Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly: Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh...

Trên đường sang Trung Quốc, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật và đại diện bà con họ Hồ đã mang theo một số trầu cau với ý định sẽ bày cúng trên vùng Lão Hổ Sơn (Nam Kinh) để tưởng nhớ Hồ Quý Ly và những người họ Hồ chết tha phương. Nhưng khi đáp xuống sân bay Bắc Kinh, hải quan tại đó đã tịch thu số trầu cau nói trên...

Như đã đề cập ở bài trước, vùng Lão Hổ Sơn có rất nhiều ngôi mộ vô chủ, không có bia ký, không có người chăm nom. Theo nhiều bô lão ở một làng họ Hồ cách đó không xa, thì những mồ vô chủ ấy là của người Việt chết chôn, còn con cháu họ đã phiêu dạt làm ăn nhiều nơi mấy trăm năm rồi, không thấy ai về hương khói nữa. Lục tìm trên các ngọn đồi hắt hiu kia, ông Đỗ Đình Truật phát hiện một ngôi mộ với tấm bia ghi rõ người mất họ Hồ, tên Hồ Văn Hải.

Ông hồi tưởng: “Lúc ấy tôi biết đây là một trong những bằng chứng cho thấy bãi tha ma Lão Hổ Sơn có chôn cất người mất họ Hồ. Tôi cùng cô sinh viên Việt Nam đang du học tại Bắc Kinh là Thu Vân đã soạn hành lý lấy ra hương đèn, trà rượu, thành tâm cúng vái giữa vùng vắng vẻ kia. Tôi cũng như những người họ Hồ đang sống dưới chân vùng Lão Hổ Sơn có mặt hôm ấy đã tần ngần và ngậm ngùi nhìn khói hương tỏa ra giữa buổi chiều thu. Cúng xong, đã 4 giờ chiều rồi, mây từ trên đỉnh Lão Hổ Sơn bắt đầu phủ xuống lưng đồi, chung quanh chúng tôi hơi lạnh tràn lên. Tôi nói thôi về, sáng mai đến lại, trước khi đi, tôi đã lấy một nắm đất tại chỗ gọi là vật linh đem về Việt Nam. Nắm đất này tôi đã tặng cho con cháu tộc Hồ trong ngày gặp gỡ tại hội thảo về họ Hồ tổ chức tại dinh Độc Lập - tức dinh Thống Nhất ở TP.HCM vào giữa năm 2009”.

“Việc tìm mộ vua Hồ Quý Ly và vua Hồ Thơm (tức Quang Trung - Nguyễn Huệ) không chỉ trong vài ngày, vài tháng là xong, mà cần tiếp tục cho đến khi phát hiện đúng nơi yên nghỉ của các vị vua ấy. Tôi nghĩ đây là một việc rất cần thiết để con cháu đời sau có nơi đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã lãnh đạo những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc tới” .

Nhà nghiên cứu Thông Thanh Khánh

Nghe ngang đó, chúng tôi nói nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật là việc tìm mộ Hồ Quý Ly như thế cũng chưa có kết quả mong muốn. Ông gật đầu đáp đúng rồi, đó chỉ là bước đầu trong cuộc hành trình sắp tới, nhưng là bước đầu không thể thiếu, như người xưa nói: “Đường xa vạn dặm không rời khỏi bước ban đầu”. Không chỉ riêng mộ Hồ Quý Ly ở nước ngoài, mà ngay mộ của Hồ Thơm (tức vua Quang Trung - Nguyễn Huệ) ở trong nước, đến nay vẫn chưa tìm được.

Một điều cần lưu ý, theo ông Đỗ Đình Truật, sau ngày vua Hồ Quý Ly chết biệt tích bên Trung Quốc, con cháu họ Hồ sống sót ở Việt Nam như Hồ Hân, Hồ Nhân, Hồ Đốn, Hồ Thị đã tham gia cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo để cuối cùng góp phần đánh bại quân Minh, trả thù cho Hồ Quý Ly, buộc các tướng nhà Minh phải dự hội thề trả lại thành Đông Quan - Thăng Long - cho người Việt Nam và rút hết quân về nước. Sang triều Lê, họ Hồ có rất nhiều người đỗ thái học sinh, tiến sĩ, hoàng giáp ra giúp nước như: Hồ Ước Lễ, Hồ Doãn Văn, Hồ Đình Quế, Hồ Đình Trung, Hồ Bĩnh Quốc, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tôn, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống. Về sau, khi nhà Thanh mang hơn 20 vạn quân sang xâm lược nước ta, họ Hồ lại xuất hiện một nhân vật anh hùng phất cờ đào đứng lên đánh đuổi và đại thắng quân xâm lược, đó là Hồ Thơm - tức vua Quang Trung đã nhắc ở trên.

Qua triều Nguyễn, họ Hồ có nhiều danh nhân đỗ đạt, danh tiếng như Hồ Sĩ Tuấn, Hồ Trung Lượng, Hồ Văn Trị, Hồ Sĩ Tạo. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, họ Hồ lại sớm có mặt bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh như Hồ Tùng Mậu chẳng hạn. Hồ Tùng Mậu từng vận động luật sư người nước ngoài bênh vực cụ Hồ khi cụ bị bắt cuối năm 1930. Hồ Tùng Mậu là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4, Tổng thanh tra Chính phủ, hy sinh năm 1951; lãnh tụ Hồ Chí Minh có viết điếu văn, thống thiết: “mất chú, đồng bào mất người lãnh đạo tận tụy, chính phủ mất người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất người đồng chí trung thành, và tôi (Hồ Chí Minh) mất người anh em chí thiết...”. Hiện ở TP.HCM có đường mang tên Hồ Tùng Mậu, Q.1.

Ngoài ra, còn có đường mang tên một người họ Hồ khác đã từng làm rung chuyển các nhà tù của đô thành Sài Gòn, đó là Hồ Xuân Lưu (tức Trần Quốc Thảo) - đường này chạy từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Võ Văn Tần, Q.3. Trần Quốc Thảo là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, khi bị bắt giam ông đã táo bạo cướp súng giặc, nhưng không thành, bị vây đánh, liền bất khuất đập đầu vào tường để tự vẫn. Cái chết của ông gây làn sóng xúc động và củng cố ý chí đấu tranh trong hàng ngũ những tù chính trị đương thời.

Cũng có đường mang tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Q.3 - ngôi mộ của nữ sĩ này vẫn chưa tìm được. Khi vua Thiệu Trị ra Bắc năm 1842 đến thăm hồ Tây, chuyến ấy Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) đi theo đã làm bài thơ chữ Hán, sau này học giả Hoàng Xuân Hãn dịch, trong đó có bốn câu: Chớ trèo qua mộ Xuân Hương/Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/Sen tàn phấn rữa mồ hoang/Xuân Hương đã mất bên làn cỏ xanh... Dựa vào đó người ta cho là mộ Xuân Hương nằm sát hồ Tây, có người cho là nằm ở làng Nghi Tàm, vì “làng Nghi Tàm có một nghĩa địa ở hồ Tây, nay đã chìm xuống nước. Có thuyết cho là ở phường Thụy Khuê, phía nam hồ Tây. Cuộc khảo sát xác minh còn tiếp diễn” (Hồ Sĩ Giàng). Xem thế, hành trình tìm mộ một số danh nhân họ Hồ vẫn chưa kết thúc, trong đó có mộ hai vị vua: Hồ Quý Ly và Hồ Thơm (Nguyễn Huệ).

Bài viết này được chấp bút tháng 7 âm lịch năm nay (Canh Dần 2010), tháng cúng những vong hồn lưu lạc theo truyền thống tâm linh của người Việt. Dịp này nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật nhắc đến lễ cúng trên Lão Hổ Sơn và nói tuy lễ ấy thiếu trầu cau, song “chúng tôi đã thay vào đó bằng cách đọc lại bài Cảm hoài là bài thơ chữ Hán do Hồ Quý Ly viết khi bị nhà Minh cầm tù và tự dịch ra tiếng Việt”, trong đó có mấy câu: Quê hương dễ thấy đầu dần bạc/Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh...

Giao Hưởng

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/van-hoa/hanh-trinh-tim-mo-ho-quy-ly-quan-khach-khon-cam-toc-trang-xanh-188728.html