Hành trình vạn dặm vượt sa mạc huyền bí ở Nam Úc

4 NGÀY VƯỢT SA MẠC NAM ÚC HỘI TỤ ĐẦY ĐỦ MỌI YẾU TỐ CỦA MỘT BỘ PHIM TÂM LÝ GÂY ÁM ẢNH: 3 CON NGƯỜI NGỒI DÍ TRONG MỘT KHOẢNG KHÔNG GIAN CHẬT HẸP, BỊ BÀO MÒN SỨC LỰC TRƯỚC THIÊN NHIÊN KHẮC NGHIỆT, MỆT MỎI VÀ GIẬN DỮ. NHƯNG CUỐI CÙNG, VẪN LÀ MẸ THIÊN NHIÊN ĐÃ CHO CHÚNG TÔI NHỮNG ĐIỂM SÁNG GIỮA CUỘC HÀNH TRÌNH CÙNG VỚI MỘT CÁI KẾT TRỌN VẸN VÀ MÃN NGUYỆN.

Đi dọc những đám cây bụi xém lại do cháy rừng, chúng tôi đang đuổi theo những vũng nước ảo giác xa xa trên con đường nhựa băng qua sa mạc. Nam Úc như tan chảy dưới sức nóng của mặt trời. Chỉ có chúng tôi, không dân cư, không hàng quán. Con đường kẻ một vệt thẳng tắp trên nền đất đỏ chạy dài theo rìa lục địa Úc, kết nối các thị trấn xa xôi, kết nối cả những suy nghĩ mông lung trong đầu tôi. Đây là chặng đường khó khăn nhưng thú vị nhất đối với tôi trong hành trình đi nhờ xe: đoạn đường dài 2180km từ Esperance, băng qua sa mạc để đến thành phố lễ hội Adelaide.

Chiếc Toyota của Julie lỉnh kỉnh đồ đạc: balo, lều trại, thức ăn, 30 lít nước cho 3 người trong suốt hành trình dự kiến 4 ngày, xăng cũng đã đầy bình. Ở sa mạc, lương thực, nước uống hay nhiên liệu đều là “vàng”, túi bánh mì giá 1.5 đô Úc có thể lên đến 5 đô, giá xăng cũng tăng theo từng kilomet khi vào sâu trong vùng đất khô cằn hẻo lánh. Khi biết Julie cũng đang trên đường đến Adelaide, tôi và Tom – bạn đồng hành người Croatia đã đề nghị cùng cô vượt sa mạc, sẽ thú vị hơn nếu có người cùng ta quên đi khoảng cách đường xa.

Ánh sáng cuối ngày tắt dần, chỉ còn những vệt cam hồng lấp lánh trên nền trời. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời và ngắn ngủi nhất của ngày. Julie lái xe thật chậm, còn tôi dán mắt vào cửa kính, chăm chăm truy tìm những chuyển động hai bên đường. Cả một thế giới hoang dã đang ẩn náu trong đám cây bụi ngoài kia, với chúng, ánh sáng phát ra từ đèn xe có một sức hút mãnh liệt. Thỏ, kangaroo, lạc đà, đà điểu… bất chấp lao sang đường, băng qua đầu xe nhanh như phi tiêu. Sự tò mò trước cám dỗ mới lạ có thể đẩy chúng đến cận kề cái chết. Đó cũng là nỗi lo của tất cả tài xế lái xe ban đêm. Tôi nhận ra điều đó khi nhìn vào những chiếc xe bị bỏ lại ven đường. Đa số đều bị hư hỏng nặng, chi phí kéo chúng ra khỏi sa mạc lại rất đắt, đôi khi còn nhiều hơn giá trị của chiếc xe, vậy nên không ít tài xế đã chấp nhận bỏ lại phương tiện của mình và vẫy nhờ xe đi về thành phố.

Trên đường đi, chúng tôi gặp một cặp đôi trung niên người Pháp. Họ đã dành 25 năm để du lịch khắp thế giới và có niềm yêu thích đặc biệt với nước Úc. Nhờ họ mách nước, chúng tôi mới biết đến ứng dụng WikiCamps Australia - ứng dụng thể hiện tất tần tật thông tin những khu cắm trại trên khắp nước Úc – rồi lần tìm đến một khu cắm trại cách đại lộ không xa. Dưới ánh đèn phát ra từ chiếc Toyota, chúng tôi tìm cho mình một khoảng đất bằng phẳng để dựng lều và nấu bữa tối.

Sức nóng của sa mạc suốt một ngày dài đã bào mòn hết sức lực của những kẻ lữ hành. Cả bầu trời lấp lánh dải ngân hà ngay phía trên cũng không đủ sức níu kéo chúng tôi ngồi trò chuyện lâu hơn chút nữa. Tôi và Tom chui vào chiếc lều đơn của mình, Julie chui xuống phía sau xe, cửa sổ xe mở nhưng vẫn được che bằng một tấm vải mùng thiết kế riêng để tránh muỗi và côn trùng.

Tôi học được rất nhiều từ những người bạn đồng hành trong những ngày đi bụi. Anh chàng Tom dạy tôi sự điềm tĩnh, biết cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần. Julie thì cho tôi thấy ý thức bảo vệ môi trường đáng ngưỡng mộ của người phương Tây, cô luôn để sẵn trên xe một cái xẻng, thứ dùng để xóa dấu vết sau những lần chúng tôi đi vệ sinh. Chuyện đơn giản như vậy mà tôi chưa bao giờ nghĩ ra. Lần sau, chắc chắn tôi sẽ đem theo một cái xẻng.

Sau bữa sáng đơn giản với bánh mì, sữa chua và vài trái mận chín mọng mua từ Esperance, chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày thứ hai trên sa mạc. Lúc này, đàn quạ đen cũng đang tận hưởng bữa tiệc của riêng mình – bữa tiệc xác kangaroo, ngay trên đại lộ. Dường như chúng đã kiên nhẫn chờ ở đó suốt cả ngày hôm qua, chỉ chực đợi màn đêm buông xuống, khi những con kangaroo bất chấp băng qua đường và tự kết liễu đời mình. Đàn quạ cắm móng vuốt vào lớp da sẫm vàng, xé toạc cơ thể của những con kangaroo đã chết, những chiếc mỏ cong quắp vào da thịt, những cặp mắt màu cam sáng hoắc, bất động, thi thoảng liếc nhìn khi xe chúng tôi chầm chậm lướt tới. Hình như hàng trăm con kangaroo đã chết đêm qua. Xác của chúng nồng nặc khắp nơi, lại thêm sức nóng chói chang khiến cả bầu không khí trong xe đặc quánh mùi tử khí.

Mấy bản nhạc từ thập niên 70 của Led Zeppelins, Deep Purple, Pink Floyd… phát ra từ radio. Julie đã lái xe không nghỉ trong nhiều giờ. Đôi mắt mở to nhưng vô hồn của cô nhìn về phía trước, dường như cô đang bị thôi miên bởi những dải màu vàng vô tận liên tục hiện ra từ phía chân trời. 146km đường thẳng dài nhất nước Úc đối với cánh tài xế là một sự nhàm chán, khi mà chân tay của họ tuy nhàn rỗi nhưng đầu óc lại chẳng được phép lơ là đến nửa giây. Sau hàng giờ liền ngắm nhìn những đám cây bụi bên đường, điều tốt nhất tôi có thể làm là đọc cuốn “Ông chủ hiệu sách ở Kabul”, quyển sách nói về văn hóa Afghanistan và đạo Hồi mà Julie mang theo để giết thời gian rảnh rỗi.

Cuối cùng cũng đến vịnh Đại Úc, vịnh dài nhất của nước Úc, dài 1.160km. “Mình đúng là kẻ may mắn”, tôi nghĩ khi xe đến điểm cắm trại nằm trên vách đá vườn quốc gia Nullarbor vừa kịp lúc mặt trời trút những luồng sáng mạnh mẽ xuống nền đại dương. Chai rượu vang đỏ đã được chuẩn bị sẵn để cả nhóm tận hưởng hoàng hôn ngay tại tầm nhìn nổi tiếng này. Trước mặt chúng tôi là Ấn Độ Dương mang hơi thở lạnh giá của những tảng băng Bắc Cực. Tôi không nhớ rõ hôm nay là ngày bao nhiêu nữa, chuyện này vẫn thường xảy ra với những tay đi bụi dài ngày, nhưng ở một nơi đẹp đẽ như thế này, cũng chẳng cần phải nhớ gì nhiều.

Hôm nay là ngày thứ ba của hành trình vượt sa mạc, cũng là ngày thứ ba tôi loại chữ “tắm” ra khỏi từ điển của mình.

Lạc quan hơn một chút, vì không khí ở Úc nói chung và trên sa mạc Nam Úc nói riêng rất khô nên dù trời có nóng hơn 45 độ C, người ngợm vẫn không nhễ nhại mồ hôi như khi tôi ở Đông Nam Á. Hơn nữa, tắm giữa sa mạc là một sự phí phạm xa xỉ, người ta chỉ dùng khăn ướt để lau người nếu cần.

Còn khoảng một tiếng lái xe để đến được trạm kiểm soát Nam Úc. Chúng tôi dừng lại ở một trạm xăng, ăn hết phần thức ăn còn lại, chỉ để chừa cơm và đậu hộp. Khi di chuyển từ bang này sang bang khác, bạn sẽ gặp những trạm kiểm soát thức ăn. Rau củ quả, mật ong, sữa đều không được phép mang qua biên giới nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Đôi khi tôi nghĩ tại sao vùng lãnh thổ rộng lớn này không phân chia thành nhiều quốc gia nhỏ bởi giữa mỗi bang đã có sự khác biệt quá rõ ràng. Đến cả chính sách quản lý thuế và múi giờ ở Tây, Trung và Đông Úc cũng chẳng hề giống nhau.

Tiến sâu vào tiểu bang Nam Úc, sa mạc mênh mông, đường chân trời xa vời vợi khiến chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Bầu không khí chán nản bao trùm như thể cách duy nhất mà chúng tôi nên làm là giữ im lặng. Julie ngày càng mệt mỏi. Cô bám lấy tay lái, thậm chí tôi có thể nhận ra cô đang tức giận. Sự im lặng xâm chiếm bầu không khí trong xe. Đã ba ngày liên tiếp chúng tôi phải hứng chịu luồng không khí khô nóng của sa mạc tạt thẳng vào mặt. Tất cả đều biết sẽ khó có cuộc phiêu lưu thứ hai như thế này. Khi mặt trời đã lặn, và ngôi sao đầu tiên trên bầu trời bắt đầu tỏa ánh sáng lấp lánh, chúng tôi đến một điểm cắm trại bên hồ Gilles. WikiCamp thể hiện chính xác vị trí của khu cắm trại, chỉ có điều ứng dụng ấy (và cả chúng tôi) không biết rằng cái hồ đã cạn khô nước. Mọi thứ bốc hơi vào không khí, chỉ còn lại những vết rạn nứt trên mặt hồ. Không kể phần sa mạc, đây chính là hiện thân cho vùng đất khô nhất của nước Úc.

Sự căng thẳng được rũ bỏ vào cuối ngày. Sau bữa tối với cơm trộn đậu hộp, Julie lôi ra một lốc bia vừa mua ở trạm xăng, ý tưởng hay để tưới mát tâm hồn khô héo sau những ngày vượt sa mạc nắng nóng. Tôi đã đi rất nhiều, ngắm bầu trời đêm từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng bầu trời ở sa mạc Nam Úc hôm nay thật đẹp. Dường như sa mạc luôn là điểm giao thoa hoàn hảo nhất giữa đất và trời. Tôi muốn ngắm bầu trời tinh tú suốt đêm nay, ngay cả trong giấc ngủ.

Thoát khỏi vùng sa mạc, ngày thứ tư, chúng tôi đến được Adelaide. Tôi và Tom sẽ có vài ngày ở nhà một couchsurfer tại vùng ngoại ô Adelaide trước khi tiếp tục hành trình đến Mount Gambier, Melbourne, Tasmania và sau cùng là Sydney. Julie dự định chuyển visa lao động kỳ nghỉ của cô sang visa du học để tiếp tục cuộc sống tại đất nước này. Phải, nước Úc rất hấp dẫn, ngay cả sự khắc nghiệt của sa mạc cũng không thể đốt cháy những bí ẩn kỳ diệu của nó, sự kì diệu mà mỗi người chỉ có thể tự khám phá và cảm nhận trên hành trình của riêng mình.

Khu cắm trại thường là bãi đất rộng, lâu lâu sẽ có những chú chồn Possum đến tìm đồ ăn, đặc biệt là ở vùng Tasmania.
Chính phủ Úc nghiêm cấm việc đốt lửa ngoài trời bởi khí hậu ở đây rất khô, dễ gây cháy rừng.
Nếu bạn gặp sự cố ở sa mạc, hãy gọi số cứu trợ khẩn cấp: 000.
Dãy núi Flinders Ranges lớn nhất Nam Úc có rất nhiều đường mòn để bạn trekking và ngắm nhìn các loài động vật hoang dã.
Đi trong sa mạc, nên đổ xăng ở những trạm gần nhất bạn thấy trên đường vì chắc chắn ở trạm tiếp theo, giá xăng sẽ cao hơn.

Bài & ảnh LUCY NGUYEN
Thiết kế ANH HOA

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/magazine/hanh-trinh-van-dam-vuot-sa-mac-huyen-bi-o-nam-uc/