Hành trình nhận diện những giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử

Từ ý tưởng ban đầu đến giờ, di tích và danh thắng Yên Tử đã trải qua chặng đường 7 năm để làm hồ sơ di sản thế giới. Điều đó vừa thể hiện sự khó khăn của việc làm hồ sơ cũng như nỗ lực bền bỉ của các ngành, các địa phương để xây dựng danh hiệu cho Yên Tử.

Trên đỉnh Chùa Đồng, Yên Tử.

Theo đó, tháng 12/2013, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép xây dựng hồ sơ, với phạm vi chỉ gồm 2 tỉnh quảng Ninh và Bắc Giang. Gần 1 năm sau đó, Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan đã làm thủ tục giới thiệu đưa Yên Tử vào danh sách hồ sơ dự kiến đề cử.

Tháng 8/2015, đoàn tư vấn ICOMOS trong chuyến khảo sát của mình đã đề nghị bổ sung thêm 2 di tích bãi cọc Bạch Đằng và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) vào hồ sơ. Ngay sau đó, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đề nghị triển khai theo khuyến nghị của ICOMOS. Sang năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng lại báo cáo tóm tắt hồ sơ dự kiến. Các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã cơ bản đồng ý với các nội dung được xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, bản chỉnh sửa để trình UNESCO vẫn chưa được hoàn thành.

Để tái khởi động việc xây dựng hồ sơ, trong tháng 5/2020, Quảng Ninh liên tiếp tổ chức 2 hội nghị, mời các chuyên gia các nhà khoa học đầu ngành tìm hướng đi cho hồ sơ. Tháng 7/2020, ngành văn hóa của 3 tỉnh đã họp tại Hải Dương để thống nhất một số nội dung. Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh là đơn vị được phân công chủ trì đã chủ động liên hệ làm việc với Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Khảo cổ học, Công ty Xây dựng Xuân Trường, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm và một số viện nghiên cứu có liên quan để tham vấn các bước hướng dẫn về quy trình, kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và lựa chọn tư vấn trong nước, quốc tế.

Đồng diễn yoga tại Yên Tử.

Tại Quảng Ninh cũng đã diễn ra hội thảo khoa học với 39 bài tham luận của các chuyên gia, trong đó có 30 ý kiến đề xuất lựa chọn loại hình vật thể, 8 ý kiến đề xuất lựa chọn loại hình phi vật thể và 1 bài viết của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. Sau đó, lãnh đạo ngành văn hóa của 3 tỉnh đã họp tại Bắc Giang để thống nhất một số nội dung chuẩn bị tài liệu và báo cáo tại hội nghị của UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Gần đây nhất, tại TP Uông Bí, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị thống nhất một số nội dung triển khai lập hồ sơ quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị UBND 3 tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung nguồn lực, thời gian và phối hợp chặt chẽ để triển khai công tác xây dựng hồ sơ một cách thống nhất, bài bản và hiệu quả.

Hội nghị cũng thống nhất đề nghị Bộ VHTT&DL sớm ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng hồ sơ và họp triển khai các bước xây dựng hồ sơ, phân công cụ thể công việc cho từng thành viên. Mục tiêu từ nay đến tháng 9/2021 hoàn thiện, trình hồ sơ bằng tiếng Anh đến UNESCO và thực hiện nội dung theo các chương trình của UNESCO.

Việc lập hồ sơ khoa học và kế hoạch quản lý di sản nhằm giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các giá trị di sản; nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đồng chủ trì hội nghị, đề nghị tên hồ sơ là "Quần thể di tích danh thắng Yên Tử", đề xuất làm hồ sơ căn cứ 3 tiêu chí 3, 5 và 6 theo Công ước của UNESCO; đề nghị 3 địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà quản lý văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam trong việc làm hồ sơ, đảm bảo chất lượng của hồ sơ.

Hiện nay, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã thống nhất chủ trương, ý chí hành động, quyết tâm xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Các tỉnh đang thống nhất nội dung để báo cáo Bộ VHTT&DL. Về tiêu chí loại hình và tên gọi do đơn vị tư vấn lựa chọn trên cơ sở đồng thuận của Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao. Về cơ chế phối hợp, Quảng Ninh là tỉnh chủ trì cùng phối hợp chặt chẽ với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương thực hiện để chọn đơn vị tư vấn là các nhà khoa học có kinh nghiệm.

Huỳnh Đăng

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: "Cần đặc biệt quan tâm đến sự tương tác giữa cộng đồng và di sản"

Đây là một hồ sơ rất khó nhưng không phải vì khó mà chúng ta nản chí. Chúng ta phải đi, phải bắt đầu thì mới có đường, cần phải tổng hợp không thể trông chờ vào kết quả nghiên cứu của 1 năm tới. Mà chúng ta phải tận dụng những cơ chế mà Trung ương đã cho phép chúng ta. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, các chuyên gia nghiên cứu vào cuộc. Thực tế thì Quảng Ninh nói chung và các địa danh liên quan đến quần thể di tích danh thắng Yên Tử nói riêng chắc chắn có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể và có thể có di sản nào đó đủ điều kiện để đưa vào danh sách của UNESCO. Trong tương lai nếu nhận diện được các di sản ở vùng cận Yên Tử thì sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị, sức sống cho quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Nhưng đó là câu chuyên lâu dài. Còn điều này nữa theo tôi chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm đó là làm hồ sơ di sản thì sẽ phục vụ cái gì cho cộng đồng; cộng đồng tương tác với các thành tố của di sản thế nào; phát triển du lịch ra sao; rồi thì các biện pháp nâng cao đời sống của nhân dân vùng di sản. Theo tôi, đời sống của cộng đồng ở vùng di sản phải là số một.

-PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam:

"Yên Tử gắn bó chặt chẽ với sự hình thành phát triển của Thiền phái Trúc Lâm"

Yên Tử có giá trị nổi bật to lớn không cần bàn cãi gì nữa. Đây là khu di tích gắn bó chặt chẽ với sự ra đời hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Từ Yên Tử, tông phái này lan rộng ra khắp Đại Việt nhưng có thể nói trung tâm là Yên Tử và Đông Triều. Không gian di tích Yên Tử - Đông Triều đã được các cộng sự của tôi ở Viện Khảo cổ, Viện Nghiên cứu kinh thành, Bộ môn Khảo cổ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nghiên cứu và khai quật khá nhiều di tích. Tổng hợp tư liệu và các nguồn thư tịch cổ, văn bia, các di tích lịch sử, tôi cho rằng đây là cõi Phật trời Nam thời Trần bởi tổng thể di tích ở đây là một sự mô phỏng khép kín quá trình phát triển thành công của thiền phái Trúc Lâm gần như quá trình tầm đạo cứu đời của đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ. Đó là quá trình rời kinh đô lên núi tầm Đạo, đắc Đạo, đào tạo đệ tử ở Yên Tử, đào tạo và phát triển Trúc Lâm ở Quỳnh Lâm, Ngọa Vân, Hồ Thiên, lan tỏa Trúc Lâm ở Thăng Long và cuối cùng là hóa theo nghi thức của Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ở Ngọa Vân. Đó cũng là nét độc đáo, đặc điểm lớn bao trùm và giá trị của khu di tích giúp chúng ta biện luận các tiêu chí đề cử của khu di sản. Vì vậy, trong việc lựa chọn loại hình di tích, trước hết chúng ta xác định tính chất của khu di tích Yên Tử đó là di tích lịch sử văn hóa Phật giáo cụ thể là Phật giáo Trúc Lâm.

Bà Nguyễn Thị Huế, du khách TP Hà Nội:

“Yên Tử sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá văn hóa, lịch sử cho du khách”

Đã đôi lần có dịp về thăm di tích - danh thắng Yên Tử, tôi thật sự ấn tượng trước sự kỳ vĩ của chốn non thiêng hòa quyện với nét cổ kính, trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp. Đặc biệt, với sự đầu tư, tôn tạo, quy hoạch, kiến thiết, nâng cấp hạ tầng thời gian qua, Yên Tử ngày càng được mở rộng hơn về không gian, biến chốn núi non vừa trở thành nơi tu hành, vừa là vùng danh thắng đẹp đẽ với các dịch vụ, du lịch chuyên nghiệp, đẳng cấp cuốn hút du khách. Nếu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, chắc chắn Yên Tử sẽ tiếp tục mang đến nhiều trải nghiệm, khám phá đầy hấp dẫn, ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và du lịch tâm linh cho du khách trong và ngoài nước. Qua đó, bạn bè quốc tế sẽ biết đến Quảng Ninh, Việt Nam nhiều hơn, là cơ hội để giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ra với thế giới.

Ông Đặng Đức Nhẹn, khu 1, phường Yên Thanh, TP Uông Bí:
“Nhân lên sức mạnh, trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa”

Di tích – danh thắng Yên Tử có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn. Đây không chỉ là di sản quý báu của địa phương, của tỉnh mà của cả quốc gia. Thời gian qua, có thể thấy tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức, đã huy động nguồn lực lớn để đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích ngày càng đẹp, khang trang vừa gìn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử, vừa phát triển được dịch vụ, du lịch thu hút ngày càng đông du khách, phật tử đến với Yên Tử. Những ngày này, qua các kênh thông tin được biết, tỉnh đang phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng liên quan lập hồ sơ Di tích Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thật sự đây là niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân Uông Bí nói riêng, Quảng Ninh nói chung.

Phạm Học - Duy Khoa (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202010/hanh-trinh-nhan-dien-nhung-gia-tri-noi-bat-toan-cau-cua-yen-tu-2503427/