Hành trình tìm Con của chàng trai không may liệt nửa người

'Một chàng trai liệt, lại mang trong mình kiếp nghèo nhiều đời nay hoàn cảnh éo le vậy liệu có ai dám nắm tay mình đi một đoạn'.

Đó là tâm sự của chàng trai Vũ Văn Khải (sinh năm 1982) ở Gia Viễn, Ninh Bình khiến nhiều người không khỏi bùi ngùi. 10 năm trước, khi ước mơ làm kỹ sư đang sắp cận kề, Khải gặp phải 1 tai nạn lao động khủng khiếp, tai nạn khiến Khải bị dập đốt sống tủy liệt hai chân phải đi lại bằng xe lăn. Khải bị cướp đi đôi chân.

Vượt qua dư luận, ngăn cấm

Khải bị liệt và ngồi xe lăn kể từ cái ngày định mệnh đó. Kiếp sống bị phụ thuộc vào người khác, anh nghĩ: Một chàng trai liệt, lại mang trong mình kiếp nghèo nhiều đời nay, hoàn cảnh éo le vậy liệu có ai dám nắm tay mình đi một đoạn. Thế rồi Khải thu mình lại, sống tự ti.

4 năm sau đó, Khải gặp Nga, là Trần Thị Nga, cô gái cùng quê kém Khải gần 10 tuổi. Ngay thời điểm Nga mất mẹ, họ an ủi rồi yêu nhau như cách Khải kể. “Chúng tôi yêu nhau từ lúc nào không biết, Nga đến lấp đầy những tự ti, buồn chán của đời tôi. Chúng tôi bỏ qua tất cả để yêu nhau”- Khải nói đến đây rồi giọng nghẹn lại, nhường cho vợ kể tiếp chuyện đời họ.

“Em yêu anh Khải nhưng gia đình không đồng ý, bố bắt em phải lựa chọn, 1 là gia đình 2 là anh Khải. Bố em cũng vì thương con và chịu áp lực dư luận nên không đồng ý để con gái lấy một người chồng khuyết tật. Những lúc như vậy, anh Khải khuyên em nên yêu người khác, nhưng em không làm được” – Nga nghẹn lại.

Vợ chồng Nga - Khải ôm nhau khi biết sẽ được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm. ẢNH: MINH THƯ

Vợ chồng Nga - Khải ôm nhau khi biết sẽ được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm. ẢNH: MINH THƯ

Cả 2 đã chọn đến với nhau dù không có một đám cưới như những đôi khác, cô gái trẻ vẫn luôn trấn an mình rằng, một ngày nào đó bố sẽ hiểu cho cô. Họ đến với nhau năm 2019.

Cưới nhau về, Nga làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng. Những tưởng bi kịch của đôi trẻ đã dừng lại, thế nhưng lấy nhau rồi, Nga không thể có con, cô mang ước mơ thầm kín đó giữ chặt trong lòng vì sợ làm chồng tổn thương.

Tìm được ông bụt của đời mình

Dường như hiểu được mong mỏi của vợ, cũng như bản năng vốn có của người chồng, Khải đi tìm thông tin về thụ tinh trong ống nghiệm.

Rồi nghe tin bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng - Hạnh phúc” sẻ chia hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 cặp vợ chồng khó khăn. “Vợ chồng em không hẹn mà gặp, kể với nhau nỗi niềm giấu kín bấy lâu và quyết định gửi hồ sơ tới chương trình. May mắn đã mỉm cười với chúng em khi Bệnh viện thông báo hai vợ chồng chị được hỗ trợ miễn phí” – Nga kể lại.

“Chương trình như ông bụt của đời em vậy, em chưa bao giờ dám mơ đến một ngày được hỗ trợ để có con. Thật sự chúng em rất hạnh phúc vào may mắn” – Nga nghẹn ngào.

Theo Ths. BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học Hiến muộn, cuộc sống này mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là áp lực về kinh tế nhưng nỗi mong được làm cha, làm mẹ không vì thế mà vụt tắt.

Toàn bộ 10 trường hợp được chọn này sẽ được bệnh viện hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm TTTON. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần TTTON có thể dao động từ 70 – 100 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi…. ẢNH: MINH THƯ

Có nhiều cặp vợ chồng tìm đến BV mong mỏi có được 1 đứa con nhưng rồi phải ngậm ngùi ra về vì không có điều kiện tài chính. Thấu hiểu điều này, bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng - Hạnh phúc” đầy tính nhân văn giúp nhiều cặp vợ chồng có được niềm vui, có được tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ trong ngôi nhà ấm cúng.

“Thật ra, trường hợp các cặp vợ chồng này, xét về mặt kỹ thuật, không khó để thực hiện các can thiệp giúp họ có con nhưng hoàn cảnh khó khăn của họ là một trở ngại lớn và cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều. Do đó, trên thực tế quy định kinh phí có giới hạn nhưng khi chính thức tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đều hỗ trợ nhiều hơn mức quy định đó để bệnh nhân có thể an tâm điều trị, sinh con khỏe mạnh cũng như có điều kiện chăm sóc con khi chào đời. Đó cũng là đích đến nhân văn của chương trình”. – BS Hiền nói.

BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện - cho biết: “Rất nhiều gia đình hiếm muộn đã phải chờ đợi 10 năm, thậm chí 15, 20 năm với không ít áp lực từ phía gia đình, xã hội. Vì thế, không chỉ tài trợ toàn bộ việc TTTON cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, Bệnh viện còn cử các y bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn cùng sự trợ giúp của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, giúp họ sớm được làm cha, làm mẹ".

HẢI ÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/hanh-trinh-tim-con-cua-chang-trai-khong-may-liet-nua-nguoi-930008.html