lý của anh lúc nghiện. Đặc biệt những tài liệu này ở Việt Nam anh chưa từng được tiếp xúc. Sau đó, anh đã lập tức mời một nữ tiến sĩ thuộc Viện đó sang Việt Nam để trao đổi thông tin.

Từ những thông tin có được anh mới hiểu tại sao những quyết tâm cai nghiện trước đó của mình bị đổ vỡ và tái nghiện nhiều lần. Sau đó, Lê Trung Tuấn có được công trình cai nghiện gồm 3 giai đoạn và mời nhóm khoa học Nga sang Việt Nam với tư cách đơn vị nghiên cứu khoa học. Sau khi nghe anh trình bày và đọc các tài liệu nghiên cứu về công trình của Tuấn thì họ rất khâm phục và hứa sẽ cung cấp tài liệu giúp đỡ. Phải mất thêm 2 năm nữa cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm khoa học người Nga, Lê Trung Tuấn mới hoàn thiện công trình nghiên cứu toàn diện.

Công trình nghiên cứu của Lê Trung Tuấn đã được các nhà khoa học Nga sau đó mua lại với giá 1 triệu đô và đưa anh vào viện nghiên cứu của Nga, làm thành viên chính thức. Lê Trung Tuấn sau đó báo cáo đề tài với một lãnh đạo cấp cao và vị này động viên cứ tự làm, nhà nước sẽ hỗ trợ hết sức. Nhờ lời động viên đó, Lê Trung Tuấn quyết định thành lập Hội đồng khoa học để bảo vệ công trình này nhưng các giáo sư, tiến sĩ được đề nghị tham gia công trình lại từ chối và nói “không hợp tác với thằng nghiện”.

Cho đi để nhận lại cuộc đời

Không nản chí, anh ra sức thuyết phục và nhận được sự gật đầu tham gia của một vài giáo sư. Bước đầu anh tiến hành cai nghiện cho 100 học viên, chia thành nhiều nhóm, một số nhóm khi đó bỏ cuộc giữa chừng số còn lại cai nghiện thành công tới 60%.

Giai đoạn 2, anh tăng số lượng học viên lên vài trăm người và tỷ lệ cai nghiện thành công là 80%. Bằng những minh chứng cụ thể anh đã khiến các nhà nghiên cứu tâm phục và hỗ trợ anh trong công cuộc tuyên chiến với ma túy.

Sự khác biệt của phương pháp cai nghiện do Lê Trung Tuấn nghiên cứu so với các phương pháp cai nghiện lâu nay ở Việt Nam đó chính là xây dựng tập trung vào các liệu pháp tâm lý nhằm giúp người sử dụng ma túy loại bỏ ham muốn sử dụng ma túy. Theo Lê Trung Tuấn, phương pháp cai nghiện phải giải quyết được 3 yếu tố đó là: y tế, tâm lý và xã hội. Giai đoạn một y tế là việc cắt cơn, phục hồi sức khỏe, bởi sức khỏe của họ trong thời gian họ nghiện nó đã suy giảm.

Giai đoạn thứ 2, vấn đề tâm lý và đây là việc cần phải xử lý triệt để bởi chính nó là nguồn cơn mà có thể khiến người nghiện tái sử dụng ma túy. Tâm lý ở đây nó không chỉ đơn thuần là tâm lý không mà nó là sự phối kết hợp giữa tâm lý và sinh lý.

Sau khi giải quyết xong vấn đề tâm lý phải giải quyết được các vấn đề cuối cùng thuộc chức năng xã hội. Người nghiện đã qua một thời gian dài họ sẽ quen với những cái gì mà nó thuộc khuôn mẫu nghiện đó là mua bán, sử dụng ma túy, là bạn nghiện… Đó là tất cả những hành vi của họ là đều liên quan đến ma túy. Và bởi vì đã hình thành khuôn mẫu nên nó rất khó để phá vỡ. Bởi vậy việc bẻ gẫy những khuôn mẫu đó để giúp con nghiện phục hồi lại quay trở lại với cuộc sống bình thường của xã hội thực sự đòi hỏi phải có một phương pháp bài bản và đúng thực tế.

Và phương pháp điều trị cai nghiện của Lê Trung Tuấn đã giải quyết được tổng thể cả 3 vấn đề này. Ngày 31/12/2013, Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện (PSD) ra đời do Lê Trung Tuấn làm giám đốc đã được thành lập để giúp đỡ những cuộc đời lầm lạc cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Đây là trung tâm đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý của người nghiện ma túy.

Nhìn lại hành trình 6 năm của Viện PSD, anh Lê Trung Tuấn trầm ngâm: “Nếu bây giờ nói là cho quay lại thực hiện việc thành lập viện thì chắc chắn không thể thực hiện được. Bởi vì mỗi giai đoạn lịch sử nó gắn liền với sự quyết tâm tại thời điểm đó.

Thời điểm đó tôi đã từng bị coi là một kẻ không bình thường. Bởi tôi đi thực hiện những công việc mà lẽ ra không phải là của mình, nhưng mình luôn nghĩ rằng mỗi người phải có một trách nhiệm nào đó với xã hội. Và cái trách nhiệm với xã hội này nó cũng có cả tương lai của chính mình, là tương lai của con cháu mình.

Ở thời điểm này mọi thứ nó có điều kiện hơn nhưng việc quy tụ được những người tâm huyết rồi cả những người đồng hành ấy sẽ khó hơn vì chặng đường ấy nó đã đi quá dài rồi. 6 năm là sự cống hiến, là sự hi sinh rất nhiều thứ và cũng có những người đã ở lại để quyết tâm đi đến cùng nhưng có những người họ cũng phải ra đi vì họ phải sống một cuộc đời của chính họ”.

Theo anh Lê Trung Tuấn, yếu tố quyết định sự thành công lớn nhất của Viện PSD chính là những con người. “Tài sản lớn nhất của Viện PSD đến bây giờ là cho đi những sự giúp đỡ để giữ lại những cuộc đời”, anh Tuấn nghẹn ngào. Không chỉ dừng lại ở việc giúp những người nghiện từ bỏ được ma túy, PSD còn giúp họ hòa nhập, tránh việc tái nghiện.

Anh thực hiện điều này bằng cách tìm kiếm, liên kết với rất nhiều doanh nghiệp để họ nhận học viên sau khi cai nghiện xong vào làm việc. Bản thân anh cũng lập ra hàng chục doanh nghiệp, để các học viên sau cai có chỗ làm việc.

Hiện tại, Công ty Về Nguồn được Lê Trung Tuấn thành lập năm 2009, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, đến nay đã hình thành tập đoàn PSD với 8 công ty thành viên. Các công ty này hoạt động đa lĩnh vực: du lịch, vận tải, thủy sản, xây dựng, phát triển thương hiệu, văn hóa tâm linh…

Trong hệ thống các công ty của PSD hiện có hơn 100 người cai nghiện thành công có việc làm và ổn định cuộc sống. Có rất nhiều người đang là cán bộ, quản lý tại các doanh nghiệp của PSD Group. Hàng năm hệ thống doanh nghiệp của PSD group cam kết trích từ 35% - 50% lợi nhuận cho công tác nghiên cứu phương pháp và hoạt động phòng chống ma túy, trong đó có hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Ngoài ra, bản thân Lê Trung Tuấn cũng là một người tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ cho các chương trình phòng chống ma túy với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Vũ Lành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hanh-trinh-lam-lai-cuoc-doi-cua-mot-doanh-nhan-tung-nghien-ma-tuy-d103435.html