Hành trình từ 'sếp lớn' ngân hàng tới án tù chung thân của ông Trần Phương Bình

Trong khi ông Trần Phương Bình đối mặt với án tù chung thân do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) hơn 3.405 tỷ đồng, thì bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Bình và hai con gái vẫn sở hữu khối tài sản hơn 2.300 tỷ đồng.

“Sếp lớn” ngân hàng

Nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình sinh năm 1959, là người gắn bó với Đông Á từ những ngày đầu ngân hàng này được thành lập.

Trước khi về DongABank, ông Trần Phương Bình làm giáo viên giảng dạy môn kinh tế xã hội chủ nghĩa tại trường Trung cấp Tài chính TP.HCM từ năm 1983-1992.

Đến tháng 7.1992, ông Bình về Ngân hàng Đông Á làm việc. Đến năm 1998, ông Bình giữ chức Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á. Dưới thời lãnh đạo của ông Bình, Ngân hàng Đông Á đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến năm 2014, số vốn điều lệ tại ngân hàng này đã tăng lên mức 5.000 tỷ đồng.

Ông Trần Phương Bình khi còn đương nhiệm

Đây cũng là ngân hàng được xem là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp…

Từ 2003 đến 2007, DongABank đạt con số 2 triệu khách hàng sử dụng Thẻ Đa năng chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, trở thành NHTMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam.

Giai đoạn 2008- 2012, DongABank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại như: máy ATM TK21 - Kỷ lục Việt Nam năm 2007 (nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong 1 lần gửi), sản phẩm ATM lưu động (Kỷ lục Việt Nam năm 2010), máy H38N và nhiều dòng máy ATM hiện đại khác. Số lượng khách hàng sau đó đã tăng lên 6-7 triệu người nhờ mạng lưới rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Số máy ATM lên tới 1,4 ngàn đơn vị, 1,5 ngàn POS, kết nối thành công với 3 hệ thống liên minh thể VNBC, Smarklink và Banknetvn.

Trong cơ cấu sở hữu tại tại DongABank, ông Bình là cá nhân có tỷ lệ sở hữu cao nhất tại ngân hàng này. Tính đến 30.6.2014, ông Trần Phương Bình nắm giữ 15.0000 cổ phiếu của ngân hàng này, tương đương tỷ lệ 3,0%.

Gây thiệt hại hơn 3.500 tỷ và án tù chung thân

Sau hơn 2 thập kỷ lèo lái ngân hàng này, đến ngày 13.8.2015, DongABank c chính thức rơi vào trình trạng kiểm soát đặc biệt do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng.

Ngày 20.8.2015, ông Trần Phương Bình đã bị NHNN đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc sau khi có thông tin chính thức về kết luận thanh tra toàn diện quyết định kiểm soát đặc biệt DongABank.

Ngày 9.12.2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can, bắt tạm đối với ông Trần Phương Bình.

Sáng 27.11, TAND Tp.HCM đưa Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm), Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc DongABank) và 22 bị cáo khác ra xét xử liên quan đến vụ án gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Phương Bình.

Sau gần 1 tuần thẩm vấn, sáng 7.12.2018, Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa luận tội vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Phương Bình. Hành vi của ông Bình dẫn đến thực trạng DongABank lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng (tính đến hết năm 2015).

Từ đó, Viện KSND đề nghị Bình mức án chung thân cả hai tội danh “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi ông Trần Phương Bình đối mặt với án tù chung thân, thì vợ con ông vẫn sở hữu khối tài sản hơn 2.300 tỷ đồng. Với số lượng cổ phiếu PNJ hiện đang sở hữu là 14.950.064 cp, tài sản của bà Cao Thị Ngọc Dung tương ứng tính tới hiện tại xấp xỉ 1.440 tỷ đồng. Ngoài ra, con gái Trần Phương Ngọc Giao sở hữu 5.438.154 cổ phiếu PNJ có tài sản tương ứng là 523,6 tỷ đồng và con gái thứ hai Trần Phương Ngọc Thảo với 3.556.050 cố phiếu PNJ tương ứng tài sản là trên 342 tỷ đồng.

Như vậy, khối tài sản trên sàn của 3 mẹ con nữ hoàng vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung hiện nay là hơn 2.300 tỷ đồng.

Quá trình chiếm đoạt tài sản của Trần Phương Bình tại DongABank

1. Năm 2007, chiếm đoạt 374,5 tỷ thông qua mua 5 triệu cổ phần DAB

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2007, ông Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với Phòng Kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng bù âm quỹ 374,5 tỷ đồng nêu trên.

2. Năm 2008, chiếm đoạt 234 tỷ thông qua mua gần 6 triệu cổ phần DAB từ Lộc Việt

Để có tiền mua cổ phần, Trần Phương Bình chỉ đạo thu khống 30 tỷ đồng của Nguyễn Hồng Ánh, sử dụng 121 tỷ đồng tiền bán Chung cư cao cấp khối D thuộc Dự án Richland Hill, cho Công ty TNHH Ninh Thịnh (Công ty Ninh Thịnh) và Công ty TNHH thực phẩm thương mại Sao Việt Nam (Công ty Sao Việt Nam), vay 197 tỷ đồng, tổng cộng thanh toán cho Công ty quỹ Lộc Việt (Công ty quỹ Lộc Việt) tổng số 327 tỷ đồng tiền mua cổ phần.

Bị cáo Bình còn chỉ đạo sử dụng 20 tỷ đồng để mở tài khoản kinh doanh vàng cho Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Tân Vạn Hưng, còn lại 495 triệu đồng Trần Phương Bình sử dụng vào công việc chung.

Sau đó, Trần Phương Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và DAB Sở giao dịch lập chứng từ thu khống 203 tỷ đồng để trả 195 tỷ đồng tiền gốc và 8 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay của Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam. Từ việc thực hiện các hành vi nêu trên, Trần Phương Bình đã chiếm đoạt 234 tỷ đồng của DAB.

3. Năm 2009, chiếm đoạt hơn 74 tỷ thông qua mua hơn 7 triệu cổ phần DAB

Tháng 11 năm 2009, ông Bình chỉ đạo lập 6 chứng từ thu khống; tiếp nhận điều chuyển số tiền đã thu khống từ DAB Sở giao dịch về Phòng ngân quỹ Hội sở để Hội sở hạch toán chi dẫn đến âm quỹ số tiền 74 tỷ đồng. Bình sử dụng số tiền này mua 7,4 triệu cổ phần DAB đứng tên Bình và các cá nhân, pháp nhân khác.

4. Năm 2010, chiếm đoạt hơn 274 tỷ thông qua mua hơn 31 triệu cổ phần DAB

Năm 2010, Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo thu khống để chiếm đoạt hơn 274 tỷ đồng mua hơn 31 triệu cổ phần tại ngân hàng Đông Á

Cũng trong năm 2010, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới ký Hợp đồng tín dụng cho Công ty Ninh Thịnh vay 150 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Ninh Thịnh đã chuyển số tiền này vào tài khoản của Cao Ngọc Liên (bố vợ Trần Phương Bình).

Từ tài khoản này của Cao Ngọc Liên, Trần Phương Bình chỉ đạo chuyển 62 tỷ đồng vào tài khoản của bà Trần Thị Môn (mẹ vợ Trần Phương Bình) mở tại DAB Trung tâm kinh doanh tài chính cá nhân, sau đó chuyển sang tài khoản của Công ty CP vốn An Bình là “công ty sân sau” của Trần Phương Bình. Chuyển 50 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP vốn An Bình mở tại DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng…

Năm 2011, chiếm đoạt 23 tỷ thông qua mua hơn 3,4 triệu cổ phần DAB

Năm 2011, để có tiền mua cổ phần DAB của các cổ đông nhỏ lẻ, Bình chỉ đạo lập 5 chứng từ thu khống tổng số 23 tỷ đồng để ông Bình mua 3,4 triệu cổ phần DAB đứng tên Nguyễn Thị Mỹ Linh. lập 4 chứng từ và Đỗ Thanh Hùng lập 1 chứng từ thu khống 23 tỷ đồng

Giữa năm 2012, Nguyễn Thị Mỹ Linh đã chuyển nhượng cho Bình 3,4 triệu cổ phần DAB nêu trên.

5. Năm 2012, chiếm đoạt 170 tỷ đồng thông qua mua 20 triệu cổ phần DAB

Đến ngày 23.4.2012, ông Bình tiếp tục chỉ đạo lập chứng từ thu khống 50 tỷ đồng đứng tên Đỗ Thanh Hùng để chuyển vào tài khoản thẻ Phạm Văn Tân mở tại DAB Sở giao dịch. Cùng ngày, Phạm Văn Tân chuyển 50 tỷ đồng vào Tài khoản để mua 5 triệu cổ phần DAB đứng tên Phạm Văn Tân cho Bình. Đến 24.4, ông Bình chỉ đạo chuyển nhượng 5 triệu cổ phần DAB cho Công ty Bắc Nam 79 lấy 50 tỷ đồng sử dụng cho mục đích cá nhân.

Chưa dừng lại, trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2012, Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến đứng ra vay tiền để mua cổ phần DAB. Sau đó, Nguyễn Thị Kim Xuyến nhờ Lê Hùng Cường (con rể Xuyến) và Từ Thị Mỹ Linh (Phòng giao dịch Hàm Nghi chi nhánh Quận 1) và Từ Thị Mỹ Linh nhờ 4 cá nhân khác đứng tên vay tổng số 120 tỷ đồng của DAB chi nhánh Đinh Tiên Hoàng để Bình mua 14,5 triệu cổ phần DAB.

6. Năm 2014, chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng thông qua mua cổ phần từ Đầu tư Mạo Hiểm

Ngày 17.7.2014, Lê Tuấn (Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Mạo Hiểm) bán hơn 1,4 triệu cổ phần DAB cho Bình với giá gần 11 tỷ đồng. Bình nhờ người khác đứng tên sở hữu số cổ phần này.

Cùng ngày, ông Bình chỉ đạo lập chứng từ thu khống 11 tỷ đồng của Trương Quốc Khánh để thanh toán tiền mua cổ phần. Hiện,Trương Quốc Khánh vẫn đang sở hữu số cổ phần DAB nêu trên.

Ngoài ra, từ năm 2013 Trần Phương Bình bắt tay Vũ Nhôm chiếm đoạt gần 490 tỷ bao gồm cho Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần DAB và hơn 13 triệu USD

Tất cả những sai phạm trên đã được Trần Phương Bình cố tình che đậy, sau gần 10 năm mới được phát hiện.

Huyền Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/hanh-trinh-tu-sep-lon-ngan-hang-toi-an-tu-chung-than-cua-ong-tran-phuong-binh-937353.html