Hành trình về nguồn của Đảng bộ Công ty Thủy điện Sông Bung

Đảng bộ Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức chuyến tham quan địa chỉ đỏ - Khu di tích lịch sử cách mạng K20 - Đà Nẵng.

Ngày 29/3/2024, Đảng bộ Công ty Thủy điện Sông Bung (Đảng bộ Công ty) tổ chức chuyến tham quan địa chỉ đỏ - Khu di tích lịch sử cách mạng K20 - Đà Nẵng.

Đoàn gồm có đồng chí Lê Đình Bản - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty - Trưởng đoàn, Ban Giám đốc, BCH Công đoàn, Lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên của Công ty Thủy điện Sông Bung.

Chuyến tham quan là cơ hội để cán bộ, đảng viên Công ty tìm hiểu rõ hơn về lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước, sự hy sinh của những người anh hùng đã từng chiến đấu tại địa phương này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc.

Đảng bộ Công ty tham quan khu di tích lịch sử cách mạng K20 – Đà Nẵng

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địa bàn K20 bao gồm các xóm Nước Mặn (xóm Đồng), Đa Phước (xóm Cát) và một phần của làng Mỹ Thị, Bà Đa thuộc quận III - Đà Nẵng.

Đó là một vùng đất cát và phù sa có diện tích khoảng 4 km2 chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nằm kẹp giữa sông và biển. Trung tâm căn cứ K20 chính là xóm Đồng với lũy tre bao bọc xung quanh, cây cối rậm rạp; phía Đông tiếp giáp với sông và đồng ruộng, phía Tây giáp sông Cổ Cò, Hòa Quý, Hòa Xuân; phía Nam giáp cánh đồng trũng vào tới đập Bờ Quan, phía Bắc giáp cánh đồng rộng lớn kéo dài xuống đập Mỹ Thị.

Lúc bấy giờ, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn vào xóm Đồng thì phải qua một chiếc cầu độc đạo. Vì bốn phía đều trống nên việc cảnh giới, bảo vệ cho căn cứ rất thuận lợi, có thể phát hiện địch hoặc người lạ vào xóm từ xa để báo động cho cán bộ cách mạng xuống hầm bí mật trú ẩn.

Xóm Đồng chỉ khoảng 54 hộ dân sinh sống, dân cư thưa thớt, bao quanh là sông, đồng ruộng nên địch gọi đây là xóm Mồ Côi. Tuy dân ít, quanh năm vất vả cảnh ruộng đồng, sông nước nhưng trên mảnh đất K20 đã hình thành nên những cộng đồng làng xã bền chặt, có chung nét sinh hoạt văn hóa, luôn mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn và sẵn sàng vùng lên quật khởi chống lại các thế lực ngoại xâm.

Mô hình khu di tích lịch sử cách mạng K20 – Đà Nẵng

Khi đến thăm quan khu di tích, chúng tôi đã được chị Mai Thị Thanh Sen - Ban quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn hướng dẫn thăm quan những di tích lịch sử như: Hầm trú ẩn, những bức tượng và bảng thông tin ghi lại những chiến công vang dội của các anh hùng cách mạng và công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, đoàn kết, sáng tạo của quân dân vùng Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Một góc lưu giữ các loại phương tiện và vũ khí được nhân dân và cán bộ K20 dùng để đào hầm bí mật và chiến đấu.

Nơi đây lưu lại những hình ảnh và ghi danh các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, anh hùng lực lượng vũ trang đã từng sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này, trong đó cao cả nhất là tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng có những người con đã hy sinh trong các trận đánh chống giặc ngoại xâm được lưu tại Nhà truyền thống.

Hình ảnh tiêu biểu nhất khi tham quan nơi đây là những căn hầm bí mật; trong quá trình hoạt động, K20 có hơn 150 lượt hầm được đào, mỗi hầm có một chức năng, kiểu dáng riêng; có hầm là nơi làm việc và chỉ huy của các đồng chí lãnh đạo, có hầm trở thành nơi chữa trị cho thương binh; cũng có hầm như một văn phòng, là nơi cất giấu tài liệu mật, máy đánh chữ để soạn thảo văn bản. Các hầm bí mật được đào tinh vi dưới lũy tre, bờ giậu, dưới nhà bếp hay bàn thờ gia tiên…

Hiện nay, vẫn còn lại một số các hầm bí mật tại các nhà thờ như: Nhà thờ ông Huỳnh Phiên, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng. Bốn địa điểm này đã được xếp hạng Di tích lịch sử trong khu Di tích lịch sử quốc gia K20.

Đảng bộ Công ty tìm hiểu về hầm bí mật tại nhà thờ bà Nhiêu

Trong suốt chuyến đi, không chỉ có những lời tường thuật về những trận đánh lịch sử mà còn là những câu chuyện về tinh thần đoàn kết, sự hy sinh và quyết tâm của những người dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu hơn về giá trị của lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

Đảng bộ Công ty chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ bà Nhiêu

Buổi tham quan là cơ hội để học hỏi và chia sẻ của mỗi đảng viên; cùng nhau trao đổi quan điểm, suy ngẫm về ý nghĩa của lịch sử cách mạng và cách áp dụng những bài học từ quá khứ vào công việc và cuộc sống hiện tại. Khi rời khỏi khu di tích, mỗi đảng viên của Đảng bộ Công ty đã mang theo không chỉ là những ấn tượng về lịch sử mà còn là sự biết ơn và tôn trọng đối với những nỗ lực hy sinh của các Anh hùng đã từng chiến đấu và hy sinh tại đây. Đây cũng là một trải nghiệm sâu sắc, để lại những dấu ấn khó quên trong lòng mỗi đảng viên, cán bộ công nhân viên Công ty về sự đoàn kết, hy sinh và lòng tự hào dân tộc.

X.H

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hanh-trinh-ve-nguon-cua-dang-bo-cong-ty-thuy-dien-song-bung-311980.html