Hành trình trên đất phật huyền bí

Vì sao 'Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng' lại đến với công chúng nước ta một cách muộn màng như vậy....

Cuốn sách “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” (tên gốc “Mystyquet et Magiciens du Tibet”) của nữ văn sĩ Pháp - Alexandra David Neel (1868 - 1969) là một trong những cuốn sách cuốn sách đầu tiên của các tác giả phương Tây khám phá văn hóa tâm linh của phương Đông. Sau 100 năm tác phẩm này chinh phục khắp thế giới, “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” vừa được xuất bản tại Việt Nam, qua bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyên Phong.

Vì sao “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” lại đến với công chúng nước ta một cách muộn màng như vậy, sau rất nhiều năm thị trường sôi động với bao nhiêu loại sách dịch? Vì vấn đề không phải là chuyển ngữ, mà phải thấu hiểu được những giá trị gửi gắm trong tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyên Phong năm nay 68 tuổi, không chỉ là một kỹ sư cao cấp từng làm việc cho hãng Boeing mà còn giảng dạy ở nhiều trường đại học Mỹ.

Nhà nghiên cứu Nguyên Phong đã có nhiều năm ngụp lặn trong kho tàng văn hóa tâm linh châu Á, và đã cho ra đời nhiều cuốn sách xoay quanh đề tài này, như "Hành trình về phương Đông", "Đường mây qua xứ tuyết", "Trên rặng Tuyết Sơn", "Hoa trôi trên sóng nước"… Bởi vậy, bản dịch “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” chuyển tải đầy đủ tinh thần của nguyên tác.

Trước khi cuốn sách ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan.

Tác giả Alexandra David Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí, với chia sẻ: “Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực”.

Nữ văn sĩ Alexandra David Neel đã nỗ lực lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật Tây Tạng dưới con mắt quan sát nhạy bén và kiến thức thu nhặt được trong hành trình của mình. Cuốn sách của Alexandra David Neel còn là những ghi chép thú vị liên quan đến các sự kiện lịch sử ở nơi này như việc mô tả chuỗi ngày lánh nạn ở Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 hay những cải cách tôn giáo đột phá của vua Sidkeong Namgyal xứ Sikkim. Những nhân vật gắn liền với cuộc hành trình của Alexandra có người ẩn danh, vô danh nhưng cũng có người quyết định vận mệnh của cả một đất nước rộng lớn. Cũng chính vì vậy, “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” đã tạo nên một cảm hứng mạnh mẽ ở người đọc về vùng đất Tây Tạng với bao thăng trầm chứ không đơn thuần chỉ là những truyền thuyết hư ảo được phủ một lớp mầu nhiệm lấp lánh mơ hồ.

T.H

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-tren-dat-phat-huyen-bi-post224334.html