Hành trình tìm lại... chính mình

Khi vướng vào ma túy, mỗi người cần nỗ lực điều trị cai nghiện để tìm lại chính mình. Hành trình ấy có không ít gian nan, thử thách, song nếu người nghiện có đủ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng cùng các cơ quan chức năng, thì cơ hội sẽ đến.

Ông N.Đ.Q (ở giữa) trú tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chăm sóc rau gia vị.

Từ người nghiện nặng trở thành doanh nhân thành đạt

Việc từ bỏ ma túy đúng là không dễ, nhưng nếu có đủ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm điều trị cai nghiện, được gia đình và những người xung quanh động viên, giúp đỡ, người nghiện ma túy sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Trường hợp điển hình trên hành trình tìm lại chính mình được nhiều người nhắc đến, được các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội đưa vào chương trình giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho học viên là ông Lê Trung Tuấn (sinh năm 1977), nhà sáng lập Tập đoàn PSD (trụ sở tại phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) hoạt động trong các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, vận tải, du lịch, xây dựng, thủy sản, dược phẩm và thiết bị y tế... Đáng chú ý, PSD định hướng là tập đoàn đi đầu về các hoạt động xã hội, nhất là trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của PSD được trích ra để hỗ trợ phòng, chống ma túy...

Người đứng đầu Tập đoàn PSD từng nghiện ma túy rất nặng, cuộc sống trôi trong cái vòng luẩn quẩn cai nghiện, rồi tái nghiện nhiều lần. Sau nhiều năm nỗ lực điều trị với sự tin tưởng, đồng hành của người thân, ông Tuấn đã tránh xa được con đường lầm lỡ. Để trả ơn cuộc đời, năm 2013, ông Tuấn thành lập Trung tâm Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy. Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các cơ quan chức năng, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy hoạt động ngày càng hiệu quả và phát triển thành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD).

Những năm qua, Viện PSD phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy. Nổi bật là việc biên soạn bộ sách “Kỹ năng phòng chống ma túy” cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Viện PSD đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường trên quy mô rộng.

Đồng thời, ông Lê Trung Tuấn còn hỗ trợ những người nỗ lực từ bỏ ma túy có cuộc sống mới bằng cách tạo việc làm, thu nhập cho họ. Theo hướng này, Viện PSD phát triển hệ thống các đơn vị, doanh nghiệp vệ tinh, trở thành Tập đoàn PSD - cũng là ngôi nhà chung, là sự nghiệp chung của không ít người từng lầm lỡ.

Nhân vật khác vượt lên chính mình sau hành trình dài sống lệ thuộc vào ma túy là ông N.H.Đ (sinh năm 1983), trú tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). N.H.Đ từng đi cai nghiện hơn 10 lần, cho đến khi nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của gia đình và người bạn gái mà anh yêu thương, N.H.Đ đã chiến thắng cám dỗ, làm lại cuộc đời. Từ năm 2008 đến nay, cuộc sống của N.H.Đ bước sang trang mới với sự ấm êm, hạnh phúc bên người vợ từng giúp ông bước qua bóng tối. Cá nhân N.H.Đ giữ vai trò điều hành một doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhiều người đồng cảnh...

Lấy lại niềm tin

Từ thực tế điều trị cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, các cơ quan chức năng cũng ghi nhận một số trường hợp nỗ lực tìm lại được chính mình, trở thành điểm tựa của gia đình, lấy lại niềm tin của những người xung quanh.

Có thể kể đến trường hợp ông N.Đ.Q, trú tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm). N.Đ.Q cho biết, ông thuộc thế hệ 7x, sử dụng ma túy từ những năm cuối của thế kỷ XX và sống lệ thuộc vào heroin trong hơn 10 năm. Nhận được sự quan tâm của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đội công tác xã hội tình nguyện phường Tây Tựu, ông N.Đ.Q đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn). Trở về địa phương vào năm 2010, ông N.Đ.Q tiếp tục điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone và được các bên liên quan tạo điều kiện cho vay vốn tìm việc làm. Hiện công việc trồng trọt, buôn bán hoa và các sản phẩm nông sản mang lại nguồn thu nhập tốt cho ông N.Đ.Q và gia đình. Nhờ có việc làm, thu nhập và gia đình ấm êm, ông N.Đ.Q có động lực tránh xa ma túy.

Cùng thuộc thế hệ 7x, cùng sử dụng ma túy trong thời gian dài, ông L.M.Q, trú tại phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) đã nỗ lực tránh xa con đường lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng. “Sau 17 năm nghiện ma túy, nhiều lần đi cai, từng lĩnh án tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tôi đã hoàn lương từ năm 2014. Để có kinh tế trang trải cho cuộc sống gia đình, cho việc học hành của các con, tôi đi học nấu ăn. Sau khi học xong, được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, vợ chồng tôi mở hàng bán phở gần nơi sinh sống”, ông L.M.Q kể.

Với mong muốn được sống trong môi trường xã hội tích cực, nhiều năm qua, ông L.M.Q tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ B93 (mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy) phường Hàng Bài. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông L.M.Q thường đến tận nhà người nghiện, người sử dụng ma túy, vận động họ tham gia câu lạc bộ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng...

Những người thật, việc thật nêu trên đã chứng minh rõ ràng, nếu có đủ ý chí, bản lĩnh, quyết tâm, bất cứ ai cũng có thể đứng dậy làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã. Bởi phía sau họ có người thân, gia đình, cộng đồng, có các cơ quan chức năng luôn quan tâm giúp đỡ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hanh-trinh-tim-lai-chinh-minh-644648.html