Hành trình mang dấu ấn đẹp trong đời học sinh

Sáng 19/9, 'Hành trình từ Trái tim' tiếp tục vượt qua hàng chục cây số trên những con đường quanh co, trật hẹp rồi lênh đênh trên sông nước để đem ánh sáng tri thức đến với các em học sinh vùng sâu của tỉnh Cà Mau.

Hành trình mang dấu ấn đẹp trong đời học sinh

Gần 70% đến lớp bằng xuồng

Sau hơn giờ đồng hồ ngồi vỏ lãi lênh đênh trên sông nước len lỏi qua nhiều kênh rạch, Đoàn Hành trình đặt chân đến 2 điểm trường vùng sâu là trường Tiểu học 1 Phong Điền và trường THCS Phong Điền, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Phong Điền là xã bãi ngang của huyện Trần Văn Thời, giáp với biển Tây Nam của Tổ quốc. Ông Trịnh Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Phong Điền cho biết, toàn xã có 3.627 hộ với trên 15.000 dân, tiếp giáp biển nên cuộc sống chủ yếu là nghề nuôi trồng đánh bắt thủy sản, nuôi tôm quảng canh là chính. Những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh nên người dân nuôi tôm gặp khó khăn, thường xuyên thua lỗ, dẫn đến nhiều người phải đi làm ăn xa.

Học sinh vui mừng đón nhận sách quý

Tại điểm trường Tiểu học 1 Phong Điền có rất đông phụ huynh ngồi chờ con tan học để rước về. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, bà Nguyễn Hồng Sở cho biết, vợ chồng có 2 đứa con, đứa lớn lớp 9 và nhỏ lớp 3; Tài sản chỉ có 0,2 ha ao tôm nuôi quảng canh. Trước đây thu nhập đủ sống đắp đổi qua ngày nhưng vài năm gần đây vô cùng bấp bênh do thời tiết, dịch bệnh tôm chết, thua lỗ. Chồng hằng ngày đi làm thuê, còn bà ở nhà lo đưa đón 2 con đi học nên không làm ra tiền. "Nhà xa, lại kênh rạch chằng chịt, sông nước rất nguy hiểm nên phải đưa đón con mỗi ngày cho an toàn", bà Sở nói.

Thầy Tô Văn Quảng, Hiệu trưởng trường tiểu học 1 Phong Điền cho biết, toàn trường có 13 lớp với 325 em học sinh. Tuy nhiên điều kiện đi lại sông nước chằng chịt, gặp nhiều khó khăn, có đến 70% là đi xuồng. Mặc dù điều kiện khó khăn nhưng các em rất chăm chỉ học tập, năm học rồi tỷ lệ lên lớp đạt 98%. Theo thầy Quảng, chính cuộc sống bấp bênh của cha mẹ ảnh hưởng đến các em rất nhiều; các em sống với ông bà nhưng phần lớn ông bà còn hạn chế kiến thức nên cũng chưa kèm cặp hay quan tâm các em lúc ở nhà nhiều.

Các người đẹp mang tri thức đến vùng sâu

Người đẹp ký tặng sách cho học sinh

Với Hành trình mang đến lần này, thầy Quảng cho rằng, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với học sinh vùng sâu. Bởi vì ở đây bốn bề sông nước, được tiếp cận tri thức là cả vấn đề, đem đến cho các em nhiều tri thức để làm hành trang vào đời. "Đây là lần đầu tiên có Đoàn mang tri thức đến với học sinh vùng sâu. Các em ngoài việc được tiếp cận thêm tri thức, kỹ năng; điều đặc biệt nhất chính là các em được gặp gỡ những diễn giả uy tín, người đẹp, ca sỹ nổi tiếng. Đó là dấu ấn mà trong suốt cuộc đời các em sẽ không quên", thầy Quảng nói.

Thay đổi suy nghĩ

Cô Thạch Thị Phương An, Giáo viên chủ nhiệm lớp 6A trường THCS Phong Điền cho biết, ở đây thiếu thốn nhiều thứ, ngoài việc học hằng ngày thì nhu cầu đọc sách cho các em cũng là nỗi niềm của nhà trường. Bởi vì nhà trường có tủ sách nhưng rất hạn chế, chỉ quanh vài đầu sách là hết trong khi kiến thức thì vô cùng đa dạng. "Tri thức mà Hành trình mang đến vô cùng quý giá và có ý nghĩ sâu sắc không chỉ đối với học sinh mà cả giáo viên", cô An chia sẻ.

Quang cảnh Đoàn hành trình mang tri thức đến vùng sâu

Thầy Trần Việt Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Phong Điền nói rằng, nhu cầu về văn hóa đọc ở vùng sâu vô cùng cần thiết. Hằng ngày, ngoài kiến thức ở trường, các em trở về nhà với gia đình mà không có nhiều cơ hội để tiếp cận thêm nhiều tri thức mới. Hành trình lần này mang đến luồng sinh khí mới cho học sinh vùng sông nước ở tận cùng đất nước. Còn thầy Phan Thái Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phong Điền cho biết thêm, những kiến thức mà hàng trình mang đến giúp các em kiến thức bổ ích, làm hành trang cho các em vào đời sau này.

Toàn huyện Trần Văn Thời có 83 điểm trường thuộc vùng khó khăn, trong đó có 2 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển nên việc đến trường của các em vô cùng khó khăn. Trong những năm gần đây, UBND huyện chỉ đạo các trường học tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, ngành giáo dục còn khó khăn về nguồn lực, việc hỗ trợ cho các em chủ yếu về vật chất như tập sách, xe đạp.

Các em học sinh lưu luyến chào Đoàn hành trình trở về

Ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời cho biết, khó khăn nhất của ngành giáo dục chính là đối tượng các em học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa, ở lại sống với ông bà thì những em này thường dẫn đến bỏ học do thiếu sự quan tâm của gia đình. Từ đó, các thầy cô thương xuyên động viên, nhắc nhở gia đình quan tâm nhiều hơn giúp các em tiến bộ. Bên cạnh đó, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời nhìn nhận, ở nông thôn đọc sách chưa phổ biến; vì thế Hành trình mang đến nguồn tri thức phong phú sẽ thúc đẩy tư duy phát triển và thay đổi suy nghĩ để giúp các em vào đời tốt hơn.

Hòa Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/hanh-trinh-mang-dau-an-dep-trong-doi-hoc-sinh-1466163.tpo