Hành trình số hóa nền kinh tế

Kỳ 4: Xác định trụ cột để chuyển đổi mạnh mẽ

Hành trình số hóa nền kinh tế

NGUYỄN HÙNG, PHƯƠNG MINH

Thứ Sáu, 16-04-2021, 15:22

+ | Print

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của VNPT Technology. Ảnh: N.H

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của VNPT Technology. Ảnh: N.H

Kỳ 4: Xác định trụ cột để chuyển đổi mạnh mẽ

Xác định xây dựng những nền tảng số trụ cột của quốc gia, phát triển những ứng dụng đạt chuẩn quốc tế, cung cấp những giải pháp hiệu quả đưa các doanh nghiệp (DN) bước vào nền kinh tế số (KTS)… Trong lộ trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, điều cốt tử là cần xác định rõ, ai sẽ là người dẫn dắt “cuộc chơi” mang tên CĐS, dẫn dắt nền KTS phát triển?

Những trải nghiệm đầy cảm hứng

Năm 2020, đối với Việt Nam, không chỉ là năm của những thách thức đến từ dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ. Đây còn là năm ghi dấu những bước đi mạnh mẽ của đất nước trong lộ trình CĐS quốc gia với những thay đổi đầy cảm hứng từ phương thức hoạt động của Chính phủ đến đời sống người dân, DN...

Thực tế, năm 2020, người dân, DN đã được trải nghiệm dịch vụ mới: Dịch vụ công trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Rất nhiều thủ tục, giấy tờ hành chính, hay nộp phạt vi phạm giao thông, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế cho đến cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4, xin giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký biển số xe và nộp thuế trước bạ khi mua ô-tô... người dân chỉ cần ngồi nhà đăng ký qua mạng.

Ở tuổi gần 70, lần đầu thay vì phải đi đi lại lại, chen chúc xếp hàng để xin giấy phép xây dựng nhà, bà Ngô Thị Thanh (TP Bắc Giang) đã được trải nghiệm sự tiện lợi từ dịch vụ công online do UBND TP Bắc Giang cung cấp trực tuyến. Bà Thanh chia sẻ, với cách thức này, người dân chúng tôi tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí.

Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng cho biết, cách đây hơn một năm, Cổng DVCQG do Văn phòng Chính phủ điều hành trên nền tảng do VNPT xây dựng và phát triển được khai trương. Từ tám dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30-12-2020, Cổng đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp. Kết quả cụ thể nhất có thể nhìn thấy ngay sau một năm vận hành Cổng DVCQG là tiết kiệm chi phí xã hội được hơn 6.700 tỷ đồng/năm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Sau một năm vận hành, đến nay Cổng DVCQG ngày càng trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, DN và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tương tự, tháng 6-2020, Quốc hội (QH) tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên, kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV, trên nền tảng do VNPT triển khai. Giải pháp đã được các đại biểu QH đánh giá cao về an toàn, an ninh, sự tiện dụng và tiết kiệm chi phí. Mô hình này còn được đánh giá là một bước đổi mới, là bước mở đầu để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp của QH trong thời gian tới và thích hợp để mở rộng các hoạt động của QH trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, tiên phong, dẫn dắt trong CĐS quốc gia, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho hay, không chỉ có Cổng DVCQG, năm 2020, VNPT đã tham gia sâu rộng vào chương trình CĐS quốc gia và để lại nhiều dấu ấn về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của mình trong các chương trình trọng điểm quốc gia, VNPT đã triển khai thành công các nền tảng dùng chung cho Chính phủ, bộ, ngành, mở rộng triển khai đến các tỉnh, thành phố giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển Chính phủ số.

Trong năm qua, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và phát triển kinh tế, VNPT đã cùng Chính phủ và cộng đồng DN quyết liệt phòng, chống Covid-19. Ngay từ đầu đại dịch, VNPT đã chủ động cung cấp Hạ tầng mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ điều hành chỉ đạo của Nhà nước, phục vụ người dân, hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Đồng thời, kịp thời triển khai giải pháp VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học” và VNPT Meeting giúp các DN tiếp tục vận hành sản xuất, kinh doanh…

Kiến tạo quốc gia số từ nền tảng công nghệ

Được biết đến với vai trò tiên phong trong CĐS quốc gia, VNPT đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, CĐS, KTS và đô thị thông minh. VNPT đã tham gia triển khai các hệ thống nền tảng quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Cùng với đó, VNPT tham gia hỗ trợ tư vấn, triển khai các nền tảng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, CĐS và đô thị thông minh tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, các sản phẩm Công nghệ thông tin, CĐS của VNPT đã triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, VNPT tham gia tư vấn Đô thị thông minh cho hơn 40 tỉnh, thành phố và triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho hơn 30 tỉnh, thành phố. Cùng với việc triển khai, xây dựng các Trung tâm điều hành, VNPT cũng đã tham gia phát triển, cung cấp các giải pháp phục vụ cộng đồng để đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển xã hội số như: hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, Mobile Money, triển khai các giải pháp y tế số, giáo dục số...

Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Nam Long cho biết: Sản phẩm mới nhất vừa được VNPT ra mắt là VNPT MSS (VNPT Managed Security Service) với kỳ vọng trở thành “hệ miễn dịch cho quốc gia số” giúp bảo đảm an ninh cho Chính phủ số, an toàn cho không gian mạng Việt Nam. Đáp ứng đúng tinh thần “Make in Việt Nam”, VNPT khẳng định làm chủ công nghệ lõi, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật, đồng thời vẫn tận dụng, phát triển, tối ưu hệ thống dựa trên công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới. Đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ đưa giải pháp công nghệ của Việt Nam vươn ra thế giới. Hệ sinh thái số của VNPT thật sự đang đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy hình thành nền KTS, xã hội số tại Việt Nam.

Song song với CĐS trong lĩnh vực công, VNPT đã và đang thực hiện CĐS cho các ngành kinh tế và các nhóm DN với hướng tiếp cận “đồng hành cùng DN Việt để CĐS, đưa DN, người nông dân tiếp cận CĐS”. Hiện, VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một DN. Đó là Hệ thống xác thực và định danh điện tử (eKYC), Hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory), Hệ thống kế toán DN (VNPT FMS), Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM), Hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS), Chữ ký số, Hóa đơn điện tử… dựa trên công nghệ IoT, AI, iCloud để hỗ trợ nhóm DN này CĐS...

Trong những chuyến công tác ở các tỉnh miền trung, hình ảnh những đầm tôm chết trắng, người nông dân ôm mặt khóc, đã khắc sâu vào tâm trí ông Phạm Đức Long, lúc đó là Tổng Giám đốc và hiện đang là Chủ tịch VNPT. Ông Long luôn trăn trở với những câu hỏi nhức nhối: “Làm gì để người nông dân bớt khổ? để họ nuôi trồng tránh được sâu bệnh, thiên tai, để năng suất tăng, để sản phẩm làm ra xuất khẩu được? Làm gì để nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm nông nghiệp sạch? Làm gì để lĩnh vực nông nghiệp, một trụ đỡ của nền kinh tế bứt phá?...”.

Từ đó ông và cộng sự đã bắt tay vào thực hiện CĐS ngành nông nghiệp bằng phát triển nông nghiệp thông minh công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Đến nay, Giải pháp Nông nghiệp thông minh (ONE Farm) của VNPT đã bước đầu ứng dụng tại Bắc Ninh, Đà Lạt, Phú Yên… không chỉ giúp đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, mà còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý tất cả các khâu như hệ thống cho ăn, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu hoạch trứng, hệ thống thu gom phân, hệ thống sưởi ấm…

Bước đột phá của VNPT trong lĩnh vực này là đã hợp tác với OPTiM của Nhật Bản. Bằng việc sử dụng AI, IoT, Bigdata, Robotic…, VNPT và OPTiM sẽ triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh cho cánh đồng mở, quy mô lớn, kiểm soát quá trình sản xuất nông sản từ khi gieo trồng cho đến tận tay người dùng các sản phẩm nông sản sạch…

Đánh giá về vai trò của các DN công nghệ trong nước trong lộ trình CĐS quốc gia, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận, DN công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp CĐS; đi từ ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu. Cụ thể, hệ sinh thái công nghệ VNPT đã không chỉ giúp tăng doanh thu cho địa phương, giúp chính quyền quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, thương hiệu và hình ảnh địa phương mà còn làm thay đổi toàn diện, tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và thiết lập vị thế quốc gia cấp độ cao hơn.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/hanh-trinh-so-hoa-nen-kinh-te-642278/