Hành trình tác nghiệp và những con đường đượm nhớ

Với những người làm báo, mỗi bước chân đã qua không chỉ mang đến những thông tin quý, những bài báo hữu ích phục vụ độc giả mà với riêng họ, những mảng ký ức sáng tối ở mỗi nẻo đường sẽ mãi là hành trang, là kỷ niệm và cũng là nỗi nhớ…

Nỗi nhớ về những nơi người làm báo đặt chân qua không giống với những niềm vui khi đi nghỉ dưỡng; cũng chẳng giống với những chuyến đi lại thông thường mà nó chi tiết hơn, sâu sắc hơn, nồng đượm hơn. Nhớ về con đường ấy, địa danh ấy, người làm báo sẽ nhớ cả đề tài từng thực hiện; nhân vật từng gặp; câu chuyện từng trao đổi; tài liệu, thông tin từng tiếp xúc và cả những nỗi niềm từng trăn trở khi viết bài.

Đi qua những con đường của quãng thời gian 13 năm làm báo, khi nhắc về những nơi từng đặt chân đến với mục đích tìm hiểu thông tin, viết bài, tôi vẫn dai dẳng nhớ về thôn Lai Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội vào một ngày cuối năm 2013- khi Thư ký tòa soạn giao nhiệm vụ xác minh thông tin bạn đọc qua “Đường dây nóng” về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác Nam Sơn đến cuộc sống, nguồn nước sinh hoạt của bà con. Theo phản ánh của nhiều người dân Lai Sơn thời điểm đó thì nước đen ở hồ xử lý của bãi rác Nam Sơn có hóa chất đã tháo ra suối Lai Sơn. Đợt mưa lớn kéo dài trong thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9- 2013 khiến lũ dâng cao, nước đen tràn vào đồng ruộng, ao hồ và giếng nước của các hộ dân; ngấm sâu vào các mạch nước ngầm khiến cá ở ao hồ bị chết, nước trong giếng ngả màu đen, đục và có mùi hôi tanh, người dân thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tác giả cùng đồng nghiệp trong một chuyến công tác. Ảnh: L.A

Tác giả cùng đồng nghiệp trong một chuyến công tác. Ảnh: L.A

Nhận thông tin, tôi lập tức lên đường tìm về xã Nam Sơn, gặp gỡ người dân để ghi nhận thực tế về môi trường tại địa phương, đặc biệt là những khó khăn trong nước sạch mà các hộ dân đang gặp phải. Tiếp đến, tôi lên trụ sở UBND xã có cuộc gặp với lãnh đạo xã để xác thực về tình trạng trên. Mấu chốt của vụ việc này là liệu có phải do hệ thống xử lý rác thải của nhà máy rác Nam Sơn gặp vấn đề hay không? Gần 17g, với mong muốn gặp người có trách nhiệm của bãi rác Nam Sơn, một mình tôi “lạc” giữa bãi rác mênh mông và tôi cảm nhận rõ áp lực về việc xử lý rác thải của bãi rác nơi đây lớn như thế nào, nhưng cũng hiểu những phản ánh của bà con là hoàn toàn chính đáng. Sau khi tìm hiểu tôi được biết, nguyên nhân là do lỗi của một ca trực. Các thành viên của ca trực này sau đó đã bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Loạt bài viết “327 hộ dân khát nước sạch tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn” được đăng tải trên báo Pháp luật & xã hội của tôi; trong đó có ý kiến của Cty Môi trường Hà Nội đã góp phần trả lại phần nào niềm tin cho bà con thôn Lai Sơn khi họ đã được cấp nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều khi có việc đi qua; hoặc ngồi nghĩ lại những ngày tháng miệt mài cầm bút, tôi nhớ lại về rất nhiều con đường, rất nhiều địa chỉ. Những con đường thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang… Những tháng ngày ấy, không kể thời tiết nắng mưa; không kể là trưa hay chiều mà chỉ cần có thông tin là đi; chỉ cần có địa chỉ là ắt sẽ tìm đến nơi và bởi có lòng nhiệt tình, có tình yêu nghề nên dù khó khăn, vất vả là thế nhưng chỉ sau ít giờ tác nghiệp, những sản phẩm báo chí nhanh chóng được gửi về Ban Thư ký- nơi có các đồng sự làm báo thầm lặng đang chờ biên tập và sắp xếp những dòng tin nóng hổi đó lên mặt báo để chuyển đến bạn đọc.

Ngoài những nỗi nhớ thênh thang, tôi còn mang nặng nỗi ám ảnh về những con đường, những cuộc đời và số phận mình từng gặp khi đi tác nghiệp. Tại một xã nghèo thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội một ngày đầu năm 2013, tôi nhớ về nỗi đau của hai ông bà đã ngoài 60 tuổi, ngồi bên hiên nhà đưa đôi mắt mờ đục, ầng ậc nước vì thương nhớ và xót xa con trai út. Người con ấy vì muốn tự thân đi làm, muốn giúp đỡ bố mẹ nên vào kỳ học cuối cùng trước khi rời ghế nhà trường, cậu thường chạy “xe ôm” để kiếm tiền. Và không may cho cậu, trong lần chờ khách ở khu vực phường Phú Lãm, quận Hà Đông đầu tháng 2-2013, cậu gặp một đối tượng trong vai khách thuê xe ôm. Bằng sự gian manh của một tội đồ, để đạt được mục đích đê hèn là cướp xe máy, gã đó đã cướp đi sinh mạng của cậu sinh viên. Để rồi, khi đang đi về sườn dốc bên kia của cuộc đời, hai người nông dân hiền lành là cha, là mẹ của cậu phải gánh chịu nỗi đau khôn cùng vì mất mát quá lớn...

Lại cũng có khi, sự hồn hậu, bình dị của những vật tôi từng gặp gỡ như đốm lửa sáng, thắp trong tôi về nhiều niềm vui, nhiều điều tốt đẹp. Tiếp xúc với họ, tôi ngắm nghía, đắm chìm với nét mặt, cử chỉ cũng như câu chuyện về cuộc đời họ để xâu chuỗi lại qua cảm nhận, qua con chữ của mình và chuyển đến bạn đọc, thổi vào lòng bạn đọc niềm tin yêu thiết tha với cuộc sống này. Đó là câu chuyện về người phụ nữ nghèo cưu mang cụ già neo đơn tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội; là thầy giáo quê mở lớp học miễn phí cho trẻ em trong làng tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội…

Từng con đường, từng ngóc ngách của các địa phương, các vùng miền tôi đã đi qua trên nẻo đường tác nghiệp sẽ chẳng bao giờ khiến tôi nguôi nhớ mà chỉ cần thoáng lướt qua hay nhắc đến là những dòng ký ức về địa chỉ đó lại ùa về; hun đúc trong tôi tình yêu và tinh thần muốn được cống hiến nhiều hơn nữa với nghề cầm bút.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hanh-trinh-tac-nghiep-va-nhung-con-duong-duom-nho-152490.html