Hành trình trở thành 'bà chủ' của người phụ nữ tật nguyền

Nhìn người phụ nữ xinh đẹp, dáng đi khó nhọc do bị tật một bên chân, ít ai biết chị đã vượt qua nhiều gian nan để tự thân lập thân, lập gia đình, mang thai, sinh con... như bao phụ nữ bình thường khác.

"Người chồng tuyệt vời giúp tôi có thêm nghị lực sống"

Đến con hẻm nhỏ tại đường Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh không ai không biết chị Đào - chủ cơ sở đan móc len thủ công Phước Đào. Nhìn người phụ nữ xinh đẹp, dáng đi khó nhọc do bị tật một bên chân, ít ai biết chị đã vượt qua nhiều gian nan để tự thân lập thân, lập gia đình, mang thai, sinh con... như bao phụ nữ bình thường khác.

Câu cửa miệng của chị khi nói về chồng là "Nếu không có Phước thì không có Đào ngày hôm nay". Anh giống như đôi chân của vợ, làm thay chị mọi công việc của người phụ nữ trong nhà. Nhờ vậy, từ chỗ đan móc thuê theo đơn đặt hàng, chị Đào đã phát triển thành Cơ sở đan móc len thủ công, cung cấp các sản phẩm áo, mũ, túi, khăn trải bàn, bao gối... cho toàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Chị Đào có tuổi thơ đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình như bao đứa trẻ khác. Bất hạnh chỉ xảy đến khi lên hai tuổi, một trận sốt cao đã khiến chân trái chị teo nhỏ và gần như mất khả năng vận động. Dù vậy, Đào vẫn cố gắng học hết THPT, sau đó sinh nhai bằng nghề bán sạp báo, văn phòng phẩm trước cổng trường học. Những năm tháng miệt mài chống nạng đến trường, nhiều lần bị bàn bè bình phẩm, trêu ghẹo không khiến chị nản lòng. Tình yêu quá lớn của ba mẹ và anh trai, khiến chị càng quyết tâm tự lập.

Chị Đào trong lần được vinh danh.

Hạnh phúc đến khi chị gặp anh Phước - chồng chị bây giờ. Anh cao to, đẹp trai, hiền lành, vốn là giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật. Một lần ghé tiệm chị mua báo, anh đã phải lòng cô chủ xinh đẹp. Vượt qua nhiều mặc cảm, biết bao đêm đấu tranh nội tâm, cuối cùng, chị Đào cũng bị tình cảm chân thành của anh thuyết phục. Họ làm đám cưới trong sự ủng hộ của hai bên gia đình.

Cưới xong, anh bỏ nghề dạy, phụ chi bán báo để có thời gian chăm lo cho chị nhiều hơn. Nhưng việc buôn bán ngày càng ế ấm, lại có kế hoạch sinh con nên chị Đào quyết nghĩ cách làm giàu. Chị nhờ mẹ chồng chỉ dạy cách đan móc len, rồi cũng nhờ mối quan hệ của bà, hai vợ chồng chở nhau đi khắp các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh để ký gửi sản phẩm.

"Ngày mưa cũng như ngày gió, hai vợ chồng lặn lôi trên chiếc xe cà tàng đi khắp các chợ bỏ mối. Anh không ngại dìu tôi đến từng gian hàng, đợi tôi thuyết phục chủ sạp... Phải mất một thời gian dài, sản phẩm của chúng tôi mới bán được. Rồi từ chỗ chủ động đi bỏ mối, các chủ sạp và khách gọi điện đặt hàng. Làm môt mình không xuể, tôi bắt đầu truyền nghề và giao cho thơ gia công những khâu cơ bản" - Chị Đào chia sẻ về con đường làm giàu đầy gian nan.

Nhưng làm giàu đối với chị Đào không khó bằng việc mang thai và sinh con. Như bao người phụ nữ khác, chị khao khát được làm mẹ. Với người bình thường đã khó, người khuyết tật như chị càng khó hơn. Chị kể, khi mang thai đứa con đầu lòng, mỗi bước đi với chị như thể có máu chảy dưới gan bàn chân.

"Có lần đi từ nhà ra ngõ mua đồ ăn thôi mà tôi khuỵu ngã dù đã rất cố gắng. Từ đó, anh Phước không để cho tôi đi đâu mà không có anh. Anh cũng không cho tôi làm bất cứ việc gì trong nhà".

Chị Đào đang móc hàng trả khách.

Mang thai hai người con, mình chồng chị chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh cho vợ. Có lần nửa đêm, không muốn phiền chồng, chị cố nhịn vệ sinh nhưng anh biết và chủ động thức dậy giúp chị. Ngày chị sinh hai đứa con, cũng một mình anh chăm cả mẹ lẫn con chu toàn. Cho đến tận bây giờ, khi con lớn đã vào đại học, mọi chuyện cơm nước, giặt giũ trong nhà cũng một tay anh chu toàn. Chị chỉ việc lo làm ăn, tính toán để gia đình có thu nhập ổn định. Cậu con trai cả đã lớn, biết thay bố giúp đỡ mẹ nhiều việc.

Chị Đào tâm sự: "Tôi nghĩ ai cũng có quyền được hạnh phúc nên dù là người tật nguyền hay người bình thường, bạn cũng nên mở lòng đón nhận tình yêu, dù trước đó bạn có bị bầm dập, tổn thương. Không tìm, hạnh phúc làm sao tự đến.

Điều thứ hai, bạn phải học để có một nghề ổn định giúp nuôi sống bản thân, lo được cho cả gia đình nữa thì càng tốt. Điều thứ ba là may mắn. Tôi tự hào, cho đến thời điểm này, mình có cả ba điều đó. Tôi luôn khuyên các bạn khuyết tật những điều này, khi dạy nghề cho họ".

Chị Đào (bên trái) thời trẻ.

Lan tỏa tinh thần lạc quan cho những người cùng cảnh ngộ

Khi cuộc sống đã dần ổn định, đơn đặt hàng ngày một nhiều, chị Đào chủ động mở các lớp đào tạo nghề miễn phí cho chị em khuyết tật và giao hàng cho họ làm. Từ 10 học viên khuyết tật, dần dần những phụ nữ không tật nguyền nhưng có hoàn cảnh khó khăn trong xóm cũng đến xin học nghề và nhận hàng về làm gia công. Có thời điểm chị Đào tạo công ăn việc làm cho hơn 40 phụ nữ trong xóm.

Không chỉ dạy ở nhà, chị còn soạn giáo án, cùng chồng tham gia giảng dạy miễn phí cho lớp dạy nghề cho người khuyết tật do Hội Phụ nữ quận 7 tổ chức. Vợ dạy lý thuyết, chồng tự tay sửa từng sản phẩm cho mỗi học viên. Tinh thần lạc quan, vượt khó của chị Đào cùng tình cảm khăng khít của hai vợ chồng, là tấm gương, động lực thúc đẩy ước mơ cho nhiều học viên ở lớp học khuyết tật này.

Hôm đến thăm cơ sở của chị Đào, tôi gặp chị Võ Thị Mừng (quận 8) đang chăm chú nhìn con gái hoàn thành chiếc mũ bê- rê. Chị cho biết: "Trâm Anh bị khiếm khuyết khả năng nghe nói, nhưng rất thích học những nghề thủ công. Qua người quen, biết có lớp dạy miễn phí cho người khuyết tật, tôi bỏ hết công việc để theo con gái đến lớp". Sau một thời gian, Trâm Anh biết đan, móc khăn, nón, mang về tặng mẹ. Điều khiến chị vui là con gái không còn mặc cảm như trước.

Chị Đào (ngồi) và các học viên của lớp đan móc len.

Tình cờ biết đến lớp học qua thông tin trên báo Phụ nữ, chị Vũ Thị Kim Thủy (quận 8) liền đăng ký. Chị chia sẻ: "Tôi là thợ may tại nhà, chuyên may áo dài và áo bà ba. Vì muốn có thêm thu nhập nên tôi tham gia lớp này". Bị tật ở chân, chị vẫn đều đặn tuần ba buổi, đạp xe đến lớp. Nhờ chịu khó và chăm chỉ, đến nay, chị đã thông thạo mũi đan, móc từ đơn giản đến phức tạp như mũi đơn, mũi bím, mũi hạt gạo, mũi chữ Y… Chị dự định sau khi thạo nghề sẽ đầu tư mua vật liệu, đan móc sản phẩm bán tại nhà.

Với những đóng góp không mệt mỏi nhằm nâng cao đời sống người khuyết tật, cuối năm 2013, chị Đào là một trong hai phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh được ra Hà Nội nhận bằng khen "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2002 - 2012.

Năm 2014, chị đạt giải khuyến khích "Phụ nữ sáng tạo" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, với tác phẩm tranh len về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và lá cờ Việt Nam móc bằng len độc đáo. Nhiều năm liền, gia đình chị Đinh Thị Tuyết Đào đạt danh hiệu gia đình văn hóa; chị được bình chọn là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi cấp phường, quận, thành phố.

Gian hàng của chị Đào trong một hội chợ.

Các sản phẩm đan móc len thủ công của chị được phân phối khắp các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, xuất khẩu ra nước ngoài. Thời hoàng kim, chị còn có hẳn một cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên một khu phố sầm uất ngay quận trung tâm TP Hồ Chí Minh. Chị quyết định phát triển cơ sở đan móc len của mình thành công ty nhằm đẩy mạnh khả năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, chị Đào gặp khó khăn vì các sản phẩm dệt bằng máy đồng loạt lên ngôi với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, cộng với hàng Trung Quốc tràn ngập các khu chợ.

Hỏi chị, nếu một ngày không còn ai đặt hàng nữa, chị sẽ làm gì để sống. Chị Đào cười hồn hậu:

"Rồi cũng có cách thôi cô. Khi xưa lúc mới sinh hai con, cuộc sống của chúng tôi ngặt nghèo hơn nhiều. Có đôi tay, có sức khỏe có ý chí là sống được". Tôi không thích ai đó nhìn mình như một người tàn tật. Tôi sợ nhất ý chị bị khuyết tật chứ không sợ sự khuyết tật trên cơ thể". Châu Mỹ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/hanh-trinh-tro-thanh-ba-chu-cua-nguoi-phu-nu-tat-nguyen-518920/